Trong bối cảnh toàn cầu hóa giáo dục và yêu cầu nâng cao chất lượng nghiên cứu, nhiều quốc gia trên thế giới đang triển khai các hệ thống đánh giá học thuật cấp quốc gia nhằm đo lường hiệu quả nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học. Hai mô hình điển hình là ERA (Excellence in Research for Australia) của Úc và REF (Research Excellence Framework) của Vương quốc Anh. Cả hai đều đánh giá chất lượng nghiên cứu theo lĩnh vực chuyên môn tại từng cơ sở giáo dục đại học, dựa trên sản phẩm khoa học, môi trường nghiên cứu và tác động ngoài học thuật. REF đặc biệt nhấn mạnh yếu tố “impact” – tác động của nghiên cứu đến kinh tế, xã hội và chính sách, trong khi ERA nghiêng về các chỉ số thư mục và trích dẫn học thuật. Các hệ thống này không chỉ phục vụ việc phân bổ ngân sách nghiên cứu công bằng, mà còn thúc đẩy xây dựng đại học nghiên cứu, nâng cao vị thế học thuật và hỗ trợ tự chủ đại học.
ERA (Excellence in Research for Australia) là hệ thống đánh giá quốc gia về chất lượng nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học tại Úc. Được điều hành bởi Australian Research Council (ARC) – Hội đồng Nghiên cứu Úc – ERA có vai trò như một công cụ đo lường, minh bạch hóa và nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống giáo dục đại học. ERA được đánh giá là một trong những mô hình đánh giá nghiên cứu nghiêm ngặt, minh bạch và có ảnh hưởng toàn cầu. Nó giúp nâng cao vị thế nghiên cứu của Úc trong bảng xếp hạng thế giới và tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác quốc tế, công bố quốc tế và trao đổi học thuật.
ERA không chỉ là cơ sở dữ liệu để phân tích kết quả nghiên cứu, mà còn là công cụ quản trị chiến lược được chính phủ, các trường đại học và nhà đầu tư sử dụng để đánh giá năng lực nghiên cứu trong từng lĩnh vực cụ thể. ERA tiến hành đánh giá các lĩnh vực nghiên cứu (Fields of Research – FoRs) tại từng cơ sở giáo dục đại học, theo chu kỳ (thường 3–5 năm/lần), dựa trên dữ liệu do các trường đại học nộp lên, bao gồm: + Danh mục công bố khoa học (journal articles, conference papers, books…); Chỉ số trích dẫn (citations) và các chỉ số thư mục học (bibliometric indicators); Đánh giá ngang hàng (peer review) đối với các lĩnh vực ít có chỉ số trích dẫn; Số lượng và chất lượng nghiên cứu viên (research staff); Nội dung nghiên cứu có tác động kinh tế - xã hội.
ERA sử dụng một hệ thống mã chuẩn gọi là Fields of Research (FoR) để phân loại ngành/lĩnh vực. Mỗi lĩnh vực nghiên cứu được đánh giá theo thang điểm từ 1* đến 5*: 1* - Rất thấp so với chuẩn thế giới; 2* - Dưới chuẩn thế giới; 3* - Ngang với chuẩn thế giới; 4* - Xuất sắc đạt chuẩn thế giới; 5* - Xuất sắc vượt chuẩn thế giới.
ERA là một công cụ định hình chính sách nghiên cứu của Úc, hỗ trợ Chính phủ trong việc phân bổ ngân sách nghiên cứu, ưu tiên đầu tư và phát triển các trung tâm nghiên cứu trọng điểm. Ở cấp độ đại học, các trường sử dụng kết quả ERA để Quảng bá danh tiếng nghiên cứu của mình; Thu hút giảng viên, nghiên cứu viên chất lượng cao; Chiến lược hóa đầu tư và phát triển nghiên cứu trọng điểm; Làm cơ sở trong đánh giá, bổ nhiệm, và thăng tiến học thuật. ERA đóng vai trò then chốt trong hệ sinh thái nghiên cứu của Úc, là mô hình mẫu để nhiều quốc gia học hỏi trong việc xây dựng hệ thống đánh giá nghiên cứu hiệu quả và công bằng. ERA góp phần thúc đẩy văn hóa khoa học, nâng cao tiêu chuẩn học thuật và tăng cường khả năng cạnh tranh của các trường đại học Úc trên trường quốc tế.
