Chính sách pháp luật đối với thuốc lá mới và tác động

Báo cáo tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung lần thứ 6 và 7 (COP7) đã nêu: “tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền TLNN ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá điếu thông thường sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của TLNN”. WHO kêu gọi các quốc gia cần ngăn ngừa việc đưa ra các kết luận thiếu căn cứ về tính an toàn của các sản phẩm này. Nếu các quốc gia lựa chọn quản lý các sản phẩm này như thuốc lá thì cần đồng thời thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả được quy định trong Công ước khung về Kiểm soát thuốc lá thay vì sử dụng các sản phẩm mới được quảng cáo là ít có hại.

Tại Hội nghị COP 8, WHO khuyến cáo: việc cho phép các sản phẩm mới sẽ làm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng các sản phẩm này, dẫn tới nghiện nicotine và sử dụng thuốc lá điếu thông thường ở giới trẻ. Các bên tham gia cần cân nhắc ưu tiên áp dụng các biện pháp để ngăn chặn sự bắt đầu sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, bao gồm ở cấp độ cao nhất là ban hành quy định cấm.

Ảnh minh họa (nguồn: sưu tầm)

Với TLĐT, các khung pháp lý bao gồm: (1) cấm hoàn toàn bao gồm cả cấm sử dụng, cấm bán, nhập khẩu, quảng cáo; (2) cấm bán (kèm theo cấm nhập khẩu, sản xuất và quảng cáo), không cấm sử dụng; (3) quản lý nghiêm dưới dạng dược phẩm dùng cho mục đích cai nghiện thuốc lá; (4) quản lý như sản phẩm thuốc lá, áp dụng một/một số biện pháp kiểm soát theo công ước khung WHO FCTC, trong đó có áp dụng hạn chế (cấm bán tất cả các sản phẩm có hương vị hoặc cấp phép chặt chẽ cho một vài sản phẩm có hương vị và không có hương vị); và (5) một số quốc gia  khác chưa có khung pháp lý/đang xây dựng khung pháp lý. Đến tháng 7/2024, ít nhất 42 quốc gia cấm bán thuốc lá điện tử có nicotine, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN. Số quốc gia cấm bán TLĐT đã gia tăng nhanh từ 26 quốc gia năm 2015. 87 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử có chứa nicotine. 74 quốc gia không có quy định pháp lý về TLĐT có chứa nicotin, trong đó có Việt Nam.

Với TLNN, các khung pháp lý bao gồm: 1) cấm hoàn toàn bao gồm cả cấm sử dụng, cấm bán, nhập khẩu, quảng cáo;  (2) cấm bán (kèm theo cấm nhập khẩu, sản xuất và quảng cáo), không cấm sử dụng; (3) quản lý như là sản phẩm thuốc lá mới áp dụng một/một số biện pháp kiểm soát theo công ước khung WHO FCTC, quản lý như là thuốc lá thông thường, quản lý dành cho thuốc lá không khói, quản lý như với TLĐT; quản lý khác; và (4) một số quốc gia  khác chưa có khung pháp lý/đang xây dựng khung pháp lý. Đến tháng 7/2024, ít nhất 19 quốc gia cấm bán TLNN, trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN.

Những thách thức trong quy định và thực thi chính sách về TLĐT, TLNN: Dù lựa chọn chính sách (1) hạn chế hay (2) quản lý thuốc lá mới, các quốc gia đều gặp một số thách thức trong việc thực thi, khả năng ứng phó với tiến bộ công nghệ đổi mới sản phẩm, trong kiểm soát quảng cáo, bán hàng trực tuyến và năng lực quản lý, cấp phép hay giám sát cũng như yêu cầu đầu tư nguồn lực cao cho công tác quản lý nhà nước trong bối cảnh: Thương mại xuyên biên giới và bán hàng trực tuyến gia tăng; Thiếu tiêu chuẩn hóa sản phẩm; Nguồn lực và chuyên môn của các Chính phủ hạn chế; Khó khăn trong giám sát thị trường do số lượng các sản phẩm thuốc lá lớn  và đa dạng về chủng loại. Ở nhiều quốc gia, sau khi cho phép quản lý đã chứng kiến sự gia tăng tỷ lệ sử dụng rất nhanh chóng trong giới trẻ, phải chuyển từ quản lý sang cấm một số loại TLĐT hoặc áp dụng quy định quản lý rất nghiêm ngặt (Mỹ, Úc).

Tác động của chính sách: Phân tích kết quả Khảo sát Sử dụng Thuốc lá ở giới trẻ toàn cầu tại 75 quốc gia (2015-2019) cho thấy các quốc gia cấm bán TLĐT có tỷ lệ sử dụng TLĐT ở học sinh 13-15 tuổi thấp hơn nhiều so với các quốc gia cho phép bán và giới hạn độ tuổi đối với thanh thiếu niên. Trong khu vực ASEAN, Singapore và Campuchia là 2 quốc gia thành công trong giảm tỷ lệ sử dụng TLĐT và TLNN ở cả người lớn và trẻ em thông qua chính sách cấm. Tỷ lệ sử dụng TLĐT ở Campuchia đã giảm từ 2,4% còn 0,9% ở trẻ em (2022), ở người trưởng thành là 0,02% vào năm 2021; Tỷ lệ sử dụng TLNN ở trẻ em là 0,5% (2022), ở người lớn chỉ ghi nhận số lượng rất ít các trường hợp sử dụng TLNN.

Kinh nghiệm thành công ở Singapore và Campuchia cho thấy: để quy định cấm thực sự phát huy có hiệu quả, cần có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN nhập lậu qua cửa khẩu; ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN thị trường nội địa; Đầu tư nguồn lực để cải thiện khả năng phát hiện và gỡ bỏ các hoạt động bán hàng và quảng cáo TLĐT, TLNN trực tuyến; tăng cường giáo dục, huy động sự tham gia của cộng đồng trong giám sát, phát hiện và ngăn chặn trẻ em mua và sử dụng TLĐT và TLNN từ các nguồn cung bất hợp pháp

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam: Biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh TLĐT và TLNN sẽ hiệu quả hơn so với biện pháp hạn chế hay cho phép lưu hành nhưng quản lý chặt chẽ. Các lý do chính bao gồm: (1) nếu chỉ quản lý mà không cấm, sẽ rất khó kiểm soát hoàn toàn các hoạt động quảng cáo, bán hàng online, nhập lậu, tiếp cận của giới trẻ. Điều này sẽ dẫn đến gia tăng nhanh tỷ lệ sử dụng ở giới trẻ, tạo ra thế hệ nghiện nicotin mới. (2) Biện pháp quản lý đòi hỏi đầu tư nguồn lực lớn để thực thi nhiều quy định phức tạp, gây gánh nặng cho chính phủ. Trong khi đó, cấm hoàn toàn sẽ đơn giản và dứt khoát hơn. Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an đã có văn bản khẳng định sự khó khăn trong việc kiểm soát các chất ma túy và gây nghiện khác có thể pha trộn vào TLĐT và TLNN. Mặt khác, trên thực tế, cho đến hiện nay chưa có một phòng xét nghiệm độc lập nào ở Việt Nam có thể xét nghiệm các chất trong thuốc lá điếu. Cả nước chỉ có phòng xét nghiệm của Viện thuốc lá thuộc Tổng Công ty thuốc lá Việt Nam có thể kiểm nghiệm được 2 chất là Tar và Nicotin trong khói thuốc lá điếu. Điều này cho thấy năng lực quản lý của nước ta không đủ để bảo đảm thực thi phương án quản lý TLĐT, TLNN. (3) Nhiều nước cho phép lưu hành với các quy định hạn chế đã không thành công ngăn chặn việc sử dụng TLĐT và TLNN ở giới trẻ gia tăng. Điều này cho thấy biện pháp quản lý có nhiều rủi ro, khó kiểm soát.

