Ứng dụng mô hình giảng dạy kết hợp: Một nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam

Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc tích hợp công nghệ vào giảng dạy trở thành yếu tố then chốt, đặc biệt khi đối mặt với các thách thức như chi phí cao và sự hạn chế trong khả năng tiếp cận tri thức. Bài viết đề xuất mô hình OMO như giải pháp hiệu quả để vượt qua những rào cản này.

Mô hình OMO (Online-Merge-Offline) là một phương pháp giảng dạy kết hợp học trực tuyến và học trực tiếp, trong đó học sinh có thể học từ xa qua các nền tảng công nghệ, nhưng vẫn giữ được yếu tố tương tác trực tiếp với giáo viên và bạn bè.

Mô hình này không chỉ giúp giải quyết vấn đề về chi phí và khoảng cách địa lý, mà còn tạo ra cơ hội học tập linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của từng học sinh. Hơn nữa, mô hình OMO được thiết kế dựa trên mô hình TPACK (Technological Pedagogical Content Knowledge), một lý thuyết khẳng định sự cần thiết của việc kết hợp ba yếu tố quan trọng trong giáo dục: kiến thức nội dung, kiến thức công nghệ và phương pháp sư phạm. Đây là yếu tố quan trọng giúp giáo viên có thể vận dụng công nghệ một cách hiệu quả trong quá trình giảng dạy và học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách tối ưu.

Nghiên cứu được sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp, kết hợp cả nghiên cứu định tính và định lượng, thực hiện tại tỉnh Nghệ An, nơi có nhiều học sinh đến từ các vùng núi, điều kiện học tập còn khó khăn và thiếu thốn Trong nghiên cứu định lượng, một cuộc khảo sát đã được tiến hành với 900 học sinh đến từ 41 trường tiểu học và trung học cơ sở ở 20 huyện của tỉnh Nghệ An, thu thập thông tin về nhu cầu học theo mô hình OMO và hiệu quả của phương pháp giảng dạy này đối với học sinh. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính thông qua các cuộc phỏng vấn bán cấu trúc với 20 lãnh đạo trường học, 20 giáo viên địa phương, 20 học sinh và phụ huynh của các em. Các cuộc phỏng vấn này giúp thu thập các phản hồi và ý kiến của các bên liên quan về mô hình OMO, từ đó đánh giá về tính khả thi và hiệu quả của mô hình.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, mô hình OMO có sự tiếp nhận rất tích cực từ phía học sinh và phụ huynh. Hơn 90% học sinh tham gia khảo sát bày tỏ sự hào hứng và mong muốn tham gia mô hình OMO khi được giới thiệu. Phản hồi từ phụ huynh cho thấy sự hài lòng cao đối với nội dung khóa học và phương pháp giảng dạy của các giáo viên. Khoảng 50% phụ huynh cho biết họ rất hài lòng với nội dung khóa học, trong khi 40% cho biết họ rất hài lòng với phương pháp giảng dạy. Điều này cho thấy mô hình OMO không chỉ giúp học sinh cải thiện trình độ tiếng Anh mà còn góp phần nâng cao sự hài lòng của phụ huynh về chất lượng giáo dục.

Nguồn: Pixabay.com

Ngoài việc nâng cao chất lượng dạy và học, mô hình OMO còn mang lại những lợi ích kinh tế rõ rệt. Mô hình này giúp giảm thiểu chi phí cho cả học sinh và trường học, bởi học sinh không phải di chuyển đến lớp học và không phát sinh các chi phí về nhà ở, đi lại. Các trường học cũng không cần phải tuyển dụng nhiều giáo viên, giúp tiết kiệm nguồn lực nhân sự. Thêm vào đó, mô hình OMO còn góp phần giảm bớt áp lực cho các giáo viên, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn, nơi khó có thể tuyển dụng được giáo viên có trình độ cao.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra một số thách thức trong việc triển khai mô hình OMO, đặc biệt là trong việc đảm bảo sự đồng đều trong chất lượng giảng dạy và học tập giữa các khu vực. Mặc dù mô hình OMO giúp nâng cao khả năng tiếp cận kiến thức cho học sinh, nhưng không phải tất cả học sinh đều có điều kiện sử dụng công nghệ hoặc có khả năng tiếp thu tốt khi học trực tuyến. Điều này đòi hỏi các trường học và giáo viên phải thiết kế các khóa học phù hợp, có sự cân nhắc về khả năng tiếp cận công nghệ của học sinh.

Tóm lại, mô hình OMO là một giải pháp tiềm năng trong giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục ở các khu vực nông thôn và miền núi. Mô hình này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập mà còn giải quyết được các vấn đề về chi phí và khả năng tiếp cận giáo dục. Tuy nhiên, để có thể triển khai rộng rãi và hiệu quả hơn, cần phải có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền và các tổ chức giáo dục, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng công nghệ, đào tạo giáo viên và thiết kế nội dung giáo dục phù hợp với nhu cầu thực tế của học sinh.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Tran, T. T. (2023). Online-Merge-Offline Model for Distance Learning in English Language Education: A Case Study. Vietnam Journal of Education7(3), 215-226.

https://doi.org/10.52296/vje.2023.251

Bạn đang đọc bài viết Ứng dụng mô hình giảng dạy kết hợp: Một nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn