Tác động của phương pháp Dạy học tích cực đối với sự chủ động và sáng tạo của học sinh

Phương pháp dạy học tích cực là cách tiếp cận giáo dục hiện đại, đặt học sinh vào vị trí trung tâm của quá trình học tập. Thay vì truyền đạt kiến thức một chiều, giáo viên đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ và khuyến khích học sinh chủ động tìm tòi, khám phá. Đây là một trong những điểm nhấn quan trọng trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018, nhằm phát triển năng lực toàn diện của học sinh, đặc biệt là năng lực tư duy sáng tạo và tinh thần tự học.

Dạy học tích cực giúp học sinh tập trung tiếp thu kiến thức tốt hơn.

Dạy học tích cực là gì?

Dạy học tích cực là một phương pháp giáo dục hiện đại, trong đó học sinh đóng vai trò trung tâm của quá trình học tập, còn giáo viên là người tổ chức, hướng dẫn và hỗ trợ. Thay vì tiếp thu kiến thức một cách thụ động từ giáo viên, học sinh được khuyến khích tham gia vào các hoạt động học tập mang tính tương tác, tự tìm hiểu, khám phá, và ứng dụng kiến thức vào thực tế. Phương pháp này chú trọng phát triển các năng lực cốt lõi như tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, và kỹ năng giao tiếp, đồng thời giúp học sinh hình thành thói quen học tập suốt đời. Dạy học tích cực đã đưa học sinh trở thành trung tâm của mọi hoạt động giáo dục, học sinh tự tìm tòi kiến thức, chủ động tham gia vào quá trình học. Ở các tiết học, học sinh được thường xuyên làm việc nhóm, thảo luận và trao đổi ý tưởng với nhau tạo nên sự tương tác rất lớn trong giờ học.

Không những thế, phương phháp dạy học tích cực nếu thực hiện tốt sẽ gắn lý thuyết với thực tiễn, giúp học sinh kết nối với các vấn đề thực tiễn, từ đó học sinh hiểu rõ ý nghĩa và ứng dụng của kiến thức. Từ đó, khuyến khích sự sáng tạo của học sinh, trong giờ học, học sinh chủ động phát biểu và “thử nghiệm” ý tưởng của mình và tìm ra các giải pháp mới cho một vấn đề. Dạy học tích cực bao gồm nhiều phương pháp như: dạy học theo dự án, dạy học theo tình huống, thảo luận nhóm, đóng vai, và học qua trải nghiệm, giúp phát triển năng lực toàn diện của học sinh. Đây là định hướng quan trọng trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018.

Học sinh chủ động tiếp thu kiến thức

Điều đầu tiên có thể nhận thấy trong sự thay đổi của học sinh từ phương pháp dạy học tích cực đó là khơi dậy tinh thần tự học của học sinh. Phương pháp dạy học tích cực khuyến khích học sinh tự tìm hiểu và khám phá, thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào giáo viên. Chẳng hạn, với phương pháp dạy học dự án, học sinh được giao nhiệm vụ giải quyết một vấn đề cụ thể. Điều này buộc các em phải tự nghiên cứu tài liệu, tìm kiếm thông tin và lên kế hoạch thực hiện dự án. Quá trình này rèn luyện tinh thần tự học và khả năng chịu trách nhiệm cho chính việc học của mình.

