“Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao”

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn tại Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục 2024” do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức sáng 23/11.

Đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo với chủ đề “Hạnh phúc trong giáo dục” của Viện EDI, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Cách đặt vấn đề này rộng lớn, bao trùm hơn và sâu hơn cách đặt vấn đề phát triển các trường học hạnh phúc, dẫu cho trường học hạnh phúc là một phần quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục.

Quang cảnh hội thảo

“Chủ đề hội thảo này cũng hết sức có ý nghĩa, khi nền giáo dục của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ, trọng tâm của sự thay đổi đó là nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, giúp con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cho những người có liên quan.

Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ GDĐT đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành với những mức độ và cách thức khác nhau ở các bậc học và các đối tượng”, Bộ trưởng chia sẻ

Cho rằng, đã có nhiều thảo luận về mục tiêu, đặc điểm, phương pháp, các thành tố, các bên liên quan tới giáo dục và của nền giáo dục hướng tới hạnh phúc của cả người học, của thầy cô, của phụ huynh và bất cứ ai liên quan; do đó, Bộ trưởng nhấn mạnh tới một phương diện, một khía cạnh là nhân tố quan trọng của giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc của giáo dục - đó là nhân tố nội tại, nhân tố chủ động của người học, cũng là nhân tố cối lõi và quyết định của hạnh phúc trong giáo dục. Đó chính là việc chủ thể người học tự biết tạo ra và biết cảm nhận về hạnh phúc trong quá trình học.

“Trong quá trình học mà nhận thấy được sự sung sướng hạnh phúc của việc học, thì người ấy sẽ làm được những việc hết sức lớn lao”, nêu quan điểm này, Bộ trưởng lý giải: Hạnh phúc là một trạng thái tâm lý, cảm xúc, trạng thái tinh thần của con người, khi mà người ta thấy thoải mái, thỏa mãn, sung sướng, thăng hoa. Có những hạnh phúc chung của một nhóm, một cộng đồng, nhưng nó được góp phần bởi các cá thể và cảm nhận bởi các cá thể.

Đặt câu hỏi “phải làm thế nào để người học đạt tới trạng thái và cảm nhận thấy hạnh phúc trong tham dự quá trình giáo dục, với tư cách là chủ thể, tự mình và tự thân?”, Bộ trưởng bày tỏ: “Nói về người học, đương nhiên ta cần đề cập tới người học và việc học. Hạnh phúc tôi đang đề cập là chỉ nói tới hạnh phúc của việc học, tức vui học, học vui, lạc học, học là vui, càng học càng vui, càng tiến bộ, càng nhiều lạc thú tinh thần. Đối với người học, chúng ta cần bàn tới ở đây là làm thế nào giúp học sinh có được thật nhiều niềm vui sướng trong quá trình học, niềm vui và sự hứng thú càng lớn lao, bền vững, sâu xa thì việc học của người đó càng thành công, càng gặt hái được nhiều kết quả tốt.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo

Nhấn mạnh các yếu tố giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong hoạt động giáo dục, Bộ trưởng nhắc tới đầu tiên: Người học có chí hướng, có khát vọng và quyết tâm càng lớn thì những hạnh phúc tiềm năng càng dồi dào nơi người đó, niềm hạnh phúc cũng sẽ lớn hơn khi người đó đạt được các kỳ vọng lớn. Quy mô, tầm vóc của hạnh phúc tùy thuộc và mức độ kỳ vọng được thỏa mãn. Vì vậy, để người học đạt được nhiều niềm vui sướng và hạnh phúc trong việc học, cần giúp người học đặt mục tiêu học tập cho đúng đắn, cho lớn, cho sâu, cho rộng…. để có thứ động cơ từ bên trong của sự phấn đấu và đạt tới hạnh phúc.

“Chí càng lớn, vấp ngã càng dễ vượt qua, cái vất vả càng trở nên nhỏ bé, khó khăn cũng không thể ngăn cