Giáo dục Thường xuyên nỗ lực thực hiện Chương trình GDPT 2018

Năm học 2024-2025, là năm học thứ ba Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được thực hiện đồng thời đối với giáo dục Thường xuyên (GDTX). Quá trình triển khai dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các cơ sở GDTX trong cả nước đã nỗ lực phấn đấu thực hiện có hiệu quả những quan điểm và định hướng mới của Chương trình GDPT 2018, góp phần thực hiện chương trình theo đúng lộ trình.

Vai trò của GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân

Luật Giáo dục 2019 quy định hệ thống giáo dục quốc dân là hệ thống giáo dục mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, giáo dục thường xuyên là một hệ thống cấu thành của hệ thống giáo dục quốc dân với hệ thống 19.391 cơ sở giáo dục thường xuyên gồm: Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Học tập cộng đồng và các Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên. Trung tâm thực hiện các chương trình giáo dục thường xuyên gồm: Chương trình xóa mù chữ; chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ; chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp; chương trình giáo dục thuộc chương trình để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân. Thực hiện Chương trình GDPT 2018, GDTX cũng đồng bộ triển khai thực hiện các nội dung theo tinh thần của Nghị quyết 29/NQ/TW. Bên cạnh đó, Chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu người học và các Chương trình bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ban hành đáp ứng yêu cầu học tập suốt đời của người dân.

Theo thống kê, hiện tại cả nước có 92 trung tâm GDTX, 526 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX; số phòng học và phòng chức năng tại các trung tâm GDTX, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX là 10.658; phòng thí nghiệm, thư viện, máy tính là 4.438. Về cơ bản, điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đã đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học các chương trình GDTX. Trung tâm GDTX và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX có vai trò quan trọng trong việc xây dựng xã hội học tập. Trung tâm không chỉ cung cấp cơ hội học tập cho mọi đối tượng mà còn giúp nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường học tập suốt đời, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. Các Trung tâm GDTX không chỉ cung cấp cơ hội học tập cho mọi đối tượng mà còn giúp nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, tạo ra môi trường học tập suốt đời, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội.

Một buổi học của học viên tại TT Giáo dục NN-GDTX quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, tính riêng trong năm học 2023-2024, cả nước đã huy động được 90.508 học viên tham gia các lớp xóa mù chữ, tăng gần 2,8 lần số học viên so với năm học trước, trong đó, học viên là người dân tộc thiểu số chiếm 93,73%. Năm học 2023-2024, số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm GDTX, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - GDTX là 23.677.962 lượt người học (tăng 7.266.436 lượt người học so với năm học 2022-2023). Các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX đã đáp ứng nhu cầu học tập, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho khoảng hơn 1.187.701 lượt người học. Cùng với đổi mới Giáo dục phổ thông 2018, GDTX cũng đồng bộ triển khai thực hiện Chương trình GDTX tương ứng với các cấp học của Chương trình phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29/NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”

Giáo dục Thường xuyên vượt khó thực hiện Chương trình GDPT 2018

Căn cứ mục tiêu giáo dục và yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực cho học viên theo từng môn học trong Chương trình GDPT 2018, các đơn vị khối GDTX chủ động, linh hoạt sử dụng các phương pháp dạy học tích cực để phát huy năng lực của người học; đa dạng hình thức tổ chức dạy học; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá sự tiến bộ của từng học viên; điều chỉnh các hoạt động dạy học, quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trong bối cảnh chung nhiều khó khăn song Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp tỉnh Nghệ An đã có nhiều giải pháp để đạt được nhiều kết quả quan trọng, theo ông Trần Lam Sơn - Giám đốc Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp tỉnh Nghệ An, kết quả đó xuất phát từ một số yếu tố như: Tư duy năng động, hành động quyết liệt, tạo đồng thuận trong nội bộ, nhạy bén với nhu cầu của người học, hiện đại hóa điều kiện dạy học, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý và phục vụ, tối ưu hóa các hình thức truyền thông, quảng bá… Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết: Hiện nay trên địa bàn thành phố có 29 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX do các quận huyện quản lý. Số lượng học viên ngày càng tăng. Nếu như năm học 2022-2023 chỉ có 30 nghìn, năm học 2023-2024 đã tăng lên 40 nghìn và năm học này có 53 nghìn học viên. Hiện nay các trung tâm thừa giáo viên dạy nghề do Chương trình GDPT 2018 không còn chương trình dạy nghề. Nhu cầu học tập lớn nhưng việc phân cấp thì đầu tư chưa được tập trung. Nhiều Trung tâm không có biên chế giáo viên do chưa có quy định cụ thể.

Ông Trần Văn Tiến, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - GDTX Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết: Trong điều kiện làm việc còn nhiều khó khăn, áp lực lớn, nhưng đội ngũ giáo viên đã chủ động, linh hoạt cao về áp dụng phương pháp, cách thức giảng dạy phù hợp. Theo đó, tìm hiểu các phương pháp truyền thụ kiến thức tích cực theo hướng giao nhiệm vụ cho học viên; thường xuyên nghiên cứu, tổ chức các hoạt động giáo dục trong phạm vi lớp học, tiết học; dành nhiều thời gian trên lớp cho học viên luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận; bảo đảm cân đối giữa trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng và định hướng thái độ, hành vi cho học viên, phù hợp với định hướng giáo dục của Chương trình GDPT 2018. Mặc dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thiếu giáo viên dạy văn hoá ở một số môn học, hạn chế về cơ sở vật chất phục vụ cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục và thực hành, năng lực học tập của nhiều học viên còn hạn chế, song do có sự chủ động nên các đơn vị cơ bản vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục theo yêu cầu đầu ra của Chương trình GDTX theo Chương trình GDPT 2018.

Rõ ràng, xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu học tập ngày càng đa dạng. Do đó, vị trí của GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân càng trở nên quan trọng. Vì vậy, các Trung tâm GDTX cần điều chỉnh nhận thức về công việc của mình. Hệ thống chính sách từ Trung ương đến địa phương và các trung tâm cần phải đồng bộ, có kế hoạch để đổi mới hoạt động này nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tương lai.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Giáo dục Thường xuyên nỗ lực thực hiện Chương trình GDPT 2018 tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19