Những tiết học thú vị, sáng tạo của giáo viên tiểu học

Các tiết học không còn cung cấp kiến thức theo cách thông trường, các cô giáo đã khéo léo đưa học sinh vào bài giảng một cách tự nhiên, gần gũi, từ đó rèn luyện việc suy nghĩ tích cực để vận dụng trong cuộc sống thực tế.

Những tiết học thú vị sáng tạo

Cô Hoàng Thị Hiền Anh, giáo viên Trường Tiểu học Thủ Lệ, quận Ba Đình, Hà Nội mới đây đã tạo nên một tiết học Hoạt động trải nghiệm với chủ đề “Suy nghĩ tích cực” vô cùng độc đáo. Bằng ý tưởng mới mẻ cùng việc áp dụng công nghệ thông tin, cô đã lựa chọn một nhân vật hoạt hình để tạo ra các tình huống có vấn đề và cách giải quyết thông qua chính sự trải nghiệm của học sinh. Sau mỗi một tình huống mà học sinh thể hiện suy nghĩ, hành động, cô giáo đã khéo léo cùng các con rèn luyện việc suy nghĩ tích cực, biến những suy nghĩ tích cực đó thành những hành động tích cực để vận dụng trong cuộc sống thực tế. Qua tiết học Hoạt động trải nghiệm của cô Hiền Anh, rất nhiều thông điệp đã được gửi đến không chỉ với các con học sinh mà còn cả các thầy cô giáo, đó chính là: “Nghĩ tích cực – Sống vui tươi”.

Tiết học Hoạt động trải nghiệm của cô giáo Hoàng Thị Hiền Anh.

Còn với cô Nguyễn Thanh Lan, giáo viên dạy lớp 4A9 Trường Tiểu học Hoàng Diệu, Hà Nội, khi dạy môn Đạo đức lớp 4 với nội dung giáo dục học sinh theo các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực pháp luật và kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, cô cũng đã khéo léo biến tiết học trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh. Trong tiết dạy “Em nhận biết sự cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, bài dạy thuộc chủ đề “Cảm thông, giúp đỡ người gặp khó khăn”, cô bắt đầu với những giai điệu vui nhộn, động tác nhí nhảnh của bài hát Thỏ đi tắm nắng - tác giả Đặng Nhất Mai. Từ nội dung bài hát, giáo viên khéo léo dẫn dắt vào bài học. Thay cho việc kiểm tra bài cũ khô khan, giờ đây, tất cả các tiết học đều được các giáo viên khởi động với những hoạt động vui vẻ. Đó cũng chính là sự đổi mới mạnh mẽ được thực hiện từ khi bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. 

Đây cũng là nội dung nằm trong chuỗi hoạt động chuyên môn được xây dựng từ đầu năm học của Phòng GDĐT quận Ba Đình, Hà Nội. Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình Lê Đức Thuận, trong nhiều năm nay, công tác bồi dưỡng chuyên môn được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình được coi là nhiệm vụ trọng tâm và duy trì hiệu quả ở tất cả các nhà trường, khối lớp và các bộ môn. Các trường học trong quận Ba Đình đều được Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình chỉ đạo chuyên môn để thực hiện các tiết chuyên đề, tạo ra sự thống nhất và đồng đều về chuyên môn trong các nhà trường. Việc bồi dưỡng chuyên môn phải thiết thực, hiệu quả, các chuyên đề cần gần gũi, chân thực, sát với thực tế giảng dạy hằng ngày.

Tích cực bồi dưỡng giáo viên tiểu học

Năm học 2024-2025, ngành giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho lớp 5, 9, 12 là những khối lớp cuối cùng để thực hiện đổi mới đầy đủ, đồng bộ các môn học, hoạt động giáo dục phổ thông nên càng đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng. Ngành giáo dục và các địa phương đã triển khai công tác bồi dưỡng thường xuyên giáo viên theo đúng quy định. Năng lực sư phạm của phần lớn giáo viên được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, nhất là trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, đội ngũ giáo viên phát triển về số lượng, khắc phục dần những bất cập về cơ cấu. Kết thúc năm học 2023-2024, cả nước có 1.251.377 giáo viên mầm non, phổ thông, trong đó, tỷ lệ đạt chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục 2019 của giáo viên cấp tiểu học là 89,9%.  

Tại Hà Nội, năm học trước, UBND thành phố đã phê duyệt 31 chương trình bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn. Đối với cấp tiểu học, giáo viên sẽ được bồi dưỡng xây dựng thực hiện kế hoạch dạy học các môn học, hoạt động giáo dục; bồi dưỡng giáo viên về kiểm tra đánh giá học sinh theo định hướng phát triển năng lực; đổi mới hoạt động sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018... Các học viên cũng được tham gia bồi dưỡng về các nội dung như: Quản lý lớp học trực tuyến và sử dụng sáng tạo các công cụ chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy học; bồi dưỡng về kỹ năng và nguyên tắc sử dụng mạng xã hội an toàn, văn minh; phương pháp nâng cao năng lực nghề nghiệp, phát triển kỹ năng tạo động lực, giải quyết xung đột trong nhà trường; xây dựng trường học hạnh phúc; phương pháp tổ chức huy động cộng đồng tham gia giáo dục học sinh...

Hoạt động chia sẻ trong tập huấn chuyên môn cho giáo viên ở Thành phố Điện Biên Phủ.

Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng là hoạt động thường niên của ngành GDĐT Thành phố Điện Biên Phủ trong dịp hè. Từ ngày 7/8 đến ngày 8/8/2024, thành phố Điện Biên Phủ tổ chức lớp bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý, giáo viên Tiểu học. Trong hai ngày tập huấn, bồi dưỡng tại 11 lớp với 455 cán bộ quản lý, giáo viên đã được bồi dưỡng một số nội dung về công tác chuyên môn như: Xây dựng kế hoạch giáo dục môn học; dạy minh họa, chia sẻ quy trình, phương pháp giảng dạy một số bài theo SGK lớp 5 mới; Thảo luận, xây dựng ma trận đề kiểm tra; các giải pháp bồi dưỡng nâng cao chất lượng học sinh.

Theo ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giáo dục tiểu học là cấp học nền tảng, là tiền đề cơ sở cho các cấp học tiếp theo. Đây là một cấp học có vị trí quan trọng, là nền móng giáo dục phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh. Chính vì thế, bồi dưỡng năng lực chuyên môn và khả năng thích ứng mang tính định hướng phát triển năng lực cho các cán bộ quản lý và giáo viên tiểu học trên toàn quốc để đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ cần phải được tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả.

Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết, trong những năm qua, Bộ GDĐT đã tích cực phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương trong việc chuẩn bị, bố trí, sắp xếp và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018. Đến nay, về cơ bản đội ngũ giáo viên đáp ứng được yêu cầu triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, một số bất cập, khó khăn, vướng mắc được nhận diện như tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, thiếu nguồn tuyển dụng giáo viên một số môn học đặc thù; công tác đào tạo và đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116; công tác xác định nhu cầu và tổ chức bồi dưỡng giáo viên…

Ngoài ra, đội ngũ giáo viên chưa đồng đều về trình độ chuyên môn, chưa đáp ứng kịp thời với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhận thức của giáo viên tiểu học về công tác bồi dưỡng chuyên môn còn hạn chế, chưa đúng, chưa đủ về vị trí, vai trò của công tác này trong nhà trường. Hoặc việc tổ chức triển khai thiếu sự tuân thủ những nguyên tắc nhất định. Nội dung của việc bồi dưỡng chuyên môn nhiều khi thực hiện chưa thường xuyên, biện pháp chỉ đạo chưa mang tính khả thi... Đó là nguyên nhân thực tiễn dẫn đến kết quả công tác bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên trong các trường tiểu học còn hạn chế và cần được khắc phục.

Bài và ảnh: Thanh Nga

 

 

Bạn đang đọc bài viết Những tiết học thú vị, sáng tạo của giáo viên tiểu học tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19