Nhiều nghiên cứu cho thấy học sinh áp dụng phương pháp tự học thường có kết quả cao hơn trong các kỳ kiểm tra, đồng thời thể hiện thái độ học tập tích cực hơn. Một ví dụ điển hình là tại Trường THPT Lê Quý Đôn, Hà Nội, giáo viên đã áp dụng dạy học dự án trong môn Sinh học, cho phép học sinh nghiên cứu các giải pháp bảo vệ môi trường. Kết quả, các em không chỉ nắm vững kiến thức mà còn tự đề xuất được những ý tưởng sáng tạo và thực tế. Nếu như trước đây, học sinh ngồi trong lớp đôi khi sẽ thụ động tiếp thu kiến thức, thì với phương pháp dạy học tích cực các hoạt động nhóm, thảo luận hoặc đóng vai trong phương pháp dạy học tích cực giúp học sinh chủ động tham gia vào bài học. Thay vì chỉ lắng nghe thụ động, học sinh được khuyến khích đặt câu hỏi, bày tỏ ý kiến và tranh luận. Trong quá trình học, học sinh được khuyến khích suy nghĩ đa chiều và đánh giá các ý tưởng khác nhau. Phương pháp thảo luận nhóm, chẳng hạn, tạo điều kiện để các em tranh luận, so sánh và đưa ra kết luận. Điều này giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tư duy phản biện, một yếu tố quan trọng để thành công trong thời đại số hóa và hội nhập quốc tế.

Khơi dậy tinh thần sáng tạo của học sinh

Một trong những điểm mạnh của phương pháp dạy học tích cực là cho phép học sinh tự do sáng tạo. Thông qua các dự án hoặc bài tập mở, học sinh được khuyến khích đề xuất ý tưởng mới mẻ và thể hiện khả năng của mình theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, trong môn Mỹ thuật, thay vì yêu cầu học sinh vẽ theo một mẫu cố định, giáo viên có thể đặt ra một chủ đề mở như "Mơ ước của em trong tương lai." Điều này giúp học sinh thỏa sức sáng tạo và thể hiện bản thân qua những cách độc đáo.

Phương pháp học tích cực không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn khuyến khích học sinh áp dụng kiến thức vào thực tế. Các hoạt động như dạy học theo tình huống hoặc thực hành trải nghiệm giúp học sinh sáng tạo ra các giải pháp thực tiễn. Chẳng hạn, trong môn Hóa học, giáo viên có thể yêu cầu học sinh sáng chế các sản phẩm thân thiện với môi trường như xà phòng handmade hoặc dung dịch rửa tay tự nhiên. Những bài tập này không chỉ kiểm tra khả năng vận dụng kiến thức mà còn kích thích óc sáng tạo của học sinh. Một trong những điểm mới của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là tích hợp các môn học để tạo ra các sản phẩm sáng tạo. Ví dụ, học sinh có thể kết hợp kiến thức Toán, Công nghệ và Mỹ thuật để thiết kế mô hình nhà tiết kiệm năng lượng. Cách tiếp cận liên môn này không chỉ làm giàu trí tưởng tượng của học sinh mà còn giúp các em nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn.

Mặc dù có nhiều lợi ích, tuy nhiên, việc triển khai phương pháp dạy học tích cực cũng gặp không ít khó khăn. Theo đó, giáo viên cần thay đổi tư duy xây dựng bài giảng theo lối mòn. Cùng với đó, các phương pháp giảng dạy mới cần nhiều thời gian chuẩn bị và yêu cầu cơ sở vật chất hiện đại, điều này gây khó khăn cho các trường ở những vùng khó khăn. Đòng thời, sự chênh lệch về khả năng tiếp thu của học sinh cũng là một vấn đề khiến cho giáo viên đôi khi khó kiểm soát và đánh giá hiệu quả giảng dạy. Có thể thấy, phương pháp dạy học tích cực đã và đang mang lại những thay đổi tích cực đối với sự chủ động và sáng tạo của học sinh. Đây là hướng đi đúng đắn để xây dựng một thế hệ học sinh tự tin, sáng tạo, và có khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn. Tuy nhiên, để phát huy tối đa hiệu quả của phương pháp này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo viên, nhà trường và phụ huynh. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ về đào tạo giáo viên và nâng cấp cơ sở vật chất cũng cần được quan tâm. Chỉ khi đó, phương pháp dạy học tích cực mới thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho nền giáo dục Việt Nam trong thời đại mới.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Tác động của phương pháp Dạy học tích cực đối với sự chủ động và sáng tạo của học sinh tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19