Đề xuất biện pháp ngăn chặn thuốc lá mới

- Trước mắt Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối, bán và quảng cáo, khuyến mại TLĐT, TLNN ở tất cả các dạng ở Việt Nam. Trong thời gian tới, các quy định này cần được nghiên cứu luật định khi sửa Luật phòng chống tác hại của thuốc lá. 

- Chính phủ quy định trách nhiệm của các bộ ngành liên ngành và cộng đồng trong tăng cường hiệu lực thực thi quy định cấm. Vận dụng kinh nghiệm thành công và chưa thành công của một số quốc gia trong khu vực và quốc tế trong thực thi quy định ngăn chặn thuốc lá mới, cần thực hiện các biện pháp sau:

Các điều kiện để thực hiện thành công chính sách cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo TLĐT, TLNN và các loại thuốc lá mới khác:

(1) Truyền thông, giáo dục:

  - Xây dựng tài liệu truyền thông và tổ chức truyền thông thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền các cấp, các nhóm đối tượng thực thi pháp luật, và người dân về: (1) tác hại của việc hút TLĐT, TLNN và các loại thuốc lá mới khác, (2) chiến lược thu hút người sử dụng mới của ngành công nghiệp thuốc lá, (3) nhận diện sản phẩm thuốc lá mới và vai trò ngăn chặn thuốc lá mới của mỗi bên.   

  - Truyền thông đại chúng về tác hại của TLĐT, TLNN và các loại thuốc lá mới khác và nhận diện sản phẩm độc hại này trên các nền tảng phù hợp, đặc biệt với giới trẻ.

 - Ở cấp độ toàn dân, phát động chiến dịch cộng đồng nói không với TLĐT, TLNN và các sản phẩm thuốc lá mới khác các sản phẩm thuốc lá mới khác, nhà trường nói không với thuốc lá mới.

 - Giáo dục các nhóm dân số đích gồm học sinh, phụ huynh, giáo viên để tăng cường nhận diện sản phẩm và ngăn chặn việc bắt đầu sử dụng ở giới trẻ.

(2) Quy định các biện pháp thực thi nhằm ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, nhập lậu và quảng cáo TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác

Quy định mức xử phạt các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, nhập lậu, sản xuất, quảng cáo TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác.

Quy định trách nhiệm và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn việc mua bán, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN và thuốc lá mới nhập lậu qua cửa khẩu.

Quy định trách nhiệm và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật để ngăn chặn việc mua bán, tàng trữ, cung cấp, vận chuyển TLĐT, TLNN và thuốc lá mới ở thị trường nội địa.

Đầu tư nguồn lực để cải thiện khả năng phát hiện và gỡ bỏ các hoạt động bán hàng và quảng cáo trực tuyến TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác; Phát huy vai trò của người dân trong phát hiện các hoạt động bán hàng và quảng cáo thuốc lá mới trực tuyến; Quy định trách nhiệm và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan thực thi pháp luật và người dân trong phát hiện và gỡ bỏ các hoạt động bán hàng và quảng cáo TLĐT, TLNN trực tuyến.

Tăng cường thực thi các biện pháp nhằm ngăn chặn việc sử dụng TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác ở thanh thiếu niên, học sinh trong cộng đồng; Giám sát hành vi hút TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác trong các trường học.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán TLĐT, TLNN và thuốc lá mới khác.

(3) Hỗ trợ cai nghiện cho người sử dụng, thiết kế dịch vụ hỗ trợ cai nghiện phù hợp cho vị thành niên, thanh niên sử dụng thuốc lá mới nhằm giảm thiểu nguy cơ và tác hại nghiêm trọng của nghiện nicotine ở vị thành niên và thanh niên.

(nguồn: https://soyte.ninhbinh.gov.vn/)

Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục

Bạn đang đọc bài viết Chính sách pháp luật đối với thuốc lá mới và tác động tại chuyên mục Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19