Tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông năm 2025: những điểm mới trong Thông tư 30

Nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BGDĐT, quy định về tuyển sinh trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) với nhiều điểm mới nhằm giảm áp lực cho học sinh và phụ huynh, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh.

Theo Thông tư 30/2024/TT-BGDĐT quy định về tuyển sinh THCS và THPT có 7 nội dung mới cần chú ý:

Thứ nhất, Đối với tuyển sinh trung học cơ sở, ngoài đối tượng học sinh tiểu học, Thông tư bổ sung đối tượng tuyển sinh là học viên hoàn thành chương trình xóa mù chữ giai đoạn 2, trong độ tuổi vào học lớp 6 theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thứ hai, Về phương thức tuyển sinh trung học cơ sở thống nhất thực hiện theo phương thức xét tuyển, áp dụng trên phạm vi toàn quốc. Tiêu chí xét tuyển do Sở GDĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Thứ ba, Giảm thiểu thủ tục hành chính trong đăng kí tuyển sinh, việc đăng kí tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT được tổ chức thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện. Quy định này nhằm thực hiện chủ trương chuyển đổi số và giảm thiểu thủ tục hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ tư, Bổ sung quy định về môn thi, bài thi đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT nhằm giảm áp lực cho học sinh. Cụ thể, số môn thi là 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và một môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GDĐT lựa chọn. Môn thi thứ ba chọn một trong hai phương án: Lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá ba năm liên tiếp; hoặc bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS. Đối với các trường THPT thuộc Bộ GDĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GDĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn. Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm.

Thời gian làm bài thi: Ngữ văn 120 phút; Toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở, chủ yếu là lớp 9.

Đối với việc tuyển sinh trường THPT chuyên, đối tượng tuyển sinh phải thi các môn thi theo quy định tuyển sinh vào lớp 10. Mỗi môn chuyên có một đề thi riêng theo chương trình môn học cấp THCS, bảo đảm tuyển chọn được học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.

Thứ năm, Bổ sung quy định về tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10 gồm những quy định khung về việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi. Trong đó giao quyền cho Sở GDĐT quy định cụ thể việc ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi phù hợp với điều kiện thực tế. Các trường THPT thuộc Bộ GDĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu hoặc thực hiện theo quy định của Sở GDĐT nơi trường đặt trụ sở.

Thứ sáu, Quy định cụ thể hơn đối tượng tuyển thẳng là học sinh THCS đạt giải trong các cuộc thi, kì thi, hội thi cấp quốc gia và quốc tế tại điểm d và đ, khoản 1 Điều 14 với mục đích kiểm soát đối tượng tuyển thẳng, tránh để xảy ra những hiện tượng tiêu cực trong xét tuyển. Khoản 1 Điều 14 kế thừa nội dung Thông tư 11, quy định đối tượng tuyển thẳng gồm học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú cấp THCS; học sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người; học sinh là người khuyết tật và học sinh THCS đạt giải trong các cuộc thi, kì thi, hội thi cấp quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, để quản lí chặt chẽ đối tượng học sinh đạt giải quốc gia và quốc tế, Thông tư quy định “Học sinh THCS đạt giải cấp quốc gia do Bộ GDĐT tổ chức hoặc phối hợp với các Bộ và cơ quan ngang Bộ tổ chức trên quy mô toàn quốc đối với các cuộc thi, kì thi, hội thi về văn hóa, văn nghệ, thể thao; cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật”; “Học sinh trung học cơ sở đạt giải trong các cuộc thi quốc tế do Bộ trưởng Bộ GDĐT quyết định chọn cử”.

Thứ bảy, Bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ GDĐT, UBND cấp tỉnh, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có trườngTHCS hoặc trường THPT hoặc trường liên cấp trong đó có cấp THCS hoặc cấp THPT. Trong đó, Thông tư giao quyền cho UBND cấp tỉnh, các đại học, trường đại học, viên nghiên cứu có trường THCS và trường THPT “Chỉ đạo việc tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông trên địa bàn quản lí; quyết định xử lí những trường hợp bất thường trong quá trình tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông”

Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm học 2025 theo Thông tư 30, đến nay, 100% các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học có trường THCS, trường THPT đã ban hành phương án, kế hoạch tuyển sinh năm học 2025-2026. Theo thống kê có 60 tỉnh, thành phố tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10, trong đó có 58 tỉnh lựa chọn môn thi thứ 3 là môn Tiếng Anh; 02 tỉnh Hà Giang và Bình Thuận lựa chọn môn thi thứ 3 là Lịch sử và Địa lý; có 03 tỉnh tổ chức xét tuyển học sinh vào trường công lập là Cà Mau, Vĩnh Long, Gia Lai; đa số các Sở GDĐT đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo tuyển sinh vào lớp 10 để làm cơ sở, định hướng ôn tập cho học sinh lớp 9.

Công tác tuyển sinh đầu cấp theo Thông tư số 30 đã nhận được sự đồng thuận cao và quan tâm đặc biệt của xã hội, nên được nắm bắt nhanh chóng và được triển khai kịp thời, đáp ứng mong mỏi của xã hội; Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức đầy đủ và rõ ràng hơn về trách nhiệm và tầm quan trọng của công tác tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Chính quyền các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo công tác tuyển sinh, đặc biệt là việc xử lý các sự cố bất thường xảy ra trong quá trình tổ chức tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông. Cha mẹ học sinh nhìn nhận rõ vai trò của gia đình trong phối hợp quản lý, tạo điều kiện cho học sinh ôn tập, thi tuyển.

Trịnh Thu

Bạn đang đọc bài viết Tuyển sinh Trung học cơ sở và Trung học phổ thông năm 2025: những điểm mới trong Thông tư 30 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn