Xây dựng hồ sơ nhu cầu tiếng Anh chuyên ngành trong lĩnh vực Thư viện và Thông tin tại Việt Nam

Trong bối cảnh yêu cầu sử dụng tiếng Anh ngày càng cao trong lĩnh vực thư viện và thông tin. Việc phân tích nhu cầu từ vựng chuyên ngành nhằm phục vụ hiệu quả cho công việc đang trở thành mối quan tâm hàng đầu.

Tiếng Anh chuyên ngành (English for Specific Purposes - ESP) đóng vai trò quan trọng trong việc trang bị cho người học khả năng sử dụng tiếng Anh hiệu quả trong môi trường học thuật và nghề nghiệp. Tuy nhiên, chương trình đào tạo hiện nay vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của ESP trong công việc. Nghiên cứu đánh giá mức độ quan trọng của ESP đối với sinh viên thực tập và người đang làm việc, đồng thời phân tích nhu cầu về các kỹ năng tiếng Anh trong học tập và làmviệc.

ESP là một phương pháp giảng dạy tiếng Anh dựa trên nhu cầu thực tế của người học. ESP không chỉ tập trung vào một lĩnh vực cụ thể mà còn giúp người học phát triển các kỹ năng ngôn ngữ để sử dụng hiệu quả trong môi trường học thuật và nghề nghiệp. Một trong những yếu tố quan trọng trong thiết kế khóa học ESP là phân tích nhu cầu. Dudley-Evans và St. John (1998) đã đề xuất ba loại phân tích nhu cầu chính gồm phân tích tình huống mục tiêu (TSA), phân tích tình huống hiện tại (PSA) và phân tích tình huống học tập (LSA). TSA xác định nhu cầu tiếng Anh của người học sau khi hoàn thành khóa học, PSA đánh giá trình độ tiếng Anh hiện tại của người học, còn LSA giúp xác định phương pháp học tập hiệu quả nhất. Dựa trên mô hình này, nghiên cứu tập trung phát triển hồ sơ nhu cầu ESP cho công việc thủ thư tại Việt Nam nhằm cải thiện chương trình giảng dạy ESP trong lĩnh vực Khoa học Thư viện và Thông tin (LIS).

Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng, trong đó bảng câu hỏi được thiết kế để thu thập dữ liệu từ hai nhóm đối tượng gồm nhóm pre-service (sinh viên thực tập) với 148 sinh viên ngành LIS, được chia thành hai nhóm nhỏ là nhóm +ESP (đã học môn English for LIS) và nhóm -ESP (chưa học môn English for LIS), cùng nhóm in-service với 37 thủ thư đang làm việc tại thư viện chính và các chi nhánh của Sun University. Bảng câu hỏi bao gồm 36 câu hỏi dạng Likert 5 mức độ, từ không quan trọng đến rất quan trọng, nhằm đo lường mức độ quan trọng và nhu cầu của bốn kỹ năng tiếng Anh: nghe, nói, đọc, viết. Quy trình thu thập dữ liệu được thực hiện qua hai bước. Đầu tiên, khảo sát thử nghiệm được tiến hành với 15 sinh viên và 5 thủ thư để kiểm tra độ tin cậy của bảng câu hỏi. Sau khi điều chỉnh các lỗi nhỏ, bảng câu hỏi được phân phát trực tiếp cho sinh viên tại lớp học và gửi đến các thủ thư làm việc tại thư viện để đảm bảo thu thập dữ liệu đầy đủ và chính xác.

Nguồn: Pixabay.com

Kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai nhóm pre-service và in-service đều đánh giá cao ESP. Trong đó, kỹ năng nói được đánh giá quan trọng nhất (84.3%), tiếp theo là đọc (82.7%), nghe (80.5%) và viết (75.7%). Đáng chú ý, nhóm -ESP (chưa học ESP) đánh giá ESP quan trọng hơn nhóm +ESP. Điều này có thể do những người chưa học có kỳ vọng cao hơn về ESP, trong khi những người đã học có thể cảm thấy nội dung chưa thực sự đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế.

Về nhu cầu các kỹ năng ESP, kết quả phân tích cho thấy nhóm in-service có nhu cầu cao hơn về kỹ năng đọc do tính chất công việc yêu cầu tiếp cận nhiều tài liệu tiếng Anh. Ngoài ra, các kỹ năng nghe và nói cũng được đánh giá cao, đặc biệt là trong việc tham gia hội thảo và phỏng vấn xin việc. Các thủ thư in-service đánh giá kỹ năng nghe hội thảo cao hơn so với sinh viên, trong khi sinh viên đánh giá cao nhu cầu nói để phỏng vấn xin việc. Về kỹ năng viết, nhu cầu viết báo cáo, CV và tóm tắt tài liệu trong thư viện được đánh giá cao. Nhóm -ESP và nhóm in-service có nhu cầu viết cao hơn nhóm +ESP, có thể do họ nhận thức rõ hơn về yêu cầu công việc.

Phân tích ANOVA cho thấy có sự khác biệt đáng kể về nhu cầu đọc giữa nhóm +ESP và nhóm in-service, trong đó nhóm in-service có nhu cầu đọc cao hơn. Điều này có thể do họ cần đọc nhiều tài liệu chuyên ngành trong công việc hàng ngày. Kết quả phân tích cũng chỉ ra rằng nhóm in-service có nhu cầu cao hơn trong việc hiểu các bài giảng chuyên đề và hội thảo bằng tiếng Anh, trong khi sinh viên có nhu cầu cao hơn đối với kỹ năng nói để phục vụ phỏng vấn xin việc.

Như vậy, các khóa học ESP nên được thiết kế linh hoạt để phù hợp với cả sinh viên và người đi làm. Nội dung giảng dạy cần kết hợp tiếng Anh học thuật và tiếng Anh phục vụ công việc thực tế. Việc xây dựng một chương trình ESP phù hợp sẽ giúp sinh viên ngành thư viện chuẩn bị tốt hơn cho môi trường làm việc và hỗ trợ các thủ thư nâng cao năng lực nghề nghiệp. Nghiên cứu này cung cấp cơ sở quan trọng để cải thiện chương trình ESP trong lĩnh vực Khoa học Thư viện và Thông tin, đồng thời có thể áp dụng cho các ngành nghề khác trong giáo dục đại học tại Việt Nam.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Ngo, N. H. H. (2023). Developing an English for Specific Purposes Need Profile among Library and Information Science Students in Vietnam. Vietnam Journal of Education7(2), 125-135.

https://doi.org/10.52296/vje.2023.286

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng hồ sơ nhu cầu tiếng Anh chuyên ngành trong lĩnh vực Thư viện và Thông tin tại Việt Nam tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn