Giáo dục tư duy và kỹ năng xã hội đã được chú trọng trong trường học
Hằng năm cả nước có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non và có hơn 16.000 cơ sở giáo dục mầm non độc lập. Tại Đề án “Phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025” của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ rõ “Giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên của hệ thống giáo dục quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố căn bản về nhân cách cho trẻ em trước khi vào lớp 1. Việc chăm lo phát triển giáo dục mầm non, bảo đảm mọi trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, công bằng và bình đẳng là trách nhiệm của các cấp, các ngành, mỗi gia đình và toàn xã hội”. Chính vì vậy, những năm qua, ngành giáo dục mầm non đã có những thay đổi để giáo dục tư duy và kỹ năng xã hội để phát triển toàn diện cho trẻ mầm non.
Học sinh Trường Mầm non Kim Đồng trong buổi hoạt động ngoại khóa. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Chia sẻ với PV, cô Đinh Thị Thanh, hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Đồng, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết: “Căn cứ theo các văn bản, chỉ đạo của Bộ GDĐT, Sở GDĐT Hà Nội, Phòng GDĐT quận Hà Đông, trong 2 năm qua, nhà trường đã tích cực triển khai dạy kỹ năng sống cho trẻ. Bên cạnh các tiết học do giáo viên lớp phụ trách, trường còn phối hợp với các trung tâm (được Sở GDĐT phê duyệt) để triển khai các nội dung”. “Trước đây những nội dung này do giáo viên phụ trách nhưng khi có các thầy cô ở các trung tâm hướng dẫn thì bài học trở nên hấp dẫn, sinh động, chuyên môn hơn. Nhà trường cũng rất hưởng ứng vì bài học đạt hiệu quả hơn”, cô Thanh cho hay. Theo cô Thanh, trẻ học kỹ năng sống rất hứng thú, sôi nổi, giúp trang bị kiến thức cho các em, tạo cho các em tự tin, xử lý với các tình huống xã hội. Mỗi tuần 1 tiết, các em sẽ được học các bài học về kỹ năng mềm phòng tránh, thoát hiểm, giao tiếp, các vấn đề xã hội với mục tiêu phát triển toàn diện.
Nói về Giáo dục tư duy và kỹ năng xã hội để phát triển toàn diện trẻ mầm non, TS. Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng, Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Giáo dục mầm non cho trẻ em giai đoạn 0 đến 6 tuổi giữ vai trò đặc biệt quan trọng, có tính chất quyết định tạo nên thể lực, nhân cách, năng lực phát triển trí tuệ trong tương lai và được coi là “Giai đoạn vàng”, “Thời kỳ vàng” đối với phát triển của con người, tạo nền móng cho sự phát triển của trẻ em trong tương lai. Trẻ em được tiếp cận với giáo dục mầm non càng sớm, càng thúc đẩy quá trình học tập và phát triển của trẻ ở các cấp học tiếp theo”.
Đẩy mạnh phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non
Với kết quả tích cực đã đạt được trong các nội dung phát triển toàn diện cho trẻ mầm non, cô Đinh Thị Thanh, hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Đồng mạnh dạn đề xuất: Các trường mầm non cần có thêm giáo viên chuyên môn dạy các môn năng khiếu, hoạt động ngoại khóa như giáo viên âm nhạc, thể chất, mỹ thuật… giống như ở cấp tiểu học.
Trong báo cáo Uỷ ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo về việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về "Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", Bộ GDĐT cho biết dự kiến thí điểm chương trình giáo dục mầm non mới trong 3 năm học 2025-2026; 2026- 2027; 2027-2028 và triển khai đại trà vào năm học 2029-2030. Ngành giáo dục dự kiến kế hoạch triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới tại 120 cơ sở giáo dục mầm non ở 40 huyện thuộc 20 tỉnh đại diện các vùng miền. Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục mầm non” nhằm tạo diễn đàn trao đổi và tiếp thu bài học kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, cho rằng: Chương trình mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành để cơ sở dễ thực hiện và tiếp tục phát triển.
Chương trình cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chương trình cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế. Nên chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4. Cấu trúc và hình thức của văn bản Chương trình cần phù hợp với cấu trúc của chương trình mang tính chất khung, về thể thức. Chương trình cũng đặt yêu cầu cần cấu trúc mục riêng để chỉ rõ quan điểm của Chương trình giáo dục mầm non và điều kiện thực hiện Chương trình. Nội dung chương trình cần thể hiện rõ nét hơn tính liên thông với Chương trình giáo dục phổ thông, cần xem xét lại khả năng tiền học đọc và tiền học viết cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi để liên thông với tiếng Việt tiểu học. Cần đưa làm quen với ngoại ngữ và đưa thêm phần ứng dụng công nghệ; giáo dục quyền con người, giáo dục hòa nhập, giáo dục giới tính vào Chương trình. Cần xem xét chế độ sinh hoạt cho trẻ bảo đảm chế độ làm việc của giáo viên theo Luật Lao động. Chế độ sinh hoạt cần có tính mở để địa phương có thể linh hoạt theo tình hình thực tế vùng miền.
Về định hướng xây dựng Chương trình, PGS Nguyễn Bá Minh kiến nghị, Chương trình giáo dục mầm non được xây dựng, nhằm bảo đảm kết nối với Chương trình giáo dục phổ thông để góp phần xây dựng các giá trị cốt lõi con người Việt Nam mới: Yêu nước, sáng tạo, kỷ luật, trách nhiệm, trung thực, tự lập. Nâng cao vị thế xã hội của giáo dục mầm non trong giai đoạn tới. Bảo đảm quyền bình đẳng cho trẻ em Việt Nam trong thụ hưởng giáo dục mầm non có chất lượng và hoà nhập. Bảo đảm sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự tham gia hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non trên cơ sở thống nhất toàn quốc về các mục tiêu và kết quả mong đợi của trẻ em cuối độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, yêu cầu bắt buộc về điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục mầm non. Mục tiêu nhằm giúp trẻ em phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành ở trẻ em những phẩm chất và năng lực mang tính nền tảng, phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, chuẩn bị cho trẻ em sẵn sàng vào lớp một, tạo cơ sở cho việc học tập thành công ở cấp học tiếp theo và học tập suốt đời.
Thanh Nga
Tài liệu tham khảo:
https://tuyengiao.vn/yeu-cau-phat-trien-giao-duc-mam-non-trong-tinh-hinh-moi-145083