Ngày 25/3/2025, Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT) đã ban hành dự thảo Thông tư Quy định về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học. Theo Dự thảo, mục đích công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học là nhằm nâng cao năng lực cho người học trong phòng ngừa, tự giải quyết và tìm kiếm sự trợ giúp phù hợp để khắc phục khó khăn về học tập, sức khỏe thể chất, tâm lý và quan hệ xã hội. Hình thành thái độ ứng xử phù hợp trong quan hệ xã hội, góp phần hoàn thiện nhân cách của người học. Tăng cường công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình, xã hội và các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học.
Thực tiễn triển khai
Trước đó, công tác tư vấn học đường được thực hiện theo Thông tư số 31/2017/TT-BGDĐT ngày 18/12/2017 của Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong trường phổ thông và Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Hai Thông tư đã tạo hành lang pháp lý cho công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học, góp phần giúp hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh trong các trường phổ thông hiệu quả hơn và hình thành một mạng lưới trợ giúp học sinh trước những nguy cơ gặp khó khăn tâm lý - xã hội trong học tập và cuộc sống. Các Thông tư cũng đồng thời nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ giáo viên trong các nhà trường về tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học. Các Sở GDĐT, Phòng GDĐT đã chú trọng triển khai công tác tư vấn, hỗ trợ cho học sinh và nhiều nhà trường đã thực hiện lồng ghép các hoạt động này thông qua các môn học, các hoạt động trải nghiệm giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động trải nghiệm.
Tuy nhiên, hai Thông tư này đã ban hành và áp dụng trong nhiều năm, thực tiễn triển khai cho thấy còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: thiếu các nguồn lực để triển khai; thiếu nhân sự chuyên trách, chỉ có nhân sự kiêm nhiệm làm cho công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong trường học; một số cán bộ quản lý các đơn vị trường học chưa nhận thức được vai trò quan trọng của công tác tư vấn, hỗ trợ; việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ có phẩm chất năng lực thực hiện các nhiệm vụ tư vấn tâm lý, công tác xã hội trong trường học nhiều nơi thực hiện chưa hiệu quả, chưa có sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ban, ngành; một số cơ sở giáo dục chưa bố trí được phòng tư vấn riêng cho hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh, hoặc được bố trí ở những khu vực chưa phù hợp…
Những bước tiến so với Thông tư hiện hành
Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm, đó là: “…Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, an ninh gắn với việc xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hoá, con người Việt Nam. Đẩy mạnh triển khai xây dựng văn hoá học đường, quan tâm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Tăng cường công tác tư vấn học đường, tư vấn hướng nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên”. Công tác tư vấn học đường là yếu tố quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện. Dự thảo Thông tư mới đề cập cụ thể đến vị trí việc làm của nhân viên tư vấn học đường, phù hợp với Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 về vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục. Điều này giúp xác định rõ ràng vai trò, nhiệm vụ và tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn trong trường học, tránh sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả công việc. Dự thảo Thông tư mới của Bộ GDĐT thể hiện sự quan tâm và nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng công tác này. Dự thảo mới cũng quy định rõ ràng hơn về các nội dung tư vấn, hỗ trợ cho học sinh bao gồm: tư vấn về học tập; tư vấn về sức khỏe thể chất, tâm sinh lý, giới tính và quan hệ xã hội; tư vấn về kỹ năng sống và hướng nghiệp; hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc có quy định chi tiết giúp nhà trường và nhân viên tư vấn triển khai công tác hỗ trợ một cách hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh. Đồng thời, Dự thảo nhấn mạnh vai trò của sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các tổ chức xã hội trong việc hỗ trợ học sinh. Điều này nhằm tạo ra một mạng lưới hỗ trợ toàn diện, giúp học sinh phát triển một cách toàn diện cả về học tập và tâm lý. Một điểm mới nổi bật trong Dự thảo là đề xuất xây dựng các kênh tư vấn học đường trực tuyến. Theo đó, nhà trường có thể hỗ trợ học sinh thông qua mạng nội bộ, trang thông tin điện tử, hộp thư điện tử, mạng xã hội, điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác. Ngoài ra, Dự thảo cũng khuyến khích tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến cho nhóm học sinh hoặc toàn trường, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận dịch vụ tư vấn một cách linh hoạt và hiệu quả.
Những điểm mới trong Dự thảo Thông tư này thể hiện sự cập nhật và điều chỉnh phù hợp với thực tiễn giáo dục hiện nay, nhằm nâng cao chất lượng công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và quyền lợi của học sinh. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội, công tác tư vấn sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường học tập an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững.
Hà Giang
Tài liệu tham khảo:
Bộ GDĐT (2025): Dự thảo Thông tư Quy định về công tác tư vấn học đường và công tác xã hội trong trường học. https://chinhphu.vn/du-thao-vbqppl/du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-cong-tac-tu-van-hoc-duong-va-cong-tac-xa-hoi-trong-truong-hoc-7426