Có nhiều năm đứng trên bục giảng, cô giáo Hoàng Thị Hồng Minh, giáo viên Trường trung học phổ thông Thuận Thành 1, tỉnh Bắc Ninh chia sẻ: Các chính sách trong Dự thảo Luật là tin vui đối với không chỉ cô mà có tác động tích cực đến các nhà giáo trên cả nước. Mặc dù đã được quan tâm song so với biến động giá cả hàng hóa, tình hình phát triển kinh tế-xã hội, lương nhà giáo vẫn ở mức thấp trong khi công việc, trọng trách lại lớn. “Nếu có cơ chế, chính sách dành riêng cho nhà giáo, giáo viên yên tâm công tác, từ đó sẽ nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục”, cô giáo Hồng Minh bày tỏ.
Luật Nhà giáo ban hành có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo. (Ảnh: MOET)
Gắn bó với nghề giáo được 14 năm, cô giáo Doãn Thị Vân Anh, giáo viên Trường tiểu học Nghĩa Tâm (xã Nghĩa Tâm, huyện Văn Chấn, tỉnh yên Bái) cũng đang mong chờ Dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua. Cô giáo Doãn Thị Vân Anh cho biết: Tháng 7 vừa qua, lương của nhà giáo đã được tăng so với trước kia, cho nên cũng tạm đủ trang trải sinh hoạt cho bản thân. Nhưng để chăm lo cho gia đình, nuôi hai con ăn học, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, hết giờ đứng lớp là cô giáo Vân Anh lại xoay xở bán hàng online để tăng thu nhập. Vì vậy, mong Luật Nhà giáo sớm được thông qua, với nội dung cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với nhà giáo để tạo động lực, niềm tin cho đội ngũ giáo viên; thúc đẩy lòng yêu nghề, sự gắn bó, sáng tạo trong công tác giáo dục.
Với việc đối tượng điều chỉnh gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập đã cho thấy quan điểm không phân biệt nhà giáo giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập về định danh, chuẩn hóa, quyền, nghĩa vụ, chính sách đào tạo bồi dưỡng và thi đua, khen thưởng.
TS Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nghệ An cho biết: Về 6 chính sách mới, ông nhận định, dự thảo Luật đã xác lập địa vị pháp lý của nhà giáo ngoài công lập, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ đối với nhà giáo là người nước ngoài. Điều đó bảo đảm hành lang pháp lý, môi trường thuận lợi cho nhà giáo yên tâm công tác, yêu nghề và tâm huyết với nghề; đồng thời, đáp ứng được mong ước, khát vọng sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp trồng người của nhà giáo ngoài công lập.
Về chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, căn cứ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sàng lọc và xây dựng chính sách phát triển nhà giáo... Đồng thời, chuẩn nhà giáo như “chiếc gương soi” để nhà giáo tự đánh giá, rèn luyện và tự bồi dưỡng nhằm không ngừng phát triển chuyên môn nghiệp vụ của bản thân, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là công cụ quan trọng để giám sát, kiểm soát chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, chính sách này phản ánh đầy đủ đặc trưng lao động sư phạm của nhà giáo. Bởi, nhà giáo và nghề dạy học có những đặc trưng riêng, khác biệt với viên chức của các ngành, lĩnh vực khác về mục đích lao động sư phạm là phát triển phẩm chất, năng lực người học, đối tượng lao động sư phạm là người học có nhân cách đang được hình thành và phát triển, sản phẩm lao động sư phạm là người học phát triển toàn diện, tính chất lao động sư phạm là sáng tạo bậc nhất trong những nghề sáng tạo và công cụ lao động sư phạm không chỉ tri thức, kỹ năng sư phạm mà bằng cả nhân cách sống động của nhà giáo, bằng sự đối nhân xử thế và bằng sự gương mẫu của nhà giáo. “Những quy định tuyển dụng nhà giáo phù hợp với tính chất đặc thù trong lao động sư phạm của nhà giáo; việc tuyển dụng chú trọng đến năng lực chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và thực hành sư phạm. Điều đó bảo đảm cho việc tuyển dụng nhà giáo có chất lượng và phù hợp với vị trí việc làm, cơ cấu về chuyên môn, môn học…”, vị đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá.
Bộ trưởng GDĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết: Việc ban hành Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo, có chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo hiện nay; đồng thời, kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo. Dự thảo Luật Nhà giáo trình Quốc hội có 5 chính sách lớn, thể hiện trong 9 Chương, 50 Điều. Đối tượng, phạm vi áp dụng trong Dự thảo Luật Nhà giáo là nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm cả nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Mặc dù Đảng và Nhà nước rất quan tâm và quy định nhiều chế độ, chính sách dành cho đội ngũ nhà giáo với nhiều hình thức ưu đãi, thu hút, hỗ trợ giúp đội ngũ nhà giáo bảo đảm an sinh xã hội, an tâm công tác và cống hiến cho ngành, nhưng do tiềm lực kinh tế còn hạn hẹp, cho nên các chính sách ưu đãi, thu hút, hỗ trợ chưa đáp ứng được mong mỏi của nhà giáo; nhất là nhà giáo mới tuyển dụng, nhà giáo trẻ, nhà giáo mới vào nghề. Vì vậy, theo Dự thảo Luật Nhà giáo, chính sách tiền lương của nhà giáo được bố trí ưu tiên. Đây là một trong những nội dung được giáo viên quan tâm, chờ đợi.
Cụ thể, lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; nhà giáo được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Nhà giáo tiếp tục được hưởng phụ cấp thâm niên cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
Cũng theo Dự thảo, nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Đáng chú ý, nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng một bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Đối với nhà giáo công tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt; giáo dục hòa nhập; tiếng dân tộc thiểu số; tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số; nhà giáo dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật được hưởng một số chính sách hỗ trợ khác về chỗ ở tập thể hoặc thuê nhà công vụ, được thanh toán tiền tàu xe trong thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn khi nghỉ hằng năm, nghỉ ngày lễ, Tết, nghỉ việc riêng về thăm gia đình.
Hà Quỳnh