Tuy nhiên, thực trạng giáo dục nghề nghiệp nhiều năm qua vẫn tồn tại không ít bất cập như: phân bổ không đồng đều giữa các vùng miền, ngành nghề đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động, một số cơ sở GDNN hoạt động kém hiệu quả, chồng chéo…
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Nhằm khắc phục những tồn tại này và phát huy vai trò của GDNN trong giai đoạn mới, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội đã ban hành Kế hoạch triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, việc sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở GDNN phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, ngành nghề, lĩnh vực, gắn với nhu cầu lao động và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy hoạch không chỉ đơn thuần là việc phân bố lại cơ sở, mà còn là quá trình “kiến tạo lại” hệ sinh thái GDNN, lấy người học và nhu cầu xã hội làm trung tâm.
Tính đến năm 2020, cả nước cớ 1911 cơ sở GDNN, trong đó có 410 trường cao đẳng, 444 trường trung cấp và 1057 trung tâm GDNN. Theo quy hoạch, đến năm 2030, cả nước sẽ có 1700 cơ sở GDNN, trong đó 850 cơ sở GDNN công lập, 850 cơ sở GDNN tư thục có vốn đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, quy hoạch đề ra mục tiêu có 9 trường chất lượng cao. Mạng lưới này được phân bổ theo 6 vùng kinh tế - xã hội, đảm bảo phù hợp với quy mô dân số, đặc điểm địa lý, trình độ phát triển và định hướng kinh tế của từng vùng. Việc phân vùng và chuyên môn hóa đào tạo theo từng vùng sẽ giúp giảm lãng phí nguồn lực, tránh trùng lặp ngành nghề đào tạo, đồng thời tận dụng thế mạnh vùng, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên sâu. Ví dụ, vùng Tây Nguyên sẽ chiếm khoảng 6% cơ sở GDNN cả nước. Trong đó có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Trong khi đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặt thêm mục tiêu có 2-3 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao. Quy hoạch cũng đặt mục tiêu hình thành các trung tâm giáo dục nghề nghiệp vùng, có vai trò dẫn dắt về chuyên môn, công nghệ và hợp tác quốc tế, từ đó thúc đẩy chất lượng chung của hệ thống. Mục tiêu này là một phần tổng thể trong định hướng chung. Ngày 06/02/2025, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã ký Quyết định số 247/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai theo Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045. Kế hoạch có nêu rõ về nhiệm vụ “Rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp”. Cụ thể, yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN công lập đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, bảo đảm về quy mô, cơ cấu và hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động, phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN. Trong đó Bộ Giáo dục và đào tạo có vai trò quan trọng trong công tác hướng nghiệp cho trung học phổ thông, phân luông học sinh sau phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp.
Hiện nay, GDNN đóng vai trò quan trọng trong việc dịch chuyển cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Một trong những điểm quan trọng của GDNN là chú trọng đến quyền lợi của người học. GDNN không phải là “bước lùi” khi không vào được đại học, mà cần trở thành một trong những lựa chọn chiến lược, linh hoạt và hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên. Để làm được điều đó, mạng lưới cơ sở GDNN cần đa dạng hóa ngành nghề, mô hình đào tạo, xây dựng chương trình theo hướng mở, liên thông giữa các bậc học. Quá trình này có thể đối mặt với một số thách thức về chênh lệch phát triển giữa các vùng miền, năng lực đội ngũ nhà giáo và quản lý, tư duy xã hội về đào tạo nghề…
Phát triển GDNN một cách bài bản và có chiến lược là bước đi tất yếu trong tiến trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Cơ sở GDNN gắn với phát triển vùng, ngành không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả đầu tư công, mà còn mở ra thêm nhiều cơ hội lựa chọn học tập, việc làm bền vững cho người học. Khi được triển khai đồng bộ và hiệu quả, GDNN sẽ trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động và phát triển xã hội bền vững.
Hà Giang