Xây dựng trường học không khói thuốc

Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc là 47,4%, nữ giới 1,4% và 33 triệu người không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nhà. Trên 5 triệu người trưởng thành không hút thuốc thường xuyên hít phải khói thuốc tại nơi làm việc.

Phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học giúp học sinh không hút thuốc

Những nghiên cứu gần đây về xu hướng sử dụng thuốc lá cho thấy tỷ lệ hút thuốc trong giới trẻ đang gia tăng và tuổi bắt đầu hút thuốc đang ngày càng trẻ hóa. Theo điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13 - 15 tuổi: Tỷ lệ hút thuốc lá trong học sinh nam là 4,9% và học sinh nữ là 0,2%; Trên 47,7% học sinh nhóm tuổi này thường xuyên hút thuốc lá thụ động tại nhà và trên 66,5% hút thuốc lá thụ động tại nơi công cộng.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày trên thế giới có 80.000 - 100.000 thanh thiếu niên bắt đầu hút thuốc. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng nghiện chất nicotine chỉ sau khi hút vài điếu thuốc và trở thành người nghiện thuốc khi bước vào tuổi trưởng thành. Khi bắt đầu hút thuốc, thanh thiếu niên thường chưa nhận thức đầy đủ tính chất gây nghiện của thuốc lá cũng như các nguy cơ bệnh tật từ việc hút thuốc nên thường đánh giá thấp nguy cơ nghiện nicotine của mình. Hút thuốc càng sớm, bệnh tật càng sớm và hậu quả càng nặng nề. Hút thuốc ở trẻ em là nguyên nhân làm tăng khả năng nhiễm các tệ nạn xã hội khác như ma túy, rượu… Việt Nam là nước có dân số trẻ, vì vậy, việc phòng chống tác hại của thuốc lá trong trường học giúp học sinh không hút thuốc, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe của các thế hệ tương lai của đất nước, giảm tỷ lệ hút thuốc trong cộng đồng, giảm các gánh nặng bệnh tật và kinh tế cho mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội.

Ảnh minh họa (nguồn: sưu tầm)

Ý nghĩa của việc xây dựng trường học không khói thuốc

Thực hiện trường học không khói thuốc có những ý nghĩa sau: giúp học sinh, các thầy cô giáo đảm bảo quyền được hít thở bầu không khí trong lành, tránh khỏi các tác hại nguy hiểm của khói thuốc. Ngăn chặn hành vi thử hút thuốc lá của các em học sinh, giảm tỷ lệ thanh thiếu niên hút thuốc. Hỗ trợ tích cực những người hút thuốc giảm số lượng điếu hút và tăng thêm quyết tâm bỏ thuốc. Xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự trong trường học. Hạn chế được các nguy cơ cháy nổ từ tàn thuốc, diêm, bật lửa… giảm chi phí vệ sinh môi trường.

Mục tiêu trong Chiến lược quốc gia Phòng chống tác hại của thuốc lá là giảm tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên độ tuổi 15 - 24 từ 26% năm 2011 xuống 18% vào năm 2020, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá quy định nhiều biện pháp nhằm ngăn ngừa trẻ em, thanh thiếu niên không bắt đầu hút thuốc (như cấm quảng cáo, khuyến mại; cấm bao gói nhỏ; cấm sản phẩm thiết kế giống bao/gói thuốc lá; cấm sử dụng hình ảnh thuốc lá trên các xuất bản phẩm dành cho trẻ em...).

Thời gian tới, cần đưa nội dung phòng chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, tiêu chuẩn xét danh hiệu thi đua, khen thưởng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị, trường học. Nghiêm cấm việc mua bán, quảng cáo, tiếp thị các sản phẩm, hình ảnh liên quan đến thuốc lá tại các cơ quan, đơn vị, trường học, trong các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường. Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nghiêm quy định cấm bán thuốc lá phía ngoài cổng cơ quan, đơn vị và trường học.

Nguyễn Huy Hồng - Tạp chí Giáo dục (sưu tầm và tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng trường học không khói thuốc tại chuyên mục Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong ngành Giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19