Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục phổ thông và định hướng phát triển

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) trong giáo dục là xu hướng tất yếu, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề đạo đức, chính sách và an toàn dữ liệu.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trí tuệ nhân tạo đã trở thành một công nghệ quan trọng, từng bước được ứng dụng rộng rãi trong giáo dục. Trí tuệ nhân tạo không chỉ tối ưu hóa hoạt động dạy và học, mà còn góp phần cá nhân hóa việc giáo dục, nâng cao hiệu quả quản lý nhà trường. Chia sẻ về ứng dụng công nghệ AI trong giáo dục phổ thông, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành – Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội chỉ ra các ví dụ cụ thể trong việc ứng dụng AI đối với dạy và học. Các môn học ứng dụng AI phổ biến nhất là Toán, Tiếng Anh, Khoa học và Tin học. Một số trường cũng đã thử nghiệm trong các môn khác như Lịch sử và Địa lý. Phần mềm AI được sử dụng để tạo ra các bài luyện tập phù hợp với trình độ của từng học sinh; phân tích kết quả bài làm; luyện phát âm; tạo ra các bài học tương tác; mô phỏng các thí nghiệm khoa học phức tạp;… Ngoài việc dạy và học, AI còn được sử dụng để số hóa và lưu trữ hồ sơ học sinh, giúp việc tìm kiếm và quản lý trở nên dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và công sức. Bên cạnh đó, việc quản lý điểm số, quản lý thư viện cũng có thể sử dụng AI để tự động hóa, giảm tải công việc cho người phụ trách trong việc tạo ra các báo cáo thống kê, đề xuất nguồn tài liệu phù hợp. Tuy nhiên, AI trong giáo dục vẫn chưa được triển khai đồng bộ. Hiện nay, ước tính khoảng 15% trường học tại các thành phố lớn đã triển khai ứng dụng AI, các trường tại Hà Nội khoảng 25% và Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30%, 60% giáo viên chưa được tham gia bất kỳ khóa bồi dưỡng nào về AI.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Chí Thành cũng bày tỏ sự lo lắng trước nguy cơ học sinh và giáo viên bị phụ thuộc quá mức vào AI. Học sinh có thể giảm khả năng sáng tạo khi dùng AI để tạo ra các sản phẩm, suy giảm tư duy phản biện khi không chủ động đánh giá thông tin. Việc dùng AI để giải quyết bài tập lâu dần sẽ làm học sinh mất động lực học tập, không nỗ lực để tìm hiểu kiến thức. AI cũng có thể làm giảm khả năng đánh giá của giáo viên khi quá tin tưởng vào AI trong việc chấm điểm và đánh giá học sinh, bỏ qua những yếu tố quan trọng khác. Những nguy cơ này đòi hỏi cần có giải pháp về khung pháp lý, tiêu chuẩn trong việc ứng dụng AI trong giáo dục.

Trước những băn khoăn này, đại diện Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin, Bộ GDĐT chia sẻ một số định hướng ứng dụng AI trong giáo dục. Phó Cục trưởng Nguyễn Sơn Hải đồng tình với những quan điểm trên và đề cao tính an toàn trong sử dụng AI: “Chúng ta đều thấy AI đem lại những giá trị tích cực. Tuy nhiên, mục tiêu của giáo dục là hướng tới sự hoàn thiện, đảm bảo và chắc chắn, việc sử dụng AI ngoài sự tiện lợi cần đề cao tính an toàn, đặc biệt với trẻ nhỏ. Bộ GDĐT đã và đang nghiên cứu để xây dựng chiến lược ứng dụng AI trong ngành giáo dục. Đây cũng là một trong các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia của Bộ Chính trị”. Mục tiêu đặt ra trong thời gian tới cho giáo dục phổ thông là phát triển năng lực ứng dụng AI cho người học, nhà giáo, và cán bộ quản lý giáo dục hướng tới cá nhân hóa việc dạy, học, kiểm tra đánh giá; nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý giáo dục. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2030, 100% học sinh được nâng cao nhận thức, hiểu biết về AI và có thể sử dụng AI trong học tập, nghiên cứu một cách phù hợp; 30% học sinh trung học phổ thông có năng lực lập trình AI, ứng dụng AI vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật. 100% giáo viên sử dụng AI để hỗ trợ giảng dạy và đánh giá học sinh; 50% giáo viên có thể thiết kế nội dung dạy học dựa trên AI, tích hợp AI trong bài giảng số; 100% cán bộ quản lý giáo dục có năng lực AI trong quản lý, điều hành; 100% cơ sở giáo dục phổ thông triển khai hệ thống quản lý giáo dục dựa trên AI nhằm theo dõi học tập, dự báo chất lượng học sinh; 80% dữ liệu giáo dục được số hóa và sử dụng AI để phân tích, tối ưu hóa quy trình ra quyết định.

Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Thông tin Nguyễn Sơn Hải (Nguồn: Bộ GDĐT)

Một trong những rào cản lớn khi đưa AI vào giáo dục phổ thông, đó là chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng AI trong giáo dục. Đề án 06 của Chính phủ nhấn mạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi số, bao gồm AI trong giáo dục nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và quản lý. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có các quy định cụ thể về việc sử dụng AI trong giáo dục, thiếu các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của học sinh. Ngoài ra, các phần mềm và ứng dụng AI trong giáo dục chưa có tiêu chuẩn đánh giá chất lượng, gây khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm phù hợp. Việc ban hành khung hướng dẫn về ứng dụng AI trong giáo dục, ban hành Khung năng lực AI phù hợp với từng đối tượng người học, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục… cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GDĐT trong thời gian tới. Tuy nhiên, đại diện Bộ GDĐT cũng nhấn mạnh, việc xây dựng thể chế, chính sách về ứng dụng AI trong giáo dục đóng vai trò hướng dẫn, tạo hành lang pháp lý để từ đó các cơ sở giáo dục sẽ ban hành quy chế và quy tắc sử dụng AI phù hợp với nhu cầu, mục tiêu của từng cơ sở. Trí tuệ nhân tạo hiện đang được phát triển nhanh chóng trên thế giới, đặc biệt tại các quốc gia như Mỹ, Trung Quốc… Việc áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục cần có sự cân bằng giữa việc tiếp thu các công nghệ tiên tiến từ thế giới và giữ gìn bản sắc, truyền thống văn hóa của Việt Nam.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Văn Phúc chia sẻ, hiện nay, chỉ với một thiết bị thông minh, người học có thể tiếp cận kho tàng kiến thức khổng lồ trên thế giới, mở ra cơ hội học tập suốt đời. Tuy nhiên, nếu không được định hướng đúng cách, học sinh có thể lạm dụng AI để giải quyết bài tập nhanh chóng mà không thực sự hiểu bản chất vấn đề. “Một trong những lo ngại lớn khi ứng dụng AI trong giáo dục là nguy cơ học sinh, sinh viên trở nên quá phụ thuộc vào công nghệ, mất đi sự chủ động trong học tập. Điều quan trọng là AI phải đóng vai trò hỗ trợ, giúp học sinh học tập hiệu quả hơn, sáng tạo hơn và hạnh phúc hơn, thay vì khiến các em trở nên thụ động”. Thứ trưởng cho biết.

AI trong giáo dục mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra những thách thức cần giải quyết. Việc ứng dụng AI phải được thực hiện có định hướng, cân bằng giữa công nghệ và yếu tố con người để đảm bảo giáo dục không chỉ hiệu quả mà còn nhân văn. AI có thể cá nhân hóa việc học, hỗ trợ giáo viên trong giảng dạy và quản lý, nhưng không thể thay thế vai trò của người thầy trong việc truyền cảm hứng, khơi dậy tư duy sáng tạo và bồi dưỡng nhân cách cho học sinh. Để AI thực sự trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong giáo dục, cần có chính sách rõ ràng, khung pháp lý phù hợp và các chương trình đào tạo bài bản cho giáo viên và học sinh. Đồng thời, cần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục số an toàn, đảm bảo quyền riêng tư và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hà Giang

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục phổ thông và định hướng phát triển tại chuyên mục Dạy và học trong nhà trường của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

 

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19