Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Từ chủ trương đến hành động

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngày càng tăng, việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong hệ thống giáo dục là một chiến lược cần thiết và cấp bách. Việt Nam đang từng bước triển khai mục tiêu này thông qua các đề án và chính sách.

Định hướng quốc gia trong việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường

Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Bộ Chính trị đề ra tại Kết luận số 91-KL/TW, trong đó nêu rõ: Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…”. Từ đó, ngành giáo dục cũng xác định việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là mục tiêu lớn. Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đang xây dựng Đề án từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025 – 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Theo định hướng này, tiếng Anh không chỉ là môn học mà cần trở thành công cụ giao tiếp, là phương tiện để học sinh tiếp cận tri thức toàn cầu, từ đó từng bước sử dụng tiếng Anh như một “ngôn ngữ thứ hai”. Dự thảo Đề án cũng nêu rõ các nhiệm vụ, giải pháp triển khai như nghiên cứu và hoàn thiện thể chế; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân; phát triển và đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên; ban hành, triển khai chương trình, giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu, học liệu; đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá; đẩy mạnh ứng dụng các nền tảng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, tăng cường cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa và tăng cường tổ chức các hoạt động thi đua khen thưởng… 

Học sinh trong giờ học tiếng Anh tại trường (Nguồn: website Trường Tiểu học Kim Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh)

Thực tế nhiều năm nay, các địa phương đã chủ động đưa tiếng Anh vào lộ trình phát triển giáo dục. Năm nay, một số địa phương thực hiện tuyển sinh vào 10 trung học phổ thông công lập đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc nhưng ghi nhận đa số địa phương chọn tiếng Anh là môn thứ 3 thi vào lớp 10 ngoài Toán và Ngữ văn. Trước đó, với chương trình giáo dục phổ thông 2006, phần lớn các địa phương lựa chọn 3 môn thi là: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh để tuyển sinh vào lớp 10. Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ nhưng thực tế vẫn gặp một số khó khăn ở sự chênh lệch giữa các vùng miền, đặc biệt là thiếu hụt đội ngũ giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn. Sự đồng bộ trong chương trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy cũng là vấn đề cần sớm khắc phục.

Kinh nghiệm quốc tế: Hướng tiếp cận toàn diện và dài hạn

Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai không phải điều xa lạ trên thế giới. Nhiều quốc gia đã thành công trong việc đưa tiếng Anh vào hệ thống giáo dục như ngôn ngữ thứ hai nhờ vào các chính sách đồng bộ, đầu tư lâu dài và mô hình học tập sáng tạo. Giống như Việt Nam, một số nước cũng gặp thách thức về việc đảm bảo chất lượng giảng dạy đồng đều trên toàn hệ thống giáo dục, đặc biệt là giữa các khu vực thành thị và nông thôn. Ngoài ra, phương pháp giảng dạy truyền thống, tập trung vào ngữ pháp, còn hạn chế khả năng giao tiếp thực tế của học sinh cũng tạo ra sự khác biệt lớn trong hiệu quả giảng dạy tiếng Anh.

Để khắc phục tình trạng này, chính phủ Indonesia đã triển khai các chương trình đào tạo giáo viên tiếng Anh và nâng cao kỹ năng giảng dạy. Các chương trình như "Teacher Professional Development" giúp giáo viên ở vùng sâu vùng xa được đào tạo tốt hơn về cả phương pháp giảng dạy tiếng Anh và kiến thức chuyên môn. Đồng thời, Indonesia cũng đang thử nghiệm các phương pháp giảng dạy tiếng Anh thông qua công nghệ để cung cấp cơ hội học tập cho học sinh ở mọi khu vực. Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc đã áp dụng các giải pháp như tăng cường đào tạo giáo viên địa phương, ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và khuyến khích học sinh tham gia các hoạt động quốc tế nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Anh trên toàn quốc. Mặc dù đã có nhiều cải thiện, việc thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các khu vực vẫn là nhiệm vụ quan trọng mà chính phủ cần tiếp tục tập trung giải quyết.

Tiếng Anh cũng là môn học bắt buộc trong hệ thống giáo dục Trung Quốc từ bậc tiểu học. Trong những năm gần đây, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh trong việc tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của học sinh và bắt đầu cải tiến chương trình giảng dạy tiếng Anh. Chính sách giáo dục của Trung Quốc coi dạy tiếng Anh như một công cụ không chỉ để giáo dục mà còn để quản lý văn hóa. Học sinh Trung Quốc thường phải đối mặt với áp lực lớn từ các kỳ thi và yêu cầu học tập, khiến việc phát triển kỹ năng giao tiếp tiếng Anh bị hạn chế. Tuy nhiên, trong các trường học hiện đại tại các thành phố lớn, chương trình giảng dạy tiếng Anh đã bắt đầu tích hợp các phương pháp học toàn diện hơn, tập trung nhiều hơn vào kỹ năng nghe – nói.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai trong nước, có thể nhận thấy để tiếng Anh thực sự trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, các quốc gia cần coi tiếng Anh như công cụ tiếp cận tri thức và hội nhập chứ không đơn thuần là môn học. Các chính sách về đào tạo giáo viên bài bản, hỗ trợ tài chính và kết nối với giáo dục quốc tế là những yếu tố then chốt để tạo nên thành công.

Phát biểu tại cuộc họp xây dựng Đề án từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học dù “từng bước” nhưng cũng cần phải nhanh chóng thực hiện, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, vai trò của ngoại ngữ rất quan trọng để hội nhập sâu rộng, vì thế tốc độ cần phải nhanh hơn nữa. Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là một trong những bước đi chiến lược để Việt Nam hội nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này cần nỗ lực đồng bộ, kiên trì và có sự linh hoạt trong từng giai đoạn. Đây là một quá trình dài hạn, cần đầu tư đồng bộ từ chính sách đến con người, từ hạ tầng đến phương pháp giảng dạy.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2025): Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Từng bước nhưng cũng phải nhanh chóng. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10453

Dạy và học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai: Kinh nghiệm quốc tế cho giáo dục Việt Nam. https://tapchigiaoduc.edu.vn/article/88810/222/day-va-hoc-tieng-anh-nhu-ngon-ngu-thu-hai-kinh-nghiem-quoc-te-cho-giao-duc-viet-nam/

Bạn đang đọc bài viết Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Từ chủ trương đến hành động tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19