Phương pháp giảng dạy phản chiếu từ tiếng Anh giữa các giáo viên giảng dạy ngoại ngữ nổi lên như một hướng đi tiềm năng nhằm nâng cao hiệu quả sư phạm và sự phát triển toàn diện của học sinh. Mục tiêu của nghiên cứu là tìm hiểu cách thức các giáo viên dạy tiếng Anh tham gia vào giảng dạy phản chiếu và tác động của những thực hành này đến chất lượng giảng dạy và học tập.
Nghiên cứu được thực hiện theo phương pháp nghiên cứu định tính, sử dụng phỏng vấn bán cấu trúc với 15 giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học khác nhau tại Việt Nam. Các giáo viên này có kinh nghiệm giảng dạy từ 3 đến 30 năm, đảm bảo tính đa dạng trong kết quả nghiên cứu. Dữ liệu thu thập được từ các cuộc phỏng vấn được phân tích theo phương pháp phân tích chủ đề, giúp rút ra những nhận định và kết luận về giảng dạy phản chiếu trong bối cảnh tại Việt Nam.
Nghiên cứu cho thấy giảng dạy phản chiếu là một quá trình phức tạp, diễn ra cả ở mức độ cá nhân và hợp tác giữa các giáo viên. Các giáo viên tham gia nghiên cứu chủ yếu thực hiện phản chiếu sau hành động theo hai hình thức chính: phản chiếu cá nhân và phản chiếu hợp tác. Phản chiếu cá nhân được thực hiện qua việc ghi chép trong nhật ký giảng dạy hoặc suy nghĩ lại về bài học khi về nhà. Phản chiếu hợp tác được thực hiện thông qua các buổi chia sẻ và thảo luận với đồng nghiệp về các bài giảng của mình, giúp giáo viên học hỏi và áp dụng các phương pháp giảng dạy mới.
Giảng dạy phản chiếu có tác động mạnh mẽ đến cả giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, phản chiếu giúp nâng cao hiệu quả giảng dạy, cải thiện các phương pháp dạy học và thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp. Cụ thể, phản chiếu giúp giáo viên nhận diện những thiếu sót trong phương pháp giảng dạy của mình, từ đó điều chỉnh lại cách tiếp cận để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của học sinh. Đối với học sinh, giảng dạy phản chiếu tạo ra môi trường học tập linh hoạt và thích ứng, nơi giáo viên có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy để tối ưu hóa sự hiểu biết và sự tham gia của học sinh. Học sinh được học trong môi trường mà giáo viên luôn tìm cách cải tiến và cải thiện phương pháp giảng dạy, từ đó nâng cao kết quả học tập.
Nguồn: Pixabay.com
Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra một số thách thức trong việc áp dụng giảng dạy phản chiếu ở Việt Nam. Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu thời gian cho giáo viên để thực hiện phản chiếu sau mỗi bài giảng, đặc biệt là khi giáo viên phải đối mặt với áp lực về khối lượng công việc lớn và các yêu cầu giảng dạy theo chương trình. Thêm vào đó, một số giáo viên cho rằng phương pháp này không được coi trọng trong các chính sách giáo dục hiện tại, dẫn đến thiếu sự hỗ trợ từ các cấp quản lý. Bên cạnh đó, giảng dạy phản chiếu đòi hỏi sự thay đổi trong nhận thức và văn hóa giảng dạy, từ phương pháp giảng dạy truyền thống sang một phương pháp coi trọng sự phản hồi và điều chỉnh liên tục, đôi khi gặp phải sự kháng cự từ cả giáo viên và học sinh, đặc biệt là trong những môi trường giáo dục mà phương pháp giảng dạy truyền thống đã ăn sâu vào thói quen.
Như vậy, giảng dạy phản chiếu là một công cụ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Phươngpháp này không chỉ giúp giáo viên phát triển nghề nghiệp mà còn góp phần vào việc cải thiện hiệu quả học tập của học sinh. Nghiên cứu khuyến nghị các trường học và các cơ quan giáo dục cần thúc đẩy văn hóa phản chiếu trong cộng đồng giáo viên, xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên chú trọng đến giảng dạy phản chiếu và hỗ trợ các giáo viên trong quá trình thực hiện phương pháp này.
Hoàng Dũng lược dịch
Nguồn:
Pham, T. T., Nguyen, T. A., Phuong, Y. H., Nguyen, T. H., Huynh, T. A. T., & Le, T. T. (2023). Vietnamese Teachers’ Perspectives of the Impact of Reflection-on-action Teaching on Educational Quality: A Grounded Theory Study. Vietnam Journal of Education, 7(3), 195-206. https://doi.org/10.52296/vje.2023.313