Phát huy vai trò của Tâm lý học đường trong Chương trình GDPT 2018

Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 chính thức được áp dụng từ năm học 2020-2021. Song song với việc nâng cao chất lượng dạy và học, trú trọng về kiến thức và kỹ năng cho người học thì công tác tư vấn, hỗ trợ học sinh phát triển Tâm lý học đường cũng là vấn đề quan trọng.

Sự cần thiết của tâm lý học đường trong trường học

Môi trường học đường là nơi để học sinh rèn luyện đạo đức và tri thức, là nơi để các em trưởng thành, định hướng được tương lai mai sau của bản thân. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã xảy ra rất nhiều sự việc đau lòng liên quan đến môi trường học đường: nữ sinh đánh nhau, lột đồ của bạn, nam sinh tự tử vì áp lực thi cử, giáo viên xúc phạm và hành hung học sinh, gian lận thi cử,… Những biến cố đáng tiếc này xuất phát từ sự thiếu chú ý đến tâm lý của học sinh từ phía Nhà trường và gia đình khi họ còn ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì (Phổ thông) và năm đầu tiên của hệ đại học, cao đẳng – thời kỳ mà học sinh trải qua những biến động lớn về tâm – sinh lý và môi trường học tập. Vì vậy, việc tham vấn tâm lý học đường không chỉ giúp học sinh hiểu rõ giá trị bản thân mình mà còn đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với Nhà trường và cả xã hội.

Một giờ tư vấn tâm lý học đường cho học sinh THCS.

Một trong những điều nổi bật trong Chương trình GDPT 2018 là sự nhấn mạnh về phương pháp giáo dục phải phát huy được tính tích cực, tự giác, chủ động sáng tạo của học sinh, phù hợp với đặc trưng môn học, đặc điểm đối tượng học sinh, điều kiện của từng lớp học, bồi dưỡng cho học sinh phương pháp tự học, khả năng hợp tác” và hình thức tổ chức giáo dục “đảm bảo chất lượng giáo dục chung cho mọi đối tượng và tạo điều kiện phát triển năng lực cá nhân của HS” và “giáo viên chủ động lựa chọn vận dụng các phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục cho phù hợp với nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể”.

Từ đặc trưng của Chương trình GDPT 2018 cho thấy Tâm lý học trường học tồn tại là rất cần thiết bởi nó có vai trò và nhiệm vụ rất quan trọng. Từ những yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 xét trong mối quan hệ với nhiệm vụ của Tâm lý học trường học, có thể nhận thấy một số yêu cầu sau đây cần đảm bảo, đó là: Xác định và lượng giá năng lực học sinh; Xây dựng môi trường dạy - học thực tiễn, thực nghiệm; Phát triển kỹ năng đảm bảo an toàn cho HS; Hỗ trợ, tham vấn cho HS lựa chọn môn học tự chọn trong hoạt động học; Tổ chức động viên, hỗ trợ tâm lý học sinh trong hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục; Tư vấn định hướng nghề nghiệp, phát triển bản thân; Tham vấn cho các học sinh có khó khăn, gặp các vấn đề trong đời sống tinh thần, các học sinh có nhu cầu đặc biệt; Phối hợp với các lực lượng giáo dục, các bên có liên quan của nhà trường trung học triển khai chương trình giáo dục hiệu quả…

Phát huy vai trò của tâm lý học đường trường học

Các trường phổ thông hiện nay đã và đang có những cố gắng rất nhiều trong triể khai tư vấn tâm lý học đường cho học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải có sự nỗ lực đồng bộ của cá lực lượng có liên quan trong trường học. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì các trường học sẽ thành lập Tổ tư vấn đảm bảo đủ các thành phần như: Tổ trưởng (đại diện lãnh đạo nhà trường), từ 1-2 người tư vấn viên là cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác tư vấn tâm lý, nhân viên y tế trường học, cán bộ giáo viên phụ trách công tác Đoàn, Đội), giám sát (đại diện ca mẹ học sinh hoặc một số học sinh là cán bộ lớp, cán bộ Đoàn, Hội). Về cơ sở vật chất thì mô hình tư vấn cần phả đảm bảo có phòng tư vấn riêng, không ghép chung với các phòng chức năng khác, có hệ thống nhận diện phòng tư vấn, có kênh liên lạc độc lập, có đầy đủ vật dụng văn phòng cơ bản để hoạt động; có nguồn kinh phí được bố trí cho vận hành mô hình.

