Công tác tuyển sinh đại học: Duy trì ổn định, hướng tới hiệu quả và công bằng

Trong những năm gần đây, công tác tuyển sinh đại học đã duy trì sự ổn định và hiệu quả, đảm bảo quyền lợi cho thí sinh và phụ huynh. Sự nhất quán trong quy chế tuyển sinh, cùng với việc giải đáp kịp thời các thắc mắc, đã tạo nên một hệ thống tuyển sinh đáng tin cậy.

Tuyển sinh đại học là một trong những khâu quan trọng trong hệ thống giáo dục, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực quốc gia. Những năm qua, công tác tuyển sinh đã được thiết lập và duy trì với sự ổn định cao, giúp thí sinh yên tâm trong việc định hướng tương lai.

Duy trì sự ổn định

Theo Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT), trong năm qua, công tác tuyển sinh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống tuyển sinh cơ bản ổn định, các trường và xã hội đã đồng hành cùng ngành giáo dục trong công tác tuyển sinh, nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh. Điều này phản ánh rõ nét về chất lượng đào tạo của các trường đại học đã được nâng lên, từ đó tạo được sự tin cậy của xã hội, số lượng người học đại học được nâng lên. Tỷ lệ cơ sở đào tạo có thí sinh nhập học trên 80% là 71,38%, tăng hơn so với năm 2023. Con số này năm 2023 là 63,04%. Tỷ lệ số thí sinh nhập học tăng lên đạt 80,68%, năm 2023 là 78,24%, điều này phản ánh sự thành công của công tác tuyển sinh, cũng như hiệu quả của các cơ sở giáo dục.

Về các lĩnh vực, không có sự khác biệt nhiều so với năm 2023, nhưng có sự cải thiện đáng kể trong lĩnh vực STEM, tăng lên khoảng gần 20.000 so với năm 2023, thể hiện rõ nét sự dịch chuyển trong tiếp cận giáo dục đại học của người học cũng như niềm tin của xã hội với chất lượng đào tạo, đặc biệt lĩnh vực STEM, trong bối cảnh đất nước hiện nay đang đề cao động lực phát triển liên quan đến khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Điều này cũng khẳng định sự đóng góp của giáo dục đại học trong tiến trình phát triển của đất nước. Các phương thức tuyển sinh năm 2024 so với năm 2023 có sự đa dạng hơn, nhưng vẫn tập trung chủ yếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) với xét tuyển học bạ; một số kỳ thi đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học. Trong đó, sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển học bạ đóng vai trò chủ yếu, với trên 80%.

Bên cạnh những thành công đạt được, công tác tuyển sinh những năm qua vẫn tồn tại một số hạn chế cần được khắc phục. Một số cơ sở giáo dục đại học đã triển khai tuyển sinh sớm, dẫn đến kỳ tuyển sinh kéo dài và tiêu tốn nguồn lực xã hội. Đặc biệt, một số trường gọi trúng tuyển sớm với số lượng lớn, nhưng số thí sinh thực tế nhập học lại khá ít, cho thấy hiệu quả của việc xét tuyển sớm chưa cao. Việc tổ chức xét tuyển đại học sớm đã ảnh hưởng đến công tác giảng dạy chương trình phổ thông, gây rối loạn do tỷ lệ hồ sơ ảo cao và tạo ra sự bất bình đẳng giữa các phương thức tuyển sinh. Ngoài ra, phương thức xét tuyển ngày càng đa dạng và phức tạp, dẫn đến khó khăn trong quản lý và gây nhầm lẫn cho thí sinh. Bên cạnh đó, việc phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, khi một số cơ sở đào tạo tuyển sinh tốt nhưng chưa đầu tư tương xứng về điều kiện đảm bảo chất lượng, trong khi một số trường hoạt động kém hiệu quả với tỷ lệ tuyển sinh thấp so với năng lực. Những vướng mắc này đòi hỏi sự điều chỉnh kịp thời để đảm bảo công bằng và hiệu quả trong tuyển sinh.

