Đổi mới giáo dục phổ thông: Triển khai đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng

Năm học 2024 – 2025 là năm học đầu tiên thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở tất cả các cấp học của giáo dục phổ thông. Trong đó, ở cấp trung học, Chương trình lần đầu tiên được triển khai ở các khối lớp 9, lớp 12. Nhìn lại chặng đường năm học vừa qua, giáo dục trung học ghi nhận nhiều kết quả tích cực, là nền tảng vững chắc để tiếp tục triển khai Chương trình mới trong năm học này.

Thực hiện hiệu quả, đúng mục tiêu đổi mới

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tại Hội nghị Giám đốc Sở GDĐT năm 2024 cho biết: Năm học 2023 – 2024, Chương trình GDPT 2018 với nhiều điểm mới đã được triển khai đồng bộ với đầy đủ các môn học, họa động giáo dục trên phạm vi cả nước. Việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả, phát huy ưu điểm là chuyển từ dạy học truyền thụ kiến thức, dạy học, kiểm tra, đánh giá thi theo nội dung sách giáo khoa sang dạy học phát triển phẩm chất năng lực học sinh, sách giáo khoa cụ thể hóa nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình theo cách khác nhau. Việc dạy học sử dụng sách giáo khoa là phương tiện, học liệu để tổ chức cho học sinh học tập. Chương trình được triển khai ở tất cả các địa phương, nhà trường theo đúng lộ trình quy định, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng mục tiêu đổi mới.

Việc tổ chức dạy học các môn học mới, các trường đã chủ động xây dựng kế hoạch nhà trường phù hợp với đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Phân phối chương trình các môn học, hoạt động giáo dục đã được các tổ chuyên môn xây dựng chủ động điều chỉnh về nội dung, thời lượng phù hợp với đối tượng học sinh.

Việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học các môn học mới, nhất là các môn tích hợp đã từng bước được khắc phục được khó khăn do các giáo viên hiện hành chưa đáp ứng yêu cầu đảm nhận toàn bộ môn học. Đến nay, khó khăn vướng mắc trong việc phân công giáo viên và tổ chức các môn học này đã cơ bản được tháo gỡ sau kho Bộ GDĐT ban hành Công văn 5636/BGDĐT-GDTrH ngày 10/10/2023 về việc xây dựng kế hoạch dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa” đã được triển khai hiệu quả. (Ảnh: MOET)

Việc đổi mới phương pháp dạy học đã được thực hiện ở tất cả các cơ sở giáo dục. vai trò chủ động của học sinh được phát huy. Giáo viên năng động, tích cực hơn trong từng giờ dạy, thể hiện vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng hoạt động học của học sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học ngày càng hiệu quả, tổ chức hoạt động học tích cực của học sinh ngày càng cao. Việc đánh giá học sinh đã chuyển dần từ tập trung vào kết quả và xếp loại theo chuẩn kiến thức sang xem xét quá trình học tập, đánh giá sự tiến bộ, khả năng và phẩm chất của học sinh một cách toàn diện. Thực hiện đánh giá thường xuyên đối với tất cả học sinh bằng các hình thức khác nhau như đánh giá qua quan sát học tập trên lớp; đánh giá qua hồ sơ học tập, vở hoặc sản phẩm học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một sự án học tập; đánh giá qua việc học sinh báo cáo kết quả thực hiện một sự án học tập, nghiên cứu khoa học kỹ thuât, báo cáo kết quả thực hành, thí nghiệm; đánh giá qua bài thuyết trình về kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập.

Kết quả thực hiện Chương trình cho thấy học sinh mạnh dạn, tự tin, dám thể hiện quan điểm và có nhiều kỹ năng vượt trội, nhất là chủ động tiếp nhận nhiệm vụ của giáo viên, khả năng làm việc nhóm được cải thiện và giúp học sinh vận dụng kiến thức đã được học vào thực tế nhiều hơn. Qua triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018, học sinh đã tiếp thu tương đối tốt và phát huy được năng lực của bản thân, mạnh dạn, tự tin trong học tập, giao tiếp trong cuộc sống.

Tổng hợp kết quả từ các địa phương đánh giá cuối các năm học từ năm học 2020 – 2021 đến nay cho thấy tất cả các cơ sở giáo dục đã hoàn thành Chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh đảm bảo theo chuẩn đầu ra, đạt yêu cầu cần đạt, có một số điểm nổi trội hơn so với Chương trình GDPT 2006. Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành. để đạt được những kết quả trên là nhờ sự cố gắng của toàn ngành, các địa phương trong quá trình chuẩn bị các điều kiện và tổ chức thực hiện tại địa phương. Khắc phục mọi khó khăn để tăng cường các điều kiện thực hiện chương trình; tổ chức tốt việc chọn lựa sách giáo khoa; tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa; phối hợp với các nhà xuất bản cung ứng sách giáo khoa kịp thời, đầy đủ tới tất cả học inh, đáp ứng yêu cầu triển khai thực hiện chương trình. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các địa phương luôn bám sát tình hình, phát hiện những khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Bộ GDDT để hướng dẫn và giải quyết. Nhờ đó, trong quá trình triển khai, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản tháo gỡ khó khăn về phân công giáo viên, tổ chức dạy học và kiếm tra, đánh giá, nhất là các môn học mới.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả dạy học phát triển năng lực học sinh

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng thẳng thắn thừa nhận còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện Chương trình GDPT cấp trung học. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo viên vẫn chưa nhận thức đầy đủ về việc thực hiện “một chương trình nhiều sách giáo khoa” dẫn tới việc dạy học, kiểm tra, đánh giá còn năng nề về dạy nội dung sách giáo khoa, chưa phát huy được vai trò của sách giáo khoa như phương tiện để đạt được mục tiêu chương trình đề ra. Tại một số địa phương, giáo viên vẫn còn lúng túng khi học sinh chuyển môn học lựa chọn, chuyển trường giữa các trường sử dụng sách giáo khoa khác nhau. Một số địa phương, cơ sở giáo dục phân công giáo viên và tổ chức dạy các môn học, đặc biệt là những môn học mới chưa phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên như hướng dẫn của Bộ GDĐT, phân công một số giáo viên được bồi dưỡng thêm các mô đun nhưng chưa đủ năng lực và tự tin đảm nhận toàn bộ môn học…

Do vậy, Bộ GDĐT và các địa phương, các cơ sở giáo dục cần tiếp tục tập trung chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học phát triển năng lực học sinh theo yêu cầu của Chương trình; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch bài dạy; tổ chức hiệu quả việc dạy học và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của Chương trình.

Chỉ đạo thực hiện đổi mới kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu cần đạt của Chương trình. Trong quá trình dạy học và kiểm tra, đánh giá, chú trọng cho học sinh làm quen với định dạng đề thi tốt nghiệp từ năm 2025, nhất là đối với học sinh lớp 12 năm học 2024 – 2025.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương; đảm bảo đủ sách giáo khoa cho tất cả các môn học và đối tượng học sinh; có phương án in, phát hành tài liệu giáo dục địa phương.

Minh Phong

 

 

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới giáo dục phổ thông: Triển khai đúng lộ trình, đảm bảo chất lượng tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19