Một số thông tin đáng chú ý của ERA: Trọng dữ liệu và minh bạch: Mọi công bố phải có chỉ số DOI, được kiểm chứng rõ ràng; Khuyến khích chất lượng, không chỉ số lượng (Các công bố Q1, Q2 được đánh giá cao hơn, thúc đẩy các nhà nghiên cứu đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm khoa học); Phân tích theo lĩnh vực thay vì theo trường (điều này giúp nhận diện năng lực chuyên sâu của từng cơ sở giáo dục trong từng ngành cụ thể); Có đánh giá tác động xã hội trong phân tích (Đánh giá nghiên cứu không chỉ theo khoa học thuần túy mà cả giá trị ứng dụng).
Tương tự như ERA, ở Vương quốc Anh cũng có hệ thống đánh giá nghiên cứu quốc gia REF. REF – Research Excellence Framework được thành lập nhằm đánh giá chất lượng và tác động của các hoạt động nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học. REF được điều phối bởi các hội đồng tài trợ nghiên cứu cho các vùng lãnh thổ: England, Scotland, Wales và Northern Ireland, dưới sự dẫn dắt của UKRI (UK Research and Innovation).
REF đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong phân bổ ngân sách nghiên cứu công từ chính phủ Anh (hơn 2 tỷ bảng mỗi năm); xây dựng thương hiệu học thuật cho các trường đại học và hướng dẫn chiến lược nghiên cứu, tuyển dụng và bổ nhiệm trong toàn hệ thống giáo dục đại học.
REF đánh giá các đơn vị đệ trình (Units of Assessment – UoAs) tương ứng với lĩnh vực nghiên cứu tại từng trường đại học, theo chu kỳ 6–7 năm (gần nhất là REF 2014 và REF 2021), dựa trên việc các trường đại học tự báo cáo và nộp hồ sơ minh chứng, bao gồm ba thành phần chính:
1. Output (Sản phẩm nghiên cứu) – chiếm 60%: Các công trình học thuật (bài báo, sách, sản phẩm sáng tạo...) được bình duyệt nghiêm ngặt bởi các hội đồng chuyên gia; Mỗi giảng viên nộp 1–4 sản phẩm tiêu biểu.
2. Impact (Tác động xã hội, kinh tế, văn hóa) – chiếm 25%: Đánh giá thông qua case studies minh chứng rằng nghiên cứu đã có ảnh hưởng thực tiễn ngoài giới học thuật (ví dụ: chính sách công, công nghiệp, y tế, môi trường, cộng đồng...).
3. Environment (Môi trường nghiên cứu) – chiếm 15%: Đánh giá mức độ hỗ trợ, đầu tư, chiến lược phát triển nghiên cứu, đào tạo tiến sĩ, chính sách công bố và hợp tác học thuật tại mỗi đơn vị.
Kết quả đánh giá sẽ là việc “gắn sao” cho lĩnh vực của các trường theo các mức độ từ thấp đến cao: 1* - Có đóng góp đáng kể nhưng ở mức địa phương; 2* - Xuất sắc quốc gia; 3* - Xuất sắc quốc tế; 4* - Xuất sắc toàn cầu. Chẳng hạn, Trường A có thể đạt 4* cho "Education" (UoA 23 – Education) nhưng chỉ 2* cho "Physics".