Tăng cường giải đáp thắc mắc, hỗ trợ học sinh và phụ huynh

Hiện tại, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đang bước vào giai đoạn nước rút, đây là thời điểm quan trọng nhất đối với cả học sinh lớp 12 và các trường phổ thông trên cả nước. Các trường THPT đang tăng tốc tổ chức ôn tập cho học sinh, đảm bảo các em nắm vững kiến thức trước kỳ thi quan trọng. Học sinh không chỉ tập trung ôn luyện theo nội dung đề thi tốt nghiệp THPT mà còn phải cân nhắc lựa chọn tổ hợp xét tuyển đại học phù hợp với năng lực của mình. Theo Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 của Bộ GDĐT, kỳ thi được tổ chức trong 3 buổi, gồm: 1 buổi thi môn Ngữ văn, 1 buổi thi môn Toán và 1 buổi thi bài thi tự chọn. Thí sinh sẽ làm bài thi 4 môn thay vì 6 môn như trước, với 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ định hướng Công nghiệp, Công nghệ định hướng Nông nghiệp, Ngoại ngữ. Việc thay đổi số môn thi từ 6 xuống còn 4 môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 giúp giảm áp lực, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi học sinh có chiến lược ôn tập hợp lý để tối ưu hóa điểm số.

Dù công tác tuyển sinh được đánh giá là ổn định, nhưng thực tế cho thấy nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn còn băn khoăn trước các thay đổi trong quy chế tuyển sinh, đặc biệt là việc bỏ xét tuyển sớm. Trước đây, nhiều trường đã công bố kết quả trúng tuyển sớm dựa trên học bạ hoặc các chứng chỉ quốc tế, giúp học sinh phần nào yên tâm hơn khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, theo Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT của Bộ GDĐT Sửa đổi, bổ dung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non, tất cả các phương thức xét tuyển đều phải được thực hiện đồng thời, điều này có thể làm thay đổi chiến lược chọn ngành, chọn trường của thí sinh.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh 2024, triển khai công tác tuyển sinh 2025, 2026 khối đại học và cao đẳng sư phạm ngày 29/3, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh, tuyển sinh không phải chỉ là tuyển đủ chỉ tiêu của các trường, không chỉ hoạt động theo nhiệm vụ của từng trường, mà quan trọng hơn, sứ mệnh của các trường đại học là phải đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, nhu cầu học tập có chất lượng, cân bằng để có cơ cấu đào tạo, cơ cấu nguồn nhân lực với các ngành nghề, trình độ, các vùng miền khác nhau, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước gắn với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bộ GDĐT, sở GDĐT và các trường đại học đang đẩy mạnh các hoạt động tư vấn trực tuyến và trực tiếp tại các trường THPT để hỗ trợ học sinh trong việc chọn ngành học phù hợp. Các ngày hội tư vấn tuyển sinh cũng diễn ra sôi nổi trên cả nước, thu hút sự quan tâm của hàng ngàn thí sinh và phụ huynh. Việc giúp thí sinh nắm rõ các quy định về xét tuyển cũng như yêu cầu của ngành học sẽ giảm thiểu tình trạng thí sinh trúng tuyển nhưng không nhập học đã từng xảy ra trong những năm trước.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại hội nghị tổng kết, đánh giá công tác tuyển sinh năm 2024, triển khai công tác tuyển sinh năm 2025, 2026, khối đại học và cao đẳng sư phạm ngày 29/3 (Nguồn: Bộ GDĐT)

Nhìn chung, công tác tuyển sinh đại học những năm qua vẫn duy trì được sự ổn định, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước. Dù vẫn còn tồn tại một số hạn chế như tình trạng tuyển sinh sớm gây rối loạn và khó khăn trong quản lý chỉ tiêu, nhưng những điều chỉnh kịp thời từ Bộ GDĐT cùng sự đồng hành của các trường đại học đang giúp hệ thống tuyển sinh ngày càng hoàn thiện hơn.

Trong giai đoạn nước rút hiện nay, thí sinh cần có kế hoạch ôn tập hợp lý để đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, đồng thời nắm vững quy chế tuyển sinh để đưa ra lựa chọn phù hợp cho tương lai. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, công tác tuyển sinh đại học tiếp tục hướng tới sự minh bạch, hiệu quả và công bằng.

Hà Giang

Tài liệu tham khảo:

Bộ GDĐT (2024); Thông tư 24/2024/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10149

Bộ GDĐT (2025): Thông tư 06/2025/TT-BGDĐT Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng Giáo dục Mầm non. https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10393

 

Bạn đang đọc bài viết Công tác tuyển sinh đại học: Duy trì ổn định, hướng tới hiệu quả và công bằng tại chuyên mục Chính sách và thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19