Các trường đại học tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Trong bối cảnh thế giới đang bước vào thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã trở thành hai trụ cột quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của các trường đại học. Việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là cơ hội để các trường đại học khẳng định vị thế, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước và khu vực.

Không chỉ đóng vai trò cải thiện chất lượng đào tạo, hoạt động này còn là cầu nối giữa tri thức hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những giá trị thiết thực cho xã hội. Ở Việt Nam, việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại các trường đại học đang ngày càng nhận được sự chú trọng, trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược phát triển giáo dục. Nhận thức được tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, các trường đại học đang xây dựng kế hoạch và lộ trình để đẩy mạnh hoạt động này. Hướng tới việc tạo ra những sản phẩm nghiên cứu có giá trị ứng dụng cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, các trường cũng không ngừng nâng cao năng lực giảng viên, mở rộng hợp tác quốc tế, và xây dựng các trung tâm nghiên cứu hiện đại.

(Ảnh minh hoạ)

Nghiên cứu khoa học đóng vai trò then chốt trong sự phát triển và nâng cao chất lượng của các trường đại học. Đây không chỉ là một hoạt động bổ trợ cho giảng dạy, mà còn là nền tảng để tạo ra tri thức mới, giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, và thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học, xây dựng môi trường khuyến khích sáng tạo và đổi mới là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển của các trường đại học trong thời đại mới.

Trong suốt hành trình phát triển, Đại học Thái Nguyên luôn coi nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là yếu tố then chốt. Các nhà khoa học của trường đã công bố hàng nghìn bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín, góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của trường trên trường quốc tế. Nhiều nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên đã được vinh danh tại các giải thưởng uy tín như Giải thưởng Kovalevskaia và giải thưởng Elsevier Foundation. Những thành tựu này không chỉ là niềm tự hào mà còn khẳng định vị thế của trường trong cộng đồng khoa học quốc tế. Bên cạnh đó, các công trình nghiên cứu của sinh viên và giảng viên đã giành được nhiều giải thưởng cấp Nhà nước, bộ, ngành. Đặc biệt, các sản phẩm khoa học và công nghệ được cấp bản quyền sở hữu trí tuệ và ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

(Ảnh minh hoạ)

Các trường đại học đang tích cực khuyến khích sinh viên, giảng viên, cán bộ nghiên cứu, tham gia vào công tác khoa học như một sở thích, thói quen và đam mê. Nhiều trường đã đề ra các chương trình, phương án để đẩy mạnh phong trào này bằng các biện pháp thiết thực.  Tăng cường hợp tác quốc tế: Mở rộng hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu và tổ chức quốc tế. Việc này không chỉ giúp nâng cao chất lượng nghiên cứu mà còn tạo cơ hội cho giảng viên và sinh viên tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và phương pháp nghiên cứu hiện đại; Đẩy mạnh nghiên cứu liên ngành: Thúc đẩy nghiên cứu liên ngành, kết hợp các lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật, y học, xã hội và nhân văn. Điều này sẽ tạo ra những giải pháp toàn diện và hiệu quả hơn cho các thách thức hiện nay; Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đầu tư có định hướng vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên. Các chương trình đào tạo nâng cao, các khóa học chuyên sâu và các hoạt động nghiên cứu thực tiễn sẽ được đẩy mạnh để nâng cao năng lực và kỹ năng của đội ngũ nhân lực; Thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo: Hỗ trợ, khuyến khích, tạo nhiều sân chơi bổ ích các hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sinh viên và giảng viên. Các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, các cuộc thi sáng tạo và các dự án hợp tác với doanh nghiệp sẽ được triển khai mạnh mẽ để tạo điều kiện cho các ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa.

Phát triển mạnh nghiên cứu khoa học còn góp phần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đưa các kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp, giữa lý thuyết và thực tiễn, làm tăng giá trị đóng góp của các trường đại học đối với cộng đồng.

Chuyển giao công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối tri thức học thuật từ các trường đại học với nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Đây là quá trình mang tính chiến lược, không chỉ giúp đưa các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn mà còn tạo ra những giá trị mới, thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong cả môi trường học thuật và kinh doanh. Với các trường đại học, chuyển giao công nghệ là cơ hội để khẳng định vị thế nghiên cứu, chứng minh tính ứng dụng và hiệu quả của những công trình khoa học. Những sáng kiến và giải pháp công nghệ từ các phòng thí nghiệm được hiện thực hóa trong sản xuất, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế và tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Quá trình này cũng giúp các nhà nghiên cứu tiếp cận sâu hơn với những thách thức thực tế, từ đó định hướng cho các nghiên cứu sau này trở nên thiết thực và phù hợp hơn với nhu cầu xã hội. Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Minh Thụ - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi chia sẻ, việc hợp tác trong chuyển giao công nghệ đã phát huy thế mạnh của mỗi trường và thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng ngừa và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương.

Đối với doanh nghiệp, việc hợp tác với các trường đại học thông qua hoạt động chuyển giao công nghệ mang lại lợi ích rõ rệt. Các doanh nghiệp không chỉ tiếp nhận được những công nghệ tiên tiến mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ áp dụng những giải pháp khoa học hiện đại. Đồng thời, thông qua quá trình này, các doanh nghiệp có thể hợp tác với các chuyên gia hàng đầu, tận dụng tri thức và kinh nghiệm để phát triển những sản phẩm hoặc dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hoạt động chuyển giao công nghệ cũng là tiền đề để xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa đại học và doanh nghiệp. Các dự án nghiên cứu chung, các chương trình thực tập dành cho sinh viên hay các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động đều là những ví dụ cụ thể cho sự gắn kết chặt chẽ này. Đây không chỉ là một sự hợp tác đơn thuần, mà còn góp phần tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, nơi các ý tưởng mới liên tục được hình thành và phát triển.

Để thúc đẩy hiệu quả hoạt động chuyển giao công nghệ, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, đầu tư vào hạ tầng nghiên cứu hiện đại, cùng sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan. Chính phủ, trường đại học và doanh nghiệp cần cùng nhau xây dựng một môi trường hợp tác minh bạch, chuyên nghiệp, nơi các kết quả nghiên cứu được ứng dụng hiệu quả và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển giao công nghệ không chỉ là cầu nối giữa học thuật và thực tiễn mà còn là chìa khóa để giải quyết các vấn đề lớn của xã hội hiện đại. Thông qua việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững, cả đại học và doanh nghiệp sẽ cùng tiến xa hơn trong hành trình đổi mới và phát triển.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Các trường đại học tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19