Thực tiễn và kinh nghiệm giáo dục hoà nhập cho học sinh dân tộc thiểu số

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích tự nhiên cả nước với dân số chiếm 14,6%, dân cư phân tán, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn có tác động, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển giáo dục và đào tạo (GDĐT).

Nỗ lực không ngừng giáo dục hoà nhập cho học sinh dân tộc thiểu số

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc, trong những năm qua, sự nghiệp GDĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước. Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), các địa phương đã chủ động ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển GDĐT. Nhờ đó, sự nghiệp GDĐT vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có những chuyển biến đáng kể. 

Giáo viên và học sinh trường mầm non ở huyện Quan Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Thanh Nga

Tại Quảng Bình, với đặc thù đối tượng là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên học sinh khi bước vào Trường phổ thông Dân tộc nội trú gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức, kỹ năng giao tiếp, nơi ăn, chốn ở. Ðể thực hiện tốt hoạt động dạy, học, các cán bộ, giáo viên của trường luôn dành thời gian để tìm hiểu phong tục, tập quán và đời sống văn hóa của từng vùng dân tộc, từ đó nắm bắt tâm tư, khả năng thu nhận kiến thức của các em để có phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhà trường cũng tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn, ở để các em yên tâm học tập, rèn luyện; tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, tạo sân chơi lành mạnh bổ ích cho các em. Bên cạnh đó, nhà trường luôn triển khai nhiều phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng tập thể, cá nhân hướng đến mục tiêu chung là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh vùng dân tộc thiểu số. Ðặc biệt, qua cuộc vận động như "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh.

Tại Trường Tiểu học Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2 năm 2021 - 2025”, trường đã triển khai các giải pháp, xây dựng mô hình tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số và duy trì tốt môi trường tiếng Việt giúp các em có kỹ năng cơ bản trong sử dụng tiếng Việt. Trường Tiểu học Mỹ Thạnh thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh chủ yếu người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93% (dân tộc Ra-glai). Do vậy, học sinh rất lúng túng trong ứng xử, chưa đủ kiến thức để xử lý các tình huống bất ngờ trong học tập và sinh hoạt hàng ngày; thiếu tự tin trong giao tiếp... Nhà trường đã nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên về việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; tham mưu UBND huyện tiếp tục bố trí kinh phí tổ chức triển khai các hoạt động tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số hàng năm. Cùng với đó, nhà trường đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 theo quy định của Bộ GDĐT và Sở GDĐT từ năm học 2023 - 2024. Riêng năm học 2023 - 2024, nhà trường thực hiện dạy tăng cường tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 (thời lượng 2 tiết/ tuần, 70 tiết/năm học/lớp)… Đặc biệt, nhà trường đã nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống nhằm góp phần tăng cường tiếng Việt cho học sinh. Trong đó, quan tâm, chú trọng công tác xã hội hóa nhằm đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí tổ chức các hoạt động giáo dục, trong đó có giáo dục kỹ năng sống. Sau khi áp dụng các giải pháp trên, hiệu quả chất lượng giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống của trường được nâng lên rõ rệt, có những bước tiến mới cùng với những khởi sắc mới trong từng hình thức hoạt động.

Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo cho học sinh dân tộc thiểu số

Theo Bộ GDĐT, định hướng đến năm 2025, tỷ lệ trẻ em nhập học đúng độ tuổi cấp tiểu học của từng dân tộc thiểu số trên 97%; Tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học của từng dân tộc thiểu số trên 97%. Duy trì ổn định chất lượng phổ cập giáo dục.vVề xóa mù chữ đối với các dân tộc thiểu số: Tỷ lệ người từ 15 tuổi đến 60 tuổi biết chữ của từng dân tộc thiểu số trên 98%. Đảm bảo xóa mù chữ bền vững. Đầu năm 2024, Bộ GDĐT phối hợp với Tổ chức Đối tác toàn cầu về giáo dục (GPE), Quỹ Nippon (TNF) và Tổ chức Cứu trợ trẻ em (SC) khởi động Dự án nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em khuyết tật tại Việt Nam. Dự án được quỹ GPE và NIPPON viện trợ 100% với tổng kinh phí là 121 tỷ đồng, tương đương 5,15 triệu USD, khởi động từ tháng 3/2024 và hoàn thành vào tháng 12/2026. Theo đó, trẻ em mầm non của 6 dân tộc: Mông, Ê đê, Khmer, J'rai, Bahnar, Thái được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ, giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, tham gia tốt các hoạt động tại trường mầm non và sẵn sàng vào lớp 1. Học sinh tiểu học của 8 dân tộc: Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, J'rai, Mnông, Mông, Thái được tăng cơ hội học và sử dụng tiếng mẹ đẻ, tiếp cận với các tài liệu về văn hóa của dân tộc mình. Trẻ em khuyết tật được hỗ trợ về giáo dục hòa nhập, các kỹ năng đặc thù để từng bước hòa nhập và học tập có hiệu quả hơn. Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi, đây không chỉ là hướng tới phổ cập giáo dục, đảm bảo sự công bằng trong giáo dục mà còn là sự nhân văn cao cả của giáo dục.

Nói về những giải pháp thúc đẩy quyền giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bà Vũ Thị Ánh, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ GDĐT cho biết: “Thời gian tới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục và y tế. Một số yếu tố văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn lạc hậu; tỉ lệ hộ nghèo cao. Vì vậy, để đầu tư cho phát triển GDĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển GD&ĐT. Trong đó tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách đã ban hành; thực hiện cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển GD&ĐT vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó quan tâm ưu tiên nguồn kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị trường học, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Hai là, tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển GD&ĐT; nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đề xuất Chính phủ ban hành nghị định về chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và cơ sở giáo dục có trẻ em nhà trẻ, học sinh hưởng chính sách.

Ba là, rà soát, hoàn thiện việc sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục bảo đảm khoa học, phù hợp với quy hoạch, điều kiện thực tế của từng địa phương và có lộ trình hợp lí nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh.

Bốn là, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Triển khai có hiệu quả các giải pháp tăng cường tiếng Việt cho trẻ em, học sinh ở các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học. Tổ chức tốt việc dạy tiếng dân tộc thiểu số cho học sinh và cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ sở giáo dục theo quy định.

Năm là, huy động các nguồn vốn, vận động thu hút sự hỗ trợ về vật chất và kĩ thuật của các tổ chức, cá nhân, đối tác phát triển để tăng cường đầu tư, phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Sáu là, triển khai thực hiện đào tạo nâng trình độ, chất lượng đội ngũ nhà giáo ở các cấp học theo các văn bản hướng dẫn hiện hành. Thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên các cấp học bảo đảm phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn. Quan tâm đào tạo giáo viên tại chỗ, bảo đảm tỉ lệ giáo viên người dân tộc thiểu số có vị trí ở các trường phổ thông dân tộc nội trú; ưu tiên phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, tiểu học là người dân tộc thiểu số tại địa phương.

Bảy là, thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn.

Thanh Nga

Tài liệu tham khảo:

https://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/thuc-day-quyen-giao-duc-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-va-mien-nui-21015

Bạn đang đọc bài viết Thực tiễn và kinh nghiệm giáo dục hoà nhập cho học sinh dân tộc thiểu số tại chuyên mục CT MTQG Phát triển KT-XH vùng ĐBDTTS và MN giai đoạn 2021-2030 của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19