Hiệu quả trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc Tiểu học

Năm học 2024-2205, là năm học thứ 5 triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đây cũng là năm học đánh dấu hoàn thành toàn bộ Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở bậc Tiểu học. Vượt qua mọi khó khăn, thách thức ban đầu, giáo dục tiểu học đã có bước phát triển, đổi mới khá toàn diện, chất lượng đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tiết học của cô trò trường Tiểu học số 1 Ia Băng, huyện Đắk Đoa, Gia Lai.

Chương trình GDPT 2018: Đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng

Ở bậc Tiểu học, năm học 2024-2025 Chương trình GDPT 2018 được triển khai đến lớp cuối cấp là lớp 5. Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chương trình GDPT 2018 đã “Tạo chuyển biến tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận”. Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy được ưu điểm là chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Thực tế ghi nhận ở 597 trường Tiểu học ở tỉnh Thanh Hóa đã cho thấy, từ khi áp dụng Chương trình GDPT 2018, các nhà trường đã thực hiện theo đúng lộ trình quy định, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng mục tiêu đổi mới. Theo ghi nhận, chất lượng giáo dục ở bậc Tiểu học nói riêng và ở tất cả các bậc học nói chung có nhiều chuyển biến rõ nét, các chỉ tiêu về chất lượng giáo dục đại trà và đánh giá về phẩm chất, năng lực học sinh đều tăng qua các năm. Giáo dục mũi nhọn luôn dẫn đầu, vượt trội, vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.

Thầy giáo Vũ Đức Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bến Sung, tỉnh  Thanh Hóa chia sẻ: Thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhà trường đã nâng cao năng lực quản lý, nắm chắc nội dung chương trình, phương pháp kỹ năng dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá, thường xuyên cùng với giáo viên tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hàng kỳ tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm quá trình thực hiện chương trình... Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động dạy học, sử dụng hồ sơ, sổ sách điện tử... nhờ đó công tác giáo dục được đổi mới toàn diện, mang lại cảm hứng, động lực dạy học cho giáo viên và học sinh. Cô giáo Phạm Thị Phương, Trường Tiểu học thị trấn Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa cho biết: Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu đặt ra đối với chương trình mới, bên cạnh việc tiếp thu nghiêm túc các mô-đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT 2018, bản thân mỗi giáo viên cũng phải tích cực đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học. Các em học sinh cũng hứng thú hơn, tự tin, chủ động trong các hoạt động học tập, nhờ đó hiệu quả giáo dục cũng được nâng lên rõ rệt.

Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), việc đổi mới phương pháp dạy học đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. Vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngày càng hiệu quả; tổ chức hoạt động học tích cực của học sinh ngày càng cao. Việc đánh giá học sinh đã chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện. Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát các hoạt động trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một dự án học tập, nghiên cứu khoa học kĩ thuật, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập. Thống kê trong cả nước cho thấy, đến hết năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 98,17% đã phản ánh thực chất chất lượng giáo dục nói chung trên bình diện toàn quốc, nhất là từ khi thực  hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Tháo gỡ khó khăn, phát huy tính ưu việt của Chương trình

Theo đánh giá từ Bộ GDĐT, những kết quả đạt được trong việc áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 quá trình vừa qua là nhờ sự cố gắng của toàn ngành, đặc biệt là tâm huyết của các đồng chí Giám đốc Sở GDĐT trong quá trình chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện tại địa phương. Trong quá trình triển khai Chương trình còn nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành đã nỗ lực khắc phục, tăng cường các điều kiện thực hiện chương trình.

Tính riêng ở bậc học Tiểu học, quy mô hệ thống mạng lưới trường, lớp phát triển; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tăng cường theo hướng kiên cố, trường đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ cán bộ, giáo viên được phát triển toàn diện; phong trào xã hội hóa giáo dục, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là điểm sáng của giáo dục cả nước. Đặc biệt, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên; chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được duy trì. Các cơ sở giáo dục Tiểu học đã xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch dạy học môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, tạo điều kiện cho HS được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục khác; đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh Tiểu học.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được cũng bộc lộ không ít khó khăn, vướng mắc cần được kịp thời tháo gỡ, đó là: Cơ sở vật chất trường lớp và thiết bị dạy học mặc dù được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu dạy và học cũng như thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Phòng học, phòng chức năng còn thiếu. Các thiết bị hiện đại được trang bị chưa nhiều. Tình trạng chậm cung ứng sách giáo khoa, thiết bị, đồ dùng dạy học còn chậm. Một số cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ tỷ lệ 1 phòng học/lớp, chưa có đủ phòng phục vụ học tập. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin chưa đồng bộ, có vùng chưa có internet; một số khu vực có internet nhưng tốc độ đường truyền thấp. Số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên còn bất cập, thiếu nhiều giáo viên so với yêu cầu do nhiều năm liền không được tuyển dụng bổ sung. Tỷ lệ giáo viên/lớp chưa đảm bảo theo quy định, chưa đủ để dạy học 2 buổi/ngày. Một bộ phận giáo viên chậm tiếp cận với chương trình, phương pháp giáo dục mới... Đặc biệt, một số địa phương thiếu trầm trọng giáo viên tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, thể dục ở bậc Tiểu học, nhất là các địa phương có số lượng học sinh lớn như: Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Thực tế này cần sớm có giải pháp tháo gỡ để Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng.

Hiền Kim

Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả trong thực hiện Chương trình GDPT 2018 bậc Tiểu học tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19