Tương tự như ERA, REF là cơ sở phân bổ nguồn lực tài chính lớn nhất dành cho nghiên cứu hàn lâm tại Anh. Chỉ những trường đạt xếp hạng cao mới có thể tiếp cận quỹ nghiên cứu lớn và ổn định. Ở cấp đại học, REF có sự ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược tuyển dụng (ưu tiên ứng viên có công bố chất lượng và khả năng tạo tác động), thăng tiến học thuật (liên quan trực tiếp đến chất lượng sản phẩm nghiên cứu) và quyết định đầu tư vào các ngành thế mạnh hoặc tái cấu trúc ngành yếu. REF góp phần định hình vị thế của các trường đại học Anh trong các bảng xếp hạng toàn cầu (THE, QS…), đặc biệt khi dữ liệu REF được trích dẫn như một chỉ số về năng lực nghiên cứu. Đồng thời, nó cũng được nhiều nước tham khảo khi xây dựng hệ thống đánh giá quốc gia (như NAIF ở UAE, hay RAE ở Hong Kong).
Một số đặc điểm đáng chú ý của REF: Tập trung vào "impact" – tác động nghiên cứu: Đây là điểm đặc trưng và tiên phong của REF. Không chỉ đánh giá trong học thuật, REF thúc đẩy các nhà khoa học gắn nghiên cứu với xã hội, hướng đến phục vụ cộng đồng và chính sách công. Đánh giá theo ngành/lĩnh vực chứ không chỉ theo trường, tạo cơ hội cho các nhóm nghiên cứu nhỏ nhưng có chất lượng cao. Công khai kết quả và dữ liệu trên hệ thống trực tuyến: Tăng tính minh bạch, giúp sinh viên, nhà nghiên cứu và các tổ chức đối tác có thể so sánh năng lực nghiên cứu giữa các cơ sở đào tạo.
REF không chỉ là công cụ quản trị học thuật của chính phủ Vương quốc Anh, mà còn là hệ tiêu chuẩn vàng trong đánh giá chất lượng nghiên cứu, đặt nền móng cho mô hình đại học định hướng nghiên cứu có trách nhiệm với xã hội. REF góp phần thúc đẩy văn hóa nghiên cứu hiệu quả, minh bạch và có tác động, từ đó giữ vững vị thế tiên phong của hệ thống giáo dục đại học Anh trên toàn cầu.
Dưới đây là bảng so sánh giữa ERA và REF:
Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và phát triển một hệ thống tương tự, với mục tiêu vừa nâng cao chất lượng và uy tín học thuật, vừa phân bổ nguồn lực tài trợ nghiên cứu công bằng, minh bạch. Hệ thống này không chỉ phục vụ Nhà nước trong công tác quản lý và tài trợ, mà còn là công cụ để các trường đại học định hướng phát triển theo mô hình đại học nghiên cứu, xây dựng chỉ số đánh giá nội bộ, thu hút nhân tài và mở rộng hợp tác quốc tế. Đồng thời, hệ thống này cũng có thể trở thành nền tảng cho cơ chế tự chủ đại học thực chất – trong đó nhà trường có trách nhiệm giải trình dựa trên kết quả học thuật được lượng hóa và công khai.
Thiết nghĩ, việc phát triển một hệ thống đánh giá nghiên cứu khoa học quốc gia không chỉ là nhu cầu cấp thiết của giáo dục đại học Việt Nam mà còn là một “bước đi chiến lược” để tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng nhân lực và đổi mới sáng tạo bền vững.
Lương Ngọc
Tài liệu tham khảo
Australian Research Council. (n.d.). Excellence in Research for Australia. https://www.arc.gov.au/evaluating-research/excellence-research-australia
Australian Research Council. (n.d.). ERA 2023 Submission Guidelines. Retrieved April 13, 2025, from https://www.arc.gov.au/sites/default/files/2022-07/era_2023_submission_guidelines_0.pdf
Research England. (n.d.). What is the REF?. REF 2029. https://2029.ref.ac.uk/about/what-is-the-ref/
Research England. (n.d.). REF 2021: Results and submissions. REF 2021. https://results2021.ref.ac.uk/results2021.ref.ac.uk