Về hình thức thực hiện thì được qua bốn bước đó là: tư vấn tâm lý thông qua các chuyên đề báo cáo độc lập hay lồng ghép trong các môn học; Thiết lập kênh thông tin để nhận ca cần hỗ trợ tư vấn; Tư vấn, tham vấn cá nhân hoặc nhóm, phân tách để tư vấn trực tiếp tại phòng tư vấn hoặc tư vấn gián tiếp qua các kênh truyền thông; Kết hợp với các trung tâm tham vấn trị liệu tâm lý, các cơ sở y tế, bệnh viên để chuyển ca sang điều trị (nếu là ca phức tạp). Cán bộ tư vấn tâm lý sẽ tập trung vào các mảng chính của học sinh hay gặp phải như: khó khăn trong học tập – hướng nghiệp (phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp, động lực học tập...); khó khăn trong giao tiếp - ứng xử và các mối quan hệ (quan hệ gia đình, quan hệ xã hội...); khó khăn trong phát triển bản thân (tâm lý lứa tuổi, sức khỏe sinh sản, cảm xúc, hành vi, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường...). Nhìn chung với các hướng dẫn này, những giáo viên đã có chứng chỉ bồi dưỡng năng lực tư vấn, có kinh nghiệm và yêu thích công việc cùng với sự giám sát chuyên môn thời gian vừa qua đã thực hiện khá tốt yêu cầu công việc.

Hoạt động học của học sinh phổ thông trong chương trình GDPT 2018 thể hiện rõ tính độc lập, tự giác, vì thế, việc hiểu chính mình là điều quan trọng. Tâm lý học trường học hỗ trợ giúp các em hiểu hơn về chính mình, thể hiện bản thân một cách chủ động. Từ việc tìm hiểu về sở trường hay năng khiếu của bản thân đến việc chọn lựa môn học và định hướng phát triển bản thân, tâm lý học trường học cần phải đáp ứng trong biên độ cho phép cũng như trong khả năng đặc trưng của mình. Song song đó, những khó khăn tâm lý khi nảy sinh sẽ được học sinh và chuyên viên tham vấn tâm lý hay giáo viên tư vấn kiêm nhiệm cùng tháo gỡ, giúp đỡ, nâng đỡ.

Đối với hoạt động giáo dục, chương trình GDPT 2018 xác định rõ năng lực định hướng nghề nghiệp và yêu cầu cần đạt cụ thể về giáo dục hướng nghiệp trong môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đặc điểm, tính chất của môn học nhằm giúp học sinh chủ động và phát triển. Tâm lý học trường học sẽ thể hiện khả năng đặc thù của mình khi cùng đồng hành với giáo viên thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp. Với sự quan tâm về định hướng phát triển, khả năng, tiềm lực, hứng thú nghề nghiệp, sở thích nghề nghiệp, giáo viên kiêm nhiệm hay người làm tâm lý học trường học có thể mang đến các dữ liệu khách quan, phối hợp với các lực lượng khác trong nhà trường hoạt động một cách hiệu quả.

Đối với bậc tiểu học, Chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm được tổ chức cho học sinh với nhiều hình thức thú vị, hấp dẫn. Người làm tâm lý học trường học có thể cùng đồng hành và hỗ trợ thực hiện các dạng thức: chào cờ đầu tuần, sinh hoạt lớp (có thể lựa chọn) và giờ trải nghiệm ở học sinh tiểu học. Với học sinh THCS, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp đòi hỏi không chỉ giáo viên phụ trách hoạt động giáo dục này (dù đội ngũ này đang được đào tạo - bồi dưỡng), người làm tâm lý học trường học có thể khai thác các công cụ trắc nghiệm và một số công cụ khác để tìm hiểu học sinh, định hướng nghề nghiệp và tổ chức giáo dục hướng nghiệp. Còn với học sinh THPT, học sinh cần lắm được tổ chức các hoạt động trải nghiệm trong hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp có chiều sâu và gắn kết với tương lai của các em. 

Theo đó, đánh giá chung sau gần 5 năm triển khai Chương trình GDPT 2018 và những bước chuẩn bị về đội ngũ chuyên viên tâm lý học đường và giáo viên kiêm nhiệm làm công tác tư vấn hỗ trợ học sinh đã đặt những nền tảng vững chắc cho tâm lý học trường học phát triển theo định hướng chung và hỗ trợ đắc lực cho việc thực hiện chương trình GDPT 2018. 

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Phát huy vai trò của Tâm lý học đường trong Chương trình GDPT 2018 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19