Cầu nối giữa lý thuyết giáo dục và thực tiễn giảng dạy

Khoảng cách giữa nghiên cứu hàn lâm và thực tiễn giảng dạy vẫn là thách thức trong giáo dục, khi việc áp dụng các phát hiện mới vào lớp học còn hạn chế và diễn ra chưa kịp thời. Phương pháp nghiên cứu dựa trên thiết kế được đề xuất như một hướng tiếp cận triển vọng, nhằm kết nối lý thuyết và thực hành một cách linh hoạt, thiết thực.

Trong lĩnh vực giáo dục, một vấn đề được quan tâm xuyên suốt là khoảng cách giữa nghiên cứu học thuật và thực tiễn giảng dạy tại nhà trường. Dù các trường đại học và viện nghiên cứu không ngừng đưa ra các kết quả khoa học đổi mới, song việc áp dụng những kết quả này vào thực tế lớp học lại thường xuyên bị chậm trễ hoặc gặp khó khăn trong triển khai. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tìm ra một phương pháp nghiên cứu có khả năng kết nối chặt chẽ giữa lý thuyết và thực hành. Trên cơ sở đó, phương pháp Design-Based Research (DBR) - Nghiên cứu dựa trên thiết kế - được đề xuất như một giải pháp đầy tiềm năng để vượt qua rào cản này.

Khác với những mô hình nghiên cứu truyền thống vốn đặt trọng tâm vào việc kiểm nghiệm lý thuyết trong môi trường tách biệt, DBR định hình một cách tiếp cận thực nghiệm và linh hoạt, trong đó lý thuyết và thực tiễn được phát triển song song và tương hỗ. Phương pháp này khởi nguồn từ nhu cầu cải tiến dạy học trong môi trường thực tế, đồng thời vẫn duy trì tính chặt chẽ về mặt khoa học. Một dự án DBR thường trải qua các chu kỳ liên tiếp gồm: xác định vấn đề, thiết kế giải pháp, triển khai trong lớp học, thu thập và phân tích dữ liệu, điều chỉnh giải pháp và lặp lại quy trình này để đạt được cả hiệu quả thực tiễn lẫn giá trị học thuật.

Nghiên cứu khẳng định DBR là một mô hình lý tưởng cho giáo dục, vì cho phép các nhà nghiên cứu hợp tác trực tiếp với giáo viên trong việc xây dựng và thử nghiệm các công cụ, bài giảng hoặc chương trình học. Trong quá trình này, cả hai bên cùng đóng vai trò chủ động: giáo viên mang đến kinh nghiệm và hiểu biết thực tế về lớp học, trong khi nhà nghiên cứu cung cấp cơ sở lý luận và công cụ khoa học để phân tích và cải tiến.

Để minh họa cho tính hiệu quả và khả năng ứng dụng của DBR, một nghiên cứu tình huống được thực hiện trong môn Địa lý tại một trường phổ thông ở Đức. Nghiên cứu tập trung vào cách học sinh châu Âu nhận thức về Châu Phi - một chủ đề thường bị chi phối bởi những hình ảnh phiến diện và định kiến tiêu cực, như chiến tranh, nghèo đói, dịch bệnh. Nhằm mục tiêu giúp học sinh phản tư và điều chỉnh những định kiến này, nghiên cứu đã thiết kế một chuỗi hoạt động học tập theo quy trình DBR.

Nguồn: Pexels.com

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu lựa chọn một loạt hình ảnh phản ánh đời sống thường nhật ở Tanzania, chẳng hạn như một công trình xây dựng đang dở dang. Những hình ảnh này sau đó được đưa vào cả hai bối cảnh: một là trong các cuộc phỏng vấn người dân Tanzania để ghi nhận cách họ nhìn nhận hình ảnh đó từ góc nhìn nội tại; hai là trong các buổi học tại Đức, nơi học sinh được yêu cầu mô tả và đánh giá các hình ảnh tương tự.

Kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách nhìn nhận giữa hai nhóm. Người dân Tanzania nhấn mạnh yếu tố kinh tế-xã hội, thói quen xây dựng theo giai đoạn, trong khi học sinh Đức có xu hướng diễn giải hình ảnh theo hướng tiêu cực, gắn liền với nghèo đói và lạc hậu. Dữ liệu này trở thành chất liệu quan trọng để nhóm nghiên cứu phát triển một đơn vị bài học mới, trong đó học sinh được tiếp xúc đồng thời với các hình ảnh và nhận xét từ cả hai nền văn hóa.

Các tiết học thí điểm được triển khai tại nhiều lớp học, có sự quan sát của nhóm nghiên cứu và được tiếp nối bằng phỏng vấn, thảo luận nhóm và đánh giá định tính. Sau mỗi chu kỳ giảng dạy, tài liệu học tập được điều chỉnh: các hình ảnh không hiệu quả bị loại bỏ, các câu hỏi thảo luận được thay đổi để khơi gợi suy nghĩ sâu hơn và quy trình dạy học được thiết kế lại để tăng cường sự tham gia cá nhân trước khi làm việc nhóm. Qua nhiều vòng cải tiến, đơn vị bài học dần đạt được hiệu quả mong muốn: học sinh bắt đầu thể hiện sự nhận thức rõ hơn về tính chủ quan trong cách nhìn nhận một không gian văn hóa khác biệt và phát triển tư duy phản biện đối với các hình ảnh quen thuộc.

Kết luận từ nghiên cứu tình huống cho thấy DBR là một mô hình nghiên cứu không chỉ có khả năng giải quyết vấn đề giảng dạy cụ thể mà còn đóng góp vào việc hình thành lý thuyết mới dựa trên thực tiễn. Phương pháp này cho phép các bên cùng đồng kiến tạo tri thức: giáo viên được tiếp cận với các công cụ nghiên cứu và có cơ hội phản tư sâu sắc về thực hành giảng dạy của mình, trong khi nhà nghiên cứu có thể hiểu rõ hơn về thực tiễn và phát triển các lý thuyết dạy học có tính ứng dụng cao.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc áp dụng DBR đòi hỏi thời gian, nguồn lực và sự cam kết lâu dài từ cả hai phía. Việc duy trì sự hợp tác bình đẳng, đảm bảo tính minh bạch và tôn trọng chuyên môn lẫn nhau là điều kiện tiên quyết để DBR phát huy hiệu quả. Dù vẫn còn một số thách thức trong chuẩn hóa phương pháp, công bố kết quả và tìm kiếm nguồn tài trợ, nhưng những gì DBR mang lại cho giáo dục - cả về mặt học thuật lẫn thực tiễn là rất đáng kể.

Như vậy, nghiên cứu làm rõ tiềm năng của Design-Based Research như một phương pháp nghiên cứu đổi mới trong giáo dục, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển hóa tri thức học thuật thành giải pháp cụ thể cho các vấn đề dạy học trong bối cảnh thực tế. Với tính linh hoạt, tính hợp tác và định hướng giải pháp, DBR đang trở thành một trong những phương pháp nghiên cứu đáng chú ý trong đổi mới giáo dục thế kỷ XXI.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Barthmann, K., Schrüfer, G., & Eckstein, V. (2025). Design-Based Research - A Research Format for Educational Research. Vietnam Journal of Education9(Special Issue), 137-145. https://doi.org/10.52296/vje.2025.438

Bạn đang đọc bài viết Cầu nối giữa lý thuyết giáo dục và thực tiễn giảng dạy tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn