Hội thảo quốc tế “Quản trị nhà trường và đổi mới giảng dạy trong bối cảnh đổi mới giáo dục ở Việt Nam và quốc tế”

Diễn ra trong hai ngày 6-7/12/2024 tại Quảng Trị, hội thảo đề cập đến những thách thức, cơ hội trong lãnh đạo, quản lý nhà trường trong bối cảnh đổi mới giáo dục của Việt Nam và thế giới, các phương pháp giáo dục mới phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo. Ảnh: Nguyễn Minh

Trong số 126 báo cáo khoa học của tác giả, nhóm tác giả, có 30 báo cáo, trao đổi của các tác giả nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trên cơ sở tổng kết, so sánh, phân tích thực tiễn, các nghiên cứu cung cấp những khuyến nghị chiến lược và giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong quản trị nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục, từ đó góp phần xây dựng nền giáo dục hiện đại, hội nhập và bền vững.

Các chủ đề chính được hơn 200 đại biểu tham dự cũng như xã hội quan tâm được các nhà khoa học trao đổi như: Quản trị tài chính hướng tới tự chủ; Phát triển văn hóa nhà trường và mô hình “trường học hạnh phúc”; Vai trò của quản trị trong thúc đẩy đổi mới giáo dục; Ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy và học tập; Phát triển năng lực số của giáo viên qua AI và thực tế ảo; Thách thức từ các công cụ AI trong giáo dục; Nâng cao năng lực đánh giá lớp học cho sinh viên sư phạm; Tăng cường tư duy thiết kế và năng lực số trong dạy học; Ứng dụng chuyển đổi số trong thiết kế và triển khai chương trình; Cộng đồng chuyên môn trong phát triển nghề nghiệp; Giáo dục phẩm chất nhân ái và xây dựng văn hóa ứng xử; Động lực và sự sáng tạo của giáo viên trong đổi mới giáo dục.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đang ảnh hưởng và tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực, ngành nghề của đời sống xã hội. Giáo dục và đào tạo là một lĩnh vực chịu tác động sâu rộng và thể hiện rõ rệt nhất. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, giáo dục toàn cầu đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ số. Năng lực số của đội ngũ giáo viên và nhà quản lý giáo dục không chỉ được nâng cao mà còn trở thành yếu tố then chốt để thích ứng với những biến đổi không ngừng của thời đại. Đồng thời, yêu cầu đổi mới giáo dục trở nên cấp bách hơn bao giờ hết nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và phát triển toàn diện của học sinh trong bối cảnh công nghệ, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn tác động ngày càng sâu rộng đến các mô hình giáo dục truyền thống. Chính vì vậy, giáo dục phải đối mặt với những thách thức và cơ hội lớn trong việc quản trị nhà trường và thay đổi các hoạt động giáo dục để thích nghi với sự thay đổi và đáp ứng nhu cầu của thời đại.

Giáo sư Philip Hallinger, Trường Đại học Mahidol, Thái Lan trình bày online tại Hội thảo.
Ảnh: Nguyễn Minh

Về bối cảnh và sự cần thiết của của giáo dục 4.0, GS. NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc nhận định: “Xã hội 4.0 với trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật và dữ liệu lớn có tác động đến giáo dục ở sự thúc đẩy thay đổi phương pháp dạy và học, đòi hỏi người dạy và người học phải thích nghi với những kỹ năng mới trong môi trường số”. Tuy nhiên, bà cũng trao đổi: “Đừng vội để công nghiệp 4.0 cuốn xã hội và giáo dục theo vòng xoáy trước mắt, bước chuyển giữa giáo dục hiện tại và giáo dục 4.0 không quá khó khăn, mà điều quan trọng trong bối cảnh hiện nay là đổi mới giáo dục phải quay trở về những yếu tố căn bản, toàn diện, gốc rễ của giáo dục. Đó là giáo dục để phát triển con người, phát triển năng lực toàn diện của con người”.

GS.TS. NGND Nguyễn Thị Mỹ Lộc trao đổi về giáo dục 4.0. Ảnh: Mai Lan

Tiến sĩ Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) trình bày về đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Ảnh: Mai Lan

Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, quản trị nhà trường ở Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi sự đổi mới và thích nghi liên tục. Quản trị nhà trường cần chuyển từ cách tiếp cận hành chính truyền thống sang quản trị dựa trên sự tham gia, sáng tạo và minh bạch. Tuy nhiên, tư duy này chưa được áp dụng đồng đều tại các trường học. Trong bối cảnh hội nhập, nhà trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục quốc tế trong khi vẫn duy trì bản sắc văn hóa dân tộc, điều này đòi hỏi sự cân bằng trong quản trị. Đổi mới giáo dục và chuyển đổi số đòi hỏi giáo viên không chỉ có kỹ năng chuyên môn mà còn phải thành thạo công nghệ, có tư duy phản biện và khả năng hướng dẫn học sinh tự học. Tuy nhiên, nhiều giáo viên chưa được trang bị đầy đủ các kỹ năng này. Ở nhiều nơi, việc xây dựng cộng đồng học tập chưa được coi trọng hoặc thiếu sự tham gia tích cực từ giáo viên và cán bộ quản lý. Tinh thần chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau còn hạn chế. Đánh giá năng lực không chỉ dừng lại ở việc kiểm tra kiến thức, mà còn yêu cầu đo lường các kỹ năng thực hành, thái độ và khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Việc thiết kế các công cụ đánh giá phù hợp đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc và thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, điều này gây nhiều khó khăn và cách hiểu chưa thống nhất, chưa hẳn đúng, đủ, toàn diện cho giáo viên.

Giáo sư Trần Thị Lý, Trường Đại học Deakin, Úc chia sẻ về quốc tế hoá giáo dục.
Ảnh: Nguyễn Minh

Hội thảo đã tạo ra một diễn đàn trao đổi đa chiều cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên, học viên và các bên liên quan trong giáo dục. Nội dung thảo luận bao quát cả chiều sâu lý luận lẫn thực tiễn quản trị nhà trường, đổi mới giảng dạy và sự thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa, kỹ thuật số và trí tuệ nhân tạo. Các nhà khoa học đã chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, tầm nhìn, lý luận, thực tiễn và chính sách liên quan đến lãnh đạo, quản trị nhà trường và đổi mới hoạt động giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Hội thảo được tổ chức tại Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị, do Đại học Huế Tạp chí Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đồng chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.

Nguyễn Minh

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19