Ngày 31/12/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1705/QĐ-TTg về chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045, trong đó có một phần nội dung quan trọng liên quan đến giáo dục đại học. Ngày 5/2/2025 vừa qua, trên tờ University World News, một tờ báo chuyên ngành về giáo dục đại học, có trụ sở đặt tại London, Anh Quốc có đăng tải bài bình luận có tiêu đề “Vietnam: A promising strategy for higher education, with some important omissions” của TS. Phạm Hiệp (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Chuyển giao Tri thức (REK) Trường Đại học Thành Đô; Đồng trưởng Nhóm nghiên cứu Khoa học Giáo dục và Chính sách, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội). Tạp chí Giáo dục xin trân trọng lược giới thiệu một số nội dung rất đáng chú ý của bài viết này.
Trong phần đầu của bài viết, TS. Phạm Hiệp đã tóm tắt một số mục tiêu quan trọng liên quan đến giáo dục đại học của Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045. Cụ thể, TS. Phạm Hiệp chia các mục tiêu này thành 5 nhóm, bao gồm:
- Khả năng tiếp cận: Ít nhất 260 sinh viên đại học trên 10.000 dân; tỷ lệ nhập học ròng (Net Enrollment Ratio - NER) của nhóm tuổi 18-22 đạt 33%.
- Chất lượng và kiểm định: 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ; 100% cơ sở giáo dục đại học được kiểm định chất lượng.
- Phù hợp với nhu cầu kinh tế: Tái cấu trúc giáo dục để hỗ trợ nền kinh tế tri thức và hội nhập toàn cầu, với tỷ lệ sinh viên STEM đạt 35% tổng số sinh viên.
- Nghiên cứu khoa học: Mỗi giảng viên toàn thời gian trung bình có 0,6 bài báo khoa học mỗi năm.
- Quốc tế hóa và xếp hạng toàn cầu: Sinh viên quốc tế chiếm 1,5% tổng số sinh viên; ít nhất 5 trường đại học của Việt Nam được xếp vào top 500 thế giới, 5 trường vào top 200 châu Á và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nằm trong top 4 Đông Nam Á, top 10 châu Á.
Nguồn: Bộ GD-ĐT
Về phương diện khả thi của các mục tiêu, TS. Hiệp lại chia các mục tiêu này thành 3 nhóm: Các mục tiêu dễ đạt được, Các mục tiêu thách thức và Các mục tiêu bị bỏ sót. Sau đó, trong bài bình luận, TS. Hiệp lần lượt phân tích theo từng nhóm này:
Các mục tiêu dễ khả thi cao
Những mục tiêu này, theo tác giả bài viết, có khả năng đạt được mà không cần quá nhiều nỗ lực, vì trên thực tế chúng đã gần như hoàn thành. Các mục tiêu về khả năng tiếp cận, chất lượng và kiểm định nằm trong nhóm này. Theo Bộ GD-ĐT Việt Nam, năm 2024, Việt Nam có hơn hai triệu sinh viên đại học, tương đương 201 sinh viên trên 10.000 dân và tỷ lệ nhập học thuần (NER) đạt 27,9%. Những con số này rất gần với mục tiêu năm 2030 là 260 sinh viên trên 10.000 dân và tỷ lệ NER đạt 33%.
Tương tự, các mục tiêu liên quan đến chất lượng và kiểm định cũng có vẻ khả thi. Theo thống kê mới nhất năm 2024, có 33,02% giảng viên có trình độ tiến sĩ và 81,25% cơ sở giáo dục đại học đã được kiểm định chất lượng – những con số khá sát với mục tiêu năm 2030 (40% giảng viên có tiến sĩ; 100% cơ sở giáo dục đại học được kiểm định).
Các mục tiêu thách thức
Nhóm mục tiêu này bao gồm việc điều chỉnh giáo dục để đáp ứng nhu cầu kinh tế, nâng cao năng suất nghiên cứu, quốc tế hóa và nâng thứ hạng toàn cầu của các trường đại học. Để đạt được những mục tiêu này, cần có nỗ lực lớn cũng như các chính sách và biện pháp phù hợp từ chính phủ và các trường đại học. Theo Bộ GD-ĐT, số lượng sinh viên đại học trong các ngành STEM hiện khoảng 55 trên 10.000 dân, và tổng tỷ lệ sinh viên STEM chỉ đạt từ 27%-29% (tương đương 560.000-600.000 sinh viên).
Bên cạnh đó, các trường đại học Việt Nam có sự hiện diện khá khiêm tốn trong các bảng xếp hạng quốc tế. Theo bảng xếp hạng Quacquarelli Symonds (QS) năm 2025, chỉ có một trường đại học Việt Nam lọt vào top 500 toàn cầu, và bốn trường lọt vào top 200 châu Á. Tương tự, trong bảng xếp hạng Times Higher Education năm 2024, không có trường nào của Việt Nam nằm trong top 500 thế giới, và chỉ có một trường thuộc top 200 châu Á.
Mục tiêu thách thức nhất chính là việc nâng thứ hạng toàn cầu và khu vực của các trường đại học Việt Nam – một điểm yếu kéo dài trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước.
Theo các chuyên gia, có hai yếu tố chính hạn chế sự hiện diện của các trường đại học Việt Nam trong các bảng xếp hạng này: 1. Mức độ quốc tế hóa thấp: Tỷ lệ sinh viên quốc tế và giảng viên quốc tế còn hạn chế, số lượng chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh chưa nhiều; 2. Hiệu suất nghiên cứu yếu: Số lượng công bố khoa học và trích dẫn vẫn còn thấp. Giáo dục đại học Việt Nam chủ yếu theo mô hình “một chiều” – tức là, Việt Nam được biết đến nhiều hơn với việc gửi sinh viên và giảng viên ra nước ngoài hơn là thu hút nhân tài quốc tế. Ngoài ra, hệ thống tài trợ nghiên cứu còn phân tán giữa các trường đại học và viện nghiên cứu, làm giảm khả năng nâng cao vị thế học thuật toàn cầu.
Các mục tiêu chưa được đề cập rõ
Theo tác giả, chiến lược dường như chưa làm rõ một số mục tiêu liên quan đến giáo dục đại học tư thục, bình đẳng và hòa nhập, cũng như phát triển bền vững. Một số ví dụ điển hình bao gồm: tỷ lệ sinh viên theo học tại các trường đại học tư thục, tỷ lệ sinh viên nữ, tỷ lệ sinh viên thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, hay số lượng trường đại học có mặt trong bảng xếp hạng tác động bền vững của Times Higher Education hoặc bảng xếp hạng bền vững của QS.
Không thể phủ nhận rằng những mục tiêu này có vai trò quan trọng trong việc định hình một tầm nhìn toàn diện hơn về hệ thống giáo dục đại học Việt Nam vào năm 2030, đảm bảo rằng tất cả các bên liên quan đều có một khuôn khổ rõ ràng để hướng tới. Tóm lại, Chiến lược Giáo dục 2030 của Việt Nam vẫn mang lại một tầm nhìn đầy triển vọng cho hệ thống giáo dục của đất nước. Trong năm 2025, một chiến lược tiếp nối dành riêng cho giáo dục đại học dự kiến sẽ được ban hành, trong đó đề ra các mục tiêu chi tiết hơn, cùng với các biện pháp và kịch bản triển khai cụ thể.
Vũ Nguyễn Quang Duy dịch và biên tập
Tài liệu tham khảo
Hiep Pham (2025). A promising strategy for HE, with some important omissions. https://www.universityworldnews.com/post.php?story=2025020506321851