Triển khai khung năng lực số trong giáo dục: Yêu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện nay

Việc triển khai năng lực số đối với giáo viên và học sinh không chỉ là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh chuyển đổi số, mà còn là bước đi chiến lược nhằm hiện thực hóa các mục tiêu lớn trong Nghị quyết 57-NQ/TW và Quyết định 131/QĐ-TTg.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định chuyển đổi số quốc gia là một trong những khâu đột phá để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã ban hành Thông tư 02/2025/TT-BGDĐT quy định Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Các miền năng lực bao gồm: sử dụng công nghệ thông tin – truyền thông (ICT), khai thác và xử lý thông tin, bảo mật – an toàn số, sáng tạo nội dung số, và làm việc – tương tác trong môi trường số. Khung năng lực số còn là nền tảng cho việc học tập suốt đời; bảo đảm tất cả người học có cơ hội tiếp cận và phát triển năng lực số. Qua đó, góp phần giảm thiểu sự chênh lệch trong khả năng tiếp cận và sử dụng công nghệ. Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã phát động phong trào “Bình dân học vụ số” tới toàn dân. Bộ GDĐT đã ra mắt nền tảng học tập số phục vụ phong trào này, có thể hỗ trợ cùng lúc 40 triệu lượt người học, với hàng nghìn khóa học đa dạng, hỗ trợ xây dựng chương trình học liệu theo nhu cầu. Đây sẽ là công cụ quan trọng trong phổ cập năng lực số từ học sinh, giáo viên đến toàn dân.

Bộ GDĐT đang xây dựng dự thảo văn bản triển khai Khung năng lực số cho học sinh và giáo viên. Theo dự thảo này, các năng lực được chia thành hai nhóm chính: Năng lực số nền tảng và Năng lực số chuyên biệt thể hiện khả năng ứng dụng các giải pháp, công cụ công nghệ số trong triển khai hoạt động nghề nghiệp của giáo viên. Tuy nhiên, để xây dựng những tiêu chí cụ thể về Khung năng lực số cho từng đối tượng học sinh ở các cấp học theo Thông tư 02, phù hợp với thực tế ở mỗi địa phương, mỗi nhà trường là một thách thức lớn, cần thận trọng và kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy các trường học tại một số địa phương có sự chênh lệch về hạ tầng số, năng lực giáo viên, sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường. Trong khi đó, việc triển khai năng lực số không chỉ về mặt kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong tư duy, phương pháp dạy và học của giáo viên và học sinh.

Để không làm xáo trộn các môn học và đủ căn cứ pháp lý để các nhà trường dễ triển khai, thời gian qua, Bộ GDĐT đã tiến hành đưa các nội dung thích hợp vào chương trình học theo hướng tích hợp hoặc tăng cường. Đây là cơ sở thực tiễn để Bộ tiến hành phân tích, rà soát Chương trình giáo dục phổ thông đối với từng cấp học, lớp học, môn học/hoạt động giáo dục để tìm ra các địa chỉ - nơi có cơ hội thực hiện phát triển năng lực số cho học sinh cho từng lớp của cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Sau đó xây dựng một số nội dung dạy học mới chưa có trong chương trình để đáp ứng theo yêu cầu khung năng lực số đã ban hành.

Phát biểu tại cuộc họp về triển khai năng lực số đối với học sinh và giáo viên ngày 11/4/2025, Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, khi xây dựng Khung năng lực số cho giáo viên và học sinh cũng nhằm cụ thể hóa Thông tư 02 đối với từng cấp học, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo hướng mở, đáp ứng tốc độ phát triển của công nghệ thông tin và sẽ quản lý được những nội dung đưa vào nhà trường.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại cuộc họp (Nguồn: Bộ GDĐT)

Triển khai Khung năng lực số là một phần quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, khoa học và linh hoạt giữa các cấp quản lý, nhà trường, giáo viên và cộng đồng. Việc phổ cập kỹ năng số không chỉ giúp học sinh, giáo viên thích ứng với thời đại công nghệ mà còn góp phần hình thành một xã hội học tập, tiến tới bình đẳng trong tiếp cận tri thức và phát triển con người toàn diện trong kỷ nguyên số.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2025): Triển khai năng lực số đối với học sinh và giáo viên: Thận trọng, kỹ lưỡng nhưng không cầu toàn. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10456

 

Bạn đang đọc bài viết Triển khai khung năng lực số trong giáo dục: Yêu cầu thiết yếu trong bối cảnh hiện nay tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19