Tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của các trường Đại học tại Việt Nam

Giáo dục đại học ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển lâu dài, thông qua tổng hợp tài liệu về tích hợp 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc vào giáo dục đại học toàn cầu, bài viết đưa ra các khuyến nghị nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam thực hiện hiệu quả các mục tiêu này.

Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục đại học không chỉ đóng vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng mà còn là nơi thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Chính vì thế, các trường đại học cần tích hợp 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên Hợp Quốc vào chiến lược phát triển của mình để góp phần vào sự phát triển bền vững. Ở Việt Nam, tuy một số trường đại học đã bắt đầu chú trọng đến các vấn đề phát triển bền vững, nhưng việc tích hợp SDGs vào chiến lược phát triển của các trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các trường đại học Việt Nam chưa có chiến lược rõ ràng và hệ thống để thực hiện các mục tiêu này và chỉ một số ít trường đã tích cực triển khai các sáng kiến liên quan đến phát triển bền vững.

Nghiên cứu chỉ ra rằng để các trường đại học Việt Nam có thể thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, trước hết, các trường cần nâng cao nhận thức và hiểu biết về các mục tiêu này. Việc đầu tiên là các trường đại học phải tiến hành đánh giá hiện trạng về khả năng thực hiện SDGs trong trường của mình. Điều này sẽ giúp các trường xác định các điểm mạnh và điểm yếu trong việc thực hiện các mục tiêu này, từ đó đưa ra các chiến lược và chính sách phù hợp. Một trong những khuyến nghị quan trọng là các trường đại học cần xây dựng một chính sách phát triển bền vững rõ ràng, trong đó phải có mục tiêu tích hợp các SDGs vào chương trình giảng dạy, nghiên cứu và các hoạt động ngoại khóa. Các môn học liên quan đến phát triển bền vững cần được đưa vào chương trình giảng dạy, đồng thời khuyến khích sinh viên và giảng viên tham gia vào các nghiên cứu và hoạt động liên quan đến các vấn đề môi trường và xã hội.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng để triển khai các dự án phát triển bền vững. Hợp tác quốc tế và trong nước có thể giúp các trường đại học Việt Nam học hỏi và áp dụng các mô hình phát triển bền vững hiệu quả từ các quốc gia khác. Các trường cần tham gia vào các sáng kiến cộng đồng, tạo cơ hội cho sinh viên được thực hành và áp dụng kiến thức về phát triển bền vững thông qua các dự án thực tế, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của họ. Việc triển khai các hoạt động cộng đồng cũng sẽ giúp các trường đại học đóng góp tích cực vào việc giải quyết các vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường tại địa phương và quốc gia.

Nguồn: Pixabay.com

Ngoài ra, quản trị và vận hành bền vững trong các cơ sở giáo dục đại học là yếu tố không thể thiếu. Các trường đại học cần phát triển một kế hoạch hành động chi tiết để giảm thiểu tác động môi trường của mình, chẳng hạn như giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện các chương trình tái chế. Quản lý khuôn viên trường xanh, sử dụng các nguồn tài nguyên hiệu quả và xây dựng các cơ sở vật chất bền vững là một trong những cách thức cụ thể mà các trường đại học có thể áp dụng. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường mà còn tạo ra một môi trường học tập lành mạnh.

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ là nghĩa vụ của các trường đại học mà còn mang lại nhiều lợi ích cho các trường. Việc tích hợp các SDGs vào chiến lược phát triển sẽ giúp các trường đại học nâng cao uy tín và hình ảnh của mình, đồng thời thu hút sự quan tâm của các đối tác quốc tế, doanh nghiệp và cộng đồng. Các trường đại học có thể nhận được sự hỗ trợ về tài chính và nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các quỹ phát triển và các đối tác trong và ngoài nước khi tham gia vào các sáng kiến phát triển bền vững. Điều này không chỉ giúp các trường đại học phát triển mạnh mẽ hơn mà còn góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và thế giới.

Như vậy, việc tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của các trường đại học ở Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết và cần thiết phải được thực hiện một cách có hệ thống và chiến lược. Các trường cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc này và bắt tay vào thực hiện các hành động cụ thể để đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững toàn cầu. Việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững không chỉ giúp các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục mà còn giúp tạo ra một tương lai bền vững cho thế hệ sau.

Hoàng Dũng lược dịch

Nguồn:

Le, H. V., & Nguyen, C. H. (2023). Integration of Sustainable Development Goals (SDGs) into Institutional Development Strategy: Recommendations for Vietnamese Universities. Vietnam Journal of Education7(3), 178-186.https://doi.org/10.52296/vje.2023.283

 

Bạn đang đọc bài viết Tích hợp mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược phát triển của các trường Đại học tại Việt Nam tại chuyên mục Khoa học giáo dục và xã hội của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn