Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực khoa học cơ bản: Tạo nền tảng cho phát triển khoa học công nghệ

Trong hệ thống giáo dục đại học (ĐH), các ngành khoa học cơ bản như Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý học… không chỉ là nền tảng của khoa học – công nghệ mà còn đóng vai trò thiết yếu trong việc đào tạo nhân lực chất lượng cao. Việc phát triển mạnh mẽ các ngành khoa học cơ bản sẽ tạo tiền đề cho việc nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ tiên tiến, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Dù đóng vai trò cốt lõi trong nền tảng tri thức và là bệ đỡ cho đổi mới sáng tạo, nhiều ngành khoa học cơ bản lại đang rơi vào tình trạng "thiếu thí sinh" qua mỗi mùa tuyển sinh. Thực tế cho thấy một số lĩnh vực như Nông Lâm Nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên… đang có tỷ lệ tuyển sinh thấp qua các năm. Trong đó, năm 2023, lĩnh vực Nông Lâm Nghiệp và Thủy sản đạt 0,86%; lĩnh vực Khoa học sự sống đạt 0,71%; Lĩnh vực Khoa học tự nhiên và lĩnh vực Toán và thống kê đều chỉ đạt 0,50%. Có thể thấy, tâm lý chọn ngành học của học sinh đang có xu hướng dịch chuyển về một số ngành có tính ứng dụng cao. Điều này làm giảm sút nguồn thí sinh chất lượng cao vào các ngành khoa học cơ bản. Nghịch lý này đặt ra thách thức lớn trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển khoa học – công nghệ.

Ảnh minh họa (Website trường ĐH Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)

Trước thực trạng trên, nhà nước đã triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản. Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Theo đó, Bộ Chính trị chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, trong đó có các ngành khoa học cơ bản. Trước đó, Nghị định 109/2022/NĐ-CP Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục ĐH cũng khuyến khích việc thành lập các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển mạng lưới chuyên gia, cố vấn, và khai thác cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, Bộ GDĐT đang hoàn thiện và sẽ trình Chính phủ Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao. Đề án này sẽ đề xuất các giải pháp cụ thể để hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các ngành khoa học, kỹ thuật và công nghệ then chốt, có đề xuất giải pháp cụ thể hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực các ngành khoa học cơ bản.

Song song với đó, hiện nay các trường ĐH đã có nhiều chính sách, chương trình học bổng nhằm thúc đẩy tuyển sinh cho các ngành khoa học cơ bản. Từ mùa tuyển sinh năm 2022, một số trường ĐH như Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) bắt đầu triển khai các gói học bổng gồm: Miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí đối với một số ngành khoa học cơ bản.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ GDĐT, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các phương án tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức khoa học, công nghệ; tập trung đầu tư trọng điểm để phát triển các tổ chức nghiên cứu mạnh, hoàn thành trong năm 2025. Bộ GDĐT có nhiệm vụ xây dựng Nghị định quy định chính sách học bổng cho người học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, hoàn thành trong tháng 12/2025. Đây là một phần quan trọng mà chỉ thị đặt ra, nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao từ những ngành khoa học cơ bản.

Có thể thấy, ngành khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững quốc gia. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, việc xây dựng một nền khoa học vững chắc là nhiệm vụ không thể trì hoãn. Tuy nhiên, nếu nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành này tiếp tục sụt giảm thì những mục tiêu lớn trong nghiên cứu, công nghệ và sáng tạo sẽ gặp trở ngại.

Do đó, cần sự chung tay không chỉ của nhà nước mà cả hệ thống giáo dục ĐH, doanh nghiệp, và toàn xã hội để khơi dậy đam mê nghiên cứu khoa học trong thế hệ trẻ, cải thiện hình ảnh và cơ hội nghề nghiệp của các ngành khoa học cơ bản. Khi các ngành khoa học cơ bản được nhìn nhận đúng với vai trò vốn có sẽ trở thành sự lựa chọn hàng đầu với nhiều người trẻ đam mê khám phá và sáng tạo.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Chính phủ (2025): Chỉ thị số 07/CT-TTg Đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2025 và những năm tiếp theo. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=213126

Bộ Chính trị (2024): Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-nghi-quyet-ve-dot-pha-phat-trien-khoa-hoc-cong-nghe-doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-quoc-gia-119241224180048642.htm

Chính phủ (2022): Nghị định 109/2022?NĐ-CP Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học. https://vanban.chinhphu.vn/?pageid=27160&docid=207110

 

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19