(Ảnh minh hoạ)
Kiểm định chất lượng – yếu tố then chốt nâng cao giáo dục đại học
Làm thế nào để sinh viên tốt nghiệp không chỉ đáp ứng các yêu cầu cơ bản của doanh nghiệp mà còn có khả năng dẫn đầu trong những lĩnh vực họ tham gia? Đây là câu hỏi đòi hỏi các trường đại học phải xem xét lại chất lượng giảng dạy, chương trình đào tạo và đặc biệt là quy trình kiểm định chất lượng. Nhờ vào những nỗ lực không ngừng nghỉ và việc áp dụng các giải pháp đổi mới, hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đại học đã chứng kiến những thay đổi tích cực. Các trường đại học ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của kiểm định chất lượng, coi đây là kim chỉ nam để cải tiến liên tục, hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện và bền vững trong kỷ nguyên hội nhập quốc tế. Sau khi các chính sách về kiểm định chất lượng giáo dục cùng với các yêu cầu bảo đảm chất lượng đào tạo được ban hành, số cơ sở giáo dục đại học được kiểm định ngày càng tăng. Qua kiểm định, các trường đại học đã có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn cho đội ngũ giảng viên cơ hữu, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất. Ngành giáo dục đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn hướng đi phù hợp thực tiễn Việt Nam.
Việc thực hiện bảo đảm và kiểm định chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng, uy tín cơ sở giáo dục đại học. Trường Đại học Bách khoa – Ðại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học ở khu vực phía Nam được đánh giá là tiên phong và phát triển mạnh việc đánh giá kiểm định chất lượng trong các ngành học. Nhà trường được Hội đồng Cấp cao về Ðánh giá nghiên cứu và giáo dục Đại học Pháp (HCERES) và Mạng lưới các trường ĐH Ðông - Nam Á (AUN-QA)công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng GD. Tổng số có 195 chương trình đào tạo được đánh giá và công nhận gồm: 156 chương trình được đánh giá bởi AUN-QA, 16 chương trình đánh giá theo chuẩn của Ủy ban Bằng Kỹ sư Pháp; 7 chương trình đánh giá theo chuẩn của Hội đồng Kiểm định KT-CN - tổ chức uy tín hàng đầu nước Mỹ (ABET), 6 chương trình đánh giá theo chuẩn của HĐ Kiểm định các trường và CTĐT về kinh doanh Hoa Kỳ (ACBSP), 9 chương trình đánh giá theo chuẩn của Quỹ Kiểm định các chương trình QTKD quốc tế (FIBAA), một chương trình cử nhân khoa học và công nghệ của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội được công nhận bởi HCERES.
Tại Việt Nam, các chuẩn quốc gia do Bộ GD&ĐT đề ra kèm theo hướng dẫn của các tổ chức quốc tế như AUN-QA (Đảm bảo chất lượng mạng lưới các trường Đông Nam Á) hay ABET (Đối với các ngành kỹ thuật). Tiêu chuẩn kiểm định bao gồm nhiều khía cạnh quan trọng: hệ thống quản lý, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, và khả năng hỗ trợ sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Phát triển toàn diện giáo dục đại học dựa trên kiểm định chất lượng
Kiểm định chất lượng không chỉ là một công cụ đo lường mà còn đóng vai trò như động lực thúc đẩy các trường đại học phải thường xuyên cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội. Trong bối cảnh thị trường lao động toàn cầu không ngừng thay đổi, đặc biệt với sự bùng nổ của công nghệ, các trường buộc phải xem xét và điều chỉnh chương trình giảng dạy để đảm bảo sinh viên được trang bị những kỹ năng phù hợp. Điều này bao gồm cả việc đầu tư phát triển các ngành học mới nổi, như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, kỹ thuật số, và các lĩnh vực liên quan đến chuyển đổi số.
