Xác định rõ công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phải phù hợp với nhận thức, trình độ và đáp ứng nhu cầu của người học đối với từng cấp học, trình độ đào tạo nên Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Ninh Bình đã quan tâm, quán triệt, chỉ đạo và tổ chức triển khai hiệu quả công tác tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên tỉnh thông qua các văn bản chỉ đạo ở từng cấp học, cử cán bộ Sở GDĐT làm đầu mối kết nối với các đơn vị trường học trong công tác khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Sở GDĐT Ninh Bình đã đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của học sinh về khởi nghiệp và chủ động tiếp cận với hệ thống hỗ trợ khởi nghiệp trong và ngoài nhà trường. 100% các nhà trường đã tuyên truyền trên website, bảng tin nhà trường, tuyên truyền đến cha mẹ học sinh… với mục tiêu truyền cảm hứng, truyền thông cho học sinh hiểu thế nào khởi nghiệp. Qua đó, nhà trường cũng biết các em có mong muốn điều gì và khi học sinh có ý tưởng dự án khởi nghiệp, nhà trường sẽ đồng hành, hỗ trợ các em thực hiện phát triển dự án,
Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm luôn có nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Ảnh: Trung tâm TTSK (MOET)
Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục, Sở GDĐT Phú Thọ luôn chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ. Bên cạnh đó, Sở GDĐT thường xuyên phối hợp với Tỉnh đoàn và các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục triển khai duy trì và hoạt động có hiệu quả các mô hình, dự án, câu lạc bộ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 98 tổ tư vấn/câu lạc bộ khởi nghiệp. Tại đây, học sinh sinh viên được bồi dưỡng kỹ năng học tập và khởi nghiệp thông qua các hoạt dộng sinh hoạt thường xuyên do các ban/câu lạc bộ, đội nhóm về học tập và khởi nghiệp; tổ chức các cuộc giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng về nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp.; tạo được sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần nâng cao trình độ học tập, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong nhà trường.
Chia sẻ về hoạt động khởi nghiệp, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa cho biết: Xu hướng khởi nghiệp đang được cả xã hội quan tâm và việc tạo ra một mô hình Hệ sinh thái khởi nghiệp, phổ thông, đại học, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của một quốc gia. Mối quan hệ giữa các phần trong hệ sinh thái này rất mạnh mẽ. Các nhà khoa học từ các tổ chức nghiên cứu có thể hợp tác với doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ, trong khi các doanh nghiệp có thể hợp tác với các trường đại học để tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề kỹ thuật hoặc kinh doanh. Công việc của hệ sinh thái này là tạo ra một môi trường mà ở đó kiến thức được chia sẻ và được khuyến khích, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển. Theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, từ cấp Tiểu học, THCS lên tới THPT, vai trò hệ sinh thái là cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho học sinh được trải nghiệm và làm quen với những cơ sở giáo dục, những hoạt động mang tính hướng nghiệp và trải nghiệm. Lên tới bậc Đại học, Hệ sinh thái đóng vai trò hoàn toàn khác, tiếp nối chương trình hướng nghiệp ở cấp phổ thông, sinh viên đại học bắt đầu tham gia những “sân chơi lớn’ mang tinh thần khởi nghiệp hiệu quả. Tại đây, các em được học tập và nhận được sự dìu dắt từ những người hướng dẫn uy tín, được học tập trong môi trường với trang thiết bị hiện đại… Từ đó, chúng ta thấy được việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên từ cấp phổ thông lên tới đại học là vô cùng quan trọng, thiết thực, phù hợp với học sinh, sinh viên ở từng lứa tuổi.
Theo Bộ GDĐT, thực hiện Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, Bộ GDĐT đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục và đào tạo. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đại học ban hành quy định hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo dành cho giảng viên và người học góp phần phát triển và hình thành văn hóa khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Cả nước có gần 30% cơ sở giáo dục đại học hình thành và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp của đơn vị, 90% trong số đó tham gia các mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học khác phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Hiện nay, bình quân mỗi cơ sở giáo dục đại học hợp tác với khoảng 60 doanh nghiệp trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu. Một bộ phận doanh nghiệp đã chủ động liên kết với các cơ sở đào tạo để tìm kiếm nhân lực, đặt hàng nhân lực chất lượng cao và đồng hành cùng nhà trường trong quá trình đào tạo. Có 60% trường đại học đã thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên dựa trên thế mạnh của các cơ sở đào tạo; 50 cơ sở đào tạo đã thành lập trung tâm hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp...
Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên hằng năm luôn có nhiều hoạt động mang ý nghĩa thiết thực. Năm 2024, tại ngày hội đã diễn ra nhiều hoạt động như: Chuỗi các diễn đàn, hoạt động tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh; trưng bày các sản phẩm khởi nghiệp tại các gian hàng; chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI; diễn đàn kết nối mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo các trường đại học, cao đẳng; diễn đàn truyền cảm hứng khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Kim Chi, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã thu hút đông đảo cơ sở giáo dục, các em học sinh, sinh viên và cộng đồng các doanh nghiệp tham gia. Tất cả học sinh, sinh viên đã tập trung thể hiện bản lĩnh, sức trẻ, nêu cao tinh thần đổi mới sáng tạo, tinh thần vì cộng đồng, vận dụng các kiến thức, kỹ năng để đưa ra sáng kiến, giải pháp giải quyết vấn đề của cộng đồng, của xã hội và hình thành nên những ý tưởng sáng tạo.
Những dự án khởi nghiệp mang tính đột phá không chỉ để tham dự cuộc thi này mà còn nhằm mang lại những giá trị hữu ích cho bản thân, cộng đồng và xã hội. Năm 2024, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” đã thu hút 707 bài dự thi, trong đó có 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết. Kết quả, Ban tổ chức đã trao 10 giải nhất, 20 giải nhì, 30 giải ba, 20 giải khuyến khích cho những ý tưởng, bài dự thi xuất sắc. Bộ GDĐT mong muốn, thông qua cuộc thi, các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư sẽ quan tâm và tiếp tục hỗ trợ các dự án để học sinh, sinh viên có thể nuôi dưỡng ước mơ khởi nghiệp của mình...
Thời gian tới, Bộ GDĐT sẽ phối hợp các đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; rà soát, sửa đổi, cập nhật, ban hành và đề ra các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho học sinh, sinh viên gắn với hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hướng nghiệp. Mặt khác, ngành giáo dục cũng triển khai tổ chức các chương trình giáo dục gắn với các hoạt động thực tiễn nhằm từng bước nâng cao tinh thần làm chủ, thúc đẩy văn hóa khởi nghiệp để học sinh sớm hình thành ý chí tự thân lập nghiệp; thúc đẩy các cơ sở giáo dục đại học triển khai có hiệu quả các quy định về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hợp tác nhà trường và doanh nghiệp, hợp tác quốc tế nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong cơ sở giáo dục và đào tạo.
Minh Phong