Lương nhà giáo xếp cao nhất hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp

Chính sách tiền lương nhà giáo và chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi được xếp cao nhất trong hệ thống thang lương hành chính sự nghiệp được nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình, ủng hộ tại phiên họp Quốc hội ngày 20/11.

Dự thảo lương nhà giáo xếp cao nhất (Ảnh nguồn internet)

Theo đó, tại Điều 27 Dự thảo 5, Luật Nhà giáo có nội dung về tiền lương và phụ cấp đối với nhà giáo như sau: Tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật;

Đối với nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác; Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.

Góp ý về vấn đề này, nhiều đại biểu đã tán thành và đề nghị Quốc hội xem xét đồng tình ủng hộ để chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp, chế độ ưu đãi đối với nhà giáo tại dự thảo Luật Nhà giáo sớm đi vào cuộc sống. Giúp nhà giáo ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu (Ảnh nguồn Quốc hội)

Đại biểu Châu Quỳnh Dao, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ và đánh giá cao nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Nhà giáo để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này rất công phu; đồng thời đại biểu cho rằng việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết.

Liên quan đến vấn đề tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo, đại biểu cho biết, theo kết quả một nghiên cứu thực tế của Viện nghiên cứu Chính sách của Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh về đời sống nhà giáo vùng Nam bộ (khảo sát 3 tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh, Hậu Giang) cho thấy, thu nhập nhà giáo chỉ đáp ứng trung bình 51,87% nhu cầu chi tiêu hàng tháng. Đây là nhóm không có nghề tay trái; còn nhóm có nghề tay trái cũng chỉ đạt 62,55%. Do vậy, đại biểu Châu Quỳnh Dao nhất trí cao với Điều 27, quy định về việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng.

Đại biểu Trần Văn Thức (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đánh giá rất cao sự nỗ lực cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã rất nghiêm túc, trách nhiệm và đã dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị, lắng nghe và tiếp thu chỉnh lý nhiều lần để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

Đại biểu Trần Văn Thức phát biểu tại phiên thảo luận (Ảnh nguồn ĐBQH Thanh Hóa)

Góp ý về chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp chế độ ưu đãi nghề đối với nhà giáo, đại biểu dẫn chứng: theo báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về nhà giáo kèm theo hồ sơ dự án luật cũng như ý kiến của cử tri, đánh giá của xã hội cho thấy mức lương, mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo đặc biệt là giáo viên mầm non và phổ thông hiện đang thấp hơn so với mức lương của cán bộ công chức các ngành khác, nhất là khối đoàn thể trên cùng địa bàn. Lương và phụ cấp ưu đãi nghề của nhà giáo chưa tương xứng với hoạt động nghề nghiệp, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu về an sinh xã hội, chưa đủ để đảm bảo mức sống, nhất là những giáo viên trẻ mới vào nghề và sống ở khu vực đồng bằng thành phố.

Đại biểu cho rằng, áp lực về thu nhập là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm, dẫn tới địa phương thiếu nguồn tuyển dụng để bổ sung giáo viên còn thiếu và chuẩn bị đội ngũ triển khai Chương trình phổ thông 2018, sách giáo khoa mới.

Đại biểu Trần Văn Thức đánh giá rất cao và ủng hộ về nội dung chính sách tiền lương và các chế độ phụ cấp chế độ ưu đãi nghề đối với nhà giáo và dự thảo Luật. Đại biểu cho biết, thực tế còn cho thấy, khẳng định về lương với nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong Nghị quyết số 29 chỉ dừng lại và chưa đi vào thực tế cuộc sống. Chúng tôi thấy dự án luật lần này đã đảm bảo điều đó.

Ngày 20/11, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với nội dung mở đầu là phiên toàn thể thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Trước đó, dự thảo luật này đã được lấy ý kiến lần đầu tại Tổ vào ngày 09/11. Dự thảo Luật Nhà giáo được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện, cơ hội tốt nhất để Nhà giáo được phát huy, khẳng định và được trả công xứng đáng.

Trịnh Thu (tổng hợp)

Bạn đang đọc bài viết Lương nhà giáo xếp cao nhất hệ thống thang, bậc lương hành chính sự nghiệp tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19