Ngoài ra, kiểm định chất lượng cũng khuyến khích các trường chú trọng phát triển các ngành học phù hợp với xu thế nghề nghiệp toàn cầu. Điều này bao gồm những ngành như năng lượng tái tạo, y học chính xác, công nghệ tài chính (Fintech), và quản trị bền vững – những lĩnh vực đang trở thành trọng tâm trong kỷ nguyên phát triển xanh và số hóa. Các chương trình đào tạo này không chỉ đảm bảo tính ứng dụng cao mà còn giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có cơ hội làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia hoặc khởi nghiệp thành công trong môi trường quốc tế.
(Ảnh minh hoạ)
Các tiêu chí đánh giá đầu ra sinh viên theo kiểm định chất lượng
Kiểm định chất lượng yêu cầu các trường đại học thiết lập và thực hiện các tiêu chí cụ thể, có thể đo lường, để đánh giá năng lực đầu ra của sinh viên. Một số tiêu chí quan trọng bao gồm: Kiến thức chuyên môn: Sinh viên tốt nghiệp cần nắm vững kiến thức lý thuyết và thực tiễn trong lĩnh vực học của mình. Ví dụ, sinh viên ngành công nghệ thông tin phải có khả năng lập trình, triển khai hệ thống hoặc phát triển ứng dụng đáp ứng yêu cầu công việc; Kỹ năng mềm: Kiểm định nhấn mạnh việc trang bị cho sinh viên kỹ năng làm việc nhóm, giao tiếp, giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Đây là các yếu tố thiết yếu trong môi trường lao động đa dạng và toàn cầu hóa; Ứng dụng công nghệ và sáng tạo: Sinh viên cần thành thạo công nghệ và có tư duy đổi mới để thích nghi với những thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế số; Trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp: Sinh viên không chỉ được đánh giá qua năng lực mà còn qua tinh thần trách nhiệm, đạo đức trong công việc và ý thức đóng góp cho cộng đồng.
Từ những yêu cầu của kiểm định chất lượng, các trường có thể rút ra nhiều bài học kinh nghiệm quý báu để phát triển giáo dục toàn diện như: Liên kết với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, học hỏi và áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Tổ chức các chương trình thực tế như hội thảo, cuộc thi học thuật, dự án cộng đồng giúp sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo và tư duy sáng tạo. Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên thông qua các khóa tập huấn về giảng dạy hiện đại và ứng dụng công nghệ. Xây dựng các chương trình hỗ trợ học tập và phát triển cá nhân, giúp sinh viên tự khám phá tiềm năng và định hướng nghề nghiệp phù hợp.
Quy trình kiểm định hiện nay cần được đổi mới theo hướng linh hoạt, toàn diện và đáp ứng thực tiễn nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo. Một trong những giải pháp hàng đầu để cải tiến quy trình kiểm định là áp dụng công nghệ số. Các công cụ phân tích dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng học tập trực tuyến (LMS) có thể hỗ trợ thu thập, phân tích và đánh giá dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác. Việc mời các tổ chức kiểm định quốc tế tham gia vào quy trình đánh giá không chỉ nâng cao độ tin cậy mà còn giúp các trường học tập và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế một cách phù hợp và chính xác. Cải tiến quy trình kiểm định cần đi đôi với việc phát triển đội ngũ chuyên gia kiểm định có trình độ chuyên môn cao, am hiểu xu thế giáo dục hiện đại và kỹ năng sử dụng công nghệ. Tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu, hội thảo quốc tế và trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia tiên tiến là những bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng đội ngũ này.
Kiểm định chất lượng là thước đo đánh giá năng lực của các cơ sở giáo dục đại học và là động lực thúc đẩy các trường đổi mới, phát triển. Khi kiểm định gắn liền với chất lượng, giáo dục đại học mới đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, hướng đến mục tiêu đào tạo thế hệ sinh viên toàn diện về tri thức, kỹ năng và đạo đức, sẵn sàng hội nhập vào thị trường lao động toàn cầu. Đây là trách nhiệm và sứ mệnh của hệ thống giáo dục trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển của đất nước. Quy trình, tiêu chí kiểm định và cải tiến chất lượng sẽ là kim chỉ nam giúp các cơ sở giáo dục đại học khẳng định vị thế, tạo dựng niềm tin trong xã hội và nâng tầm giáo dục Việt Nam trên bản đồ tri thức thế giới.
Hiền Kim