Vai trò của giáo viên trong giảng dạy STEM

Để thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, việc triển khai dạy học thông qua thực hành vận dụng kiến thức vào giải quyết một vấn đề trong cuộc sống là nhiệm vụ phải được tiến hành hiệu quả thời gian tới. Triển khai giáo dục STEM đã và đang cụ thể hóa việc tạo cơ hội cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết vấn đề trong cuộc sống một cách sáng tạo, linh hoạt. Hướng dẫn hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường là một trong các xu thế của nhiều nền giáo dục tiên tiến thế giới.

STEM trong trường học là gì?

Thuật ngữ STEM là chữ viết tắt bằng tiếng Anh của bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán). Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học quốc gia Mỹ (National Science Teachers Association - NSTA) đề xuất khái niệm giáo dục STEM (STEM education) với cách định nghĩa ban đầu như  sau: Giáo dục STEM là cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào trong các bối cảnh cụ thể giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và cùng với đó có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới.

Học sinh trải nghiệm sảm phẩm STEM tại ngày hội giáo dục STEM.

Mục đích của giáo dục STEM là tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất, năng lực để thích nghi với cuộc sống ở thế kỷ 21, như các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Giáo dục STEM cũng giúp các em phát triển các năng lực chuyên môn ở dạng tích hợp; khơi gợi niềm say mê học tập cho học sinh và giúp các em khám phá tiềm năng của bản thân. Đây là những lợi ích đối với học sinh khi triển khai giáo dục STEM trong nhà trường, phù hợp xu thế phát triển giáo dục các nước và chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay ở Việt Nam.

Ở Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã từng bước đưa STEM vào trường học. Trong đó bắt đầu từ cách tiếp cận phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 và được thiết kế theo hướng mở. Nhà trường và giáo viên được phép thực hiện tích hợp, thiết kế điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tế, miễn sao đạt được yêu cầu của chương trình. Trong thời gian qua, qua kiểm tra thực tiễn cho thấy, các địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai hoạt động giáo dục STEM. Giáo dục STEM đã bắt đầu định hình trong kế hoạch giáo dục nhà trường, giúp học sinh có tiết học thú vị, bổ ích và khơi gợi được khả năng sáng tạo.

Giáo viên cần có khả năng xây dựng các chủ đề gắn với thực tiễn

Thực tế cho thấy, triển khai bất kỳ một hoạt động giáo dục nào nói chung hay giáo dục STEM nói riêng thì vai trò của đội ngũ giáo viên là rất quan trọng. Trong nhiều năm, Bộ GDĐT đã có sự chuẩn bị cơ bản về đội ngũ và thí điểm các phương pháp giảng dạy STEM trong nhà trường. Theo đó, giáo viên, tổ/nhóm chuyên môn được giao quyền chủ động xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn gắn với các vấn đề thực tiễn. Đã có nhiều chủ đề dạy học theo hướng trên được giáo viên xây dựng và thực hiện một cách có hiệu quả. Một số Sở GDĐT đã có những hướng dẫn để các trường triển khai giáo dục STEM nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức khoa học gắn liền với ứng dụng trong thực tiễn ở bậc Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Theo đó, từ năm học 2024-2205, tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà trường phổ thông tổ chức 3 hình thức dạy học STEM là: dạy học các môn học khoa học theo bài học STEM; Tổ chức hoạt động trải nghiệm STEM; Tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Trong đó, dạy học các môn khoa học theo bài học STEM là hình thức tổ chức giáo dục STEM chủ yếu trong trường trung học. Giáo viên thiết kế các bài học STEM để triển khai trong quá trình dạy học các môn học thuộc Chương trình GDPT 2018 theo hướng tiếp cận tích hợp nội môn hoặc tích hợp liên môn.

Ở bậc học tiểu học, STEM được triển khai từ năm học 2023-2204 trong cả nước. Hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường tiểu học được Bộ Giáo dục và Đào taọ hướng dẫn khi giáo viên dạy các môn có trong chương trình nhưng theo cách tiếp cận của giáo dục STEM, biến những tiết học bằng nhiều phương thức thông qua tiếp cận giáo dục STEM. Đây là nhiệm vụ bắt buộc mà giáo viên dạy môn học phải có trách nhiệm thực hiện. Cơ sở giáo dục cần cụ thể hóa trong kế hoạch giáo dục nhà trường, môn học. Cùng với đó, giáo viên là người tổ chức cho học sinh những tiết trải nghiệm về STEM để học sinh có cơ hội khám phá, sáng tạo, hứng thú, hình thành sự đam mê và năng lực của bản thân.

Như vậy, có thể thấy giáo dục STEM ở bậc tiểu học hay trung học thì vài trò của giáo viên là vô cùng quan trọng. Đối với cấp tiểu học, để chuẩn bị cho một tiết hoc STEM Giáo viên phải phối hợp với phụ huynh học sinh chuẩn bị các nguyên vật liệu phục vụ cho tiết học, phải mày mò thực hiện sản phẩm trước để biết và lường được những khó khăn, tình huống mà học sinh có thể gặp phải trong tiết học để hỗ trợ và tư vấn các em kịp thời. Trong tiết học, giáo viên cần theo sát hoạt động của học sinh và đặc biệt phải chủ động và làm chủ về thời gian, điều chỉnh hưng phấn của học sinh vì các em rất thích và hồ hởi với các tiết học có hoạt động STEM.  Chuẩn bị cho tiết học vất vả nhưng khi nhìn thấy các em say mê, cuốn hút vào hoạt động và đặc biệt niềm cảm xúc vỡ òa của các em đối với sản phẩm tự làm ra, bao nhiêu vất vả khi chuẩn bị tiết học của giáo viên hoàn toàn tan biến. Mới thực hiện dạy STEM nên đôi khi giáo viên còn nhiều lúng túng, học sinh chưa có nhiều kĩ năng khi hoạt động, vận dụng kiến thức liên môn. Tuy nhiên, nếu áp dụng thường xuyên hoạt động STEM thì học sinh sẽ rất thích và giáo viên cũng sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn khi giảng dạy.

Giáo dục STEM không chỉ là phương pháp giảng dạy, mà còn là cầu nối giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống, phát triển năng lực sáng tạo, tư duy phản biện và kỹ năng hợp tác – những phẩm chất thiết yếu của công dân thế kỷ 21. Trong hành trình triển khai giáo dục STEM, vai trò của giáo viên là yếu tố cốt lõi, mang tính quyết định thành công của hoạt động này. Giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người thiết kế các bài học, tổ chức hoạt động trải nghiệm và hướng dẫn học sinh khai phá tiềm năng của bản thân. Họ chính là người truyền cảm hứng, giúp học sinh hứng thú với các môn học và khơi gợi niềm đam mê sáng tạo thông qua những trải nghiệm thực tế. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng của giáo viên trong từng bài học, từ khâu thiết kế nội dung, tổ chức thực hiện, đến hỗ trợ học sinh giải quyết khó khăn, chính là minh chứng cho vai trò không thể thay thế của họ trong giáo dục STEM. Dù còn nhiều thách thức trong việc áp dụng phương pháp này, giáo viên đã và đang chứng minh tinh thần đổi mới, sáng tạo và sẵn sàng học hỏi để mang đến những tiết học bổ ích, ý nghĩa cho học sinh. Chính từ nỗ lực không ngừng nghỉ ấy, giáo dục STEM tại Việt Nam đang từng bước phát triển, tạo tiền đề cho thế hệ trẻ thích nghi và hội nhập với xu thế giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Vai trò của giáo viên trong giảng dạy STEM tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19