Triển khai hiệu quả giáo dục QPAN trong trường học

Theo Chương trình GDPT 2018, Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học bắt buộc, giữ vai trò quan trọng trong chương trình học tập của học sinh. Triển khai giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh sao cho thiết thực, hấp dẫn người học, sát yêu cầu thực tế, mang lại hiệu quả cao... là những thách thức đặt ra cho các nhà trường, đơn vị và đội ngũ giáo viên

Vai trò của giáo dục Quốc phòng – an ninh (QPAN) trong trường học

Giáo dục QPAN cho học sinh, sinh viên được Đảng ta xác định là một bộ phận của nền giáo dục quốc dân, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện một cách chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương tới cơ sở. Nghị quyết Trung ương 3 (khoá VII) chỉ rõ: “Phải tăng cường công tác giáo dục QPAN cho toàn dân, trước hết là đối với cán bộ các cấp, các ngành của Đảng và Nhà nước và thế hệ trẻ học sinh, sinh viên”. Chính vì vậy, giáo dục QPAN có vị trí quan trọng hàng đầu trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kiểm tra thực hành tháo lắp súng. Ảnh: Lê Châu

Cô Nguyễn Thị Hoài Dung, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) cho rằng, môn học này giúp học sinh rèn luyện tác phong nghiêm túc, tinh thần đoàn kết, ý thức tổ chức kỷ luật tốt. Thông qua học lý thuyết, học sinh có hiểu biết ban đầu về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam; có kiến thức cơ bản, cần thiết về phòng thủ dân sự, kỹ năng quân sự; sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc. Giờ học thực hành trang bị cho học sinh hiểu biết và kỹ năng về đội ngũ, đội hình, các chiến thuật cũng như một số loại vũ khí, khí tài. Qua đó, học sinh biết phân biệt, sử dụng và trang bị cho mình những kỹ thuật cơ bản để phòng tránh khi kẻ thù sử dụng vũ khí tấn công. Ngoài ra, với Giáo dục quốc phòng và an ninh, học sinh được trải nghiệm kỷ luật trong môi trường quân đội, hướng các em làm việc theo nguyên tắc, kỷ cương; hoàn thiện kỹ năng sống, trưởng thành hơn.

Thầy Nguyễn Ngọc Hưng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Định (Bến Tre) nhận định, Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, ý chí kiên cường. “Đây là môn học thiết thực nhưng mang tính đặc thù cao, nội dung chuyển tải lớn trong thời gian ngắn, nên việc đổi mới phương pháp truyền thụ là yêu cầu cấp thiết, quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng dạy và học. Nhận thức sâu sắc về vai trò môn học, Trường THPT Nguyễn Thị Định luôn chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy, khơi gợi đam mê học tập, tự tin, rèn luyện kỹ năng quân sự, an ninh cho người học”, thầy Hưng nói. Cô giáo Triệu Minh Hương, Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, Nam Từ Liêm, Hà Nội thì tự hào khẳng định: “Giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Môn học này góp phần không nhỏ giúp học sinh nhận thức và hành động đúng đắn, tránh được các tệ nạn xã hội đang tồn tại và phát triển hàng ngày, hàng giờ hiện nay”.

Hiểu được vai trò của giáo dục QPAN trong trường học nên các nhà trường đã chú trọng đảm bảo đủ số giờ học cho học sinh theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 là 35 tiết/năm học. Cùng với đó, để đảm bảo chất lượng môn học, các nhà trường đã tuyển dụng giáo viên môn giáo dục QPAN. Đáng chú ý là không chỉ các trường công lập, mà ngay cả các trường ngoài công lập cũng quan tâm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên cho môn học này.

Nâng cao chất lượng dạy học QPAN

Là môn học khá đặc thù, giảng dạy Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường bên cạnh thuận lợi cũng còn không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất là điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên. Một số giáo viên hiện nay dạy QPAN là giáo viên Giáo dục thể chất được đào tạo cấp chứng chỉ QPAN nên kỹ năng thực hành động tác bị hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Cùng với đó, một số học sinh còn xem nhẹ, chưa quan tâm đến môn học, ngại khó khăn khi tập luyện nội dung học thực hành nên cũng ảnh hưởng đến kết quả bộ môn. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đặt ra yêu cầu ngày càng cao, nội dung chương trình nhiều, gây khó khăn cho đội ngũ giáo viên trong quá trình truyền tải kiến thức, năng lực, học sinh gặp khó khăn khi tiếp cận. 

Giờ học thực hành tháo lắp súng của học sinh trường THCS-THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội. (Ảnh: Hiền Kim)

Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng dạy và học môn QPAN, các trường học đã chủ động định hướng nhận thức, tư tưởng, hành động, xây dựng động cơ học tập cho học sinh. Cùng với việc chú trọng hơn nữa trong đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Nguyên tắc an toàn được quan tâm đặc biệt, không để xảy ra mất an toàn về con người, vũ khí trang bị. Ban Giám hiệu các nhà trường cũng yêu cầu giáo viên thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp theo hướng dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy thông qua trình chiếu bài giảng điện tử; lấy ví dụ minh họa sát thực tiễn gắn với lịch sử truyền thống và các hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương và đất nước.

Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục QPAN, Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Ngọc Thanh, để nâng cao chất lượng dạy và học QPAN trong nhà trường, đáp ứng yêu cầu từ chương trình GDPT 2018 thì cần phải tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng, đạt chuẩn hóa. Đây là giải pháp giữ vai trò quan trọng hàng đầu, xuyên suốt để đổi mới nâng cao chất lượng  Giáo dục QPAN. Cùng với đó, phải đổi mới nội dung chương trình giáo dục QPAN gắn với đổi mới công tác tổ chức quản lý môn học. Đây là giải pháp cơ bản để đổi mưới nâng cao chất lượng xây dựng nội dung chương trình giáo dục QPAN cho các cấp học. Cùng với đó, giáo viên cần phải đổi mới phương pháp dạy học môn QPAN theo hướng tích cực. Đây được xem làm biện pháp cốt lõi để nâng cao trình độ, phương pháp và kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên QPAN. “Đổi mới giáo dục QPAN là yêu cầu tất yếu trong sự phát triển của nền kinh tế tri thức hội nhập. Đào tạo phải gắn liền với thực tế, không xa rời thực tế. Giáo dục QPAN bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện thời bình, phải chuẩn bị nguồn nhân lực cho chiến tranh ngay trong việc xây dựng chương trình. Vì vậy, phải xây dựng chương trình nội dung phù hợp với sự phát triển của khoa học và Nghệ thuật quân sự Việt Nam trong tình hình mới”, Thiếu tướng Trần Ngọc Thanh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục QPAN, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định.

Đối với thế hệ trẻ học sinh, sinh viên; ngoài việc nâng cao dân trí về quốc phòng, giáo dục QPAN góp phần giáo dục chính trị, tư tưởng sâu sắc, hình thành ý thức quốc phòng đúng đắn, nâng cao trách nhiệm công dân cho học sinh đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; giáo dục lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, xây dựng ý thức tổ chức kỉ luật, nếp sống tập thể, cùng với các hoạt động khác góp phần đẩy lùi tiêu cực và tệ nạn xã hội. Thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục QPAN là thể hiện niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng, pháp luật Nhà nước vào cuộc sống, thắp sáng ngọn lửa truyền thống “Dựng nước đi đôi với giữ nước” của dân tộc.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Triển khai hiệu quả giáo dục QPAN trong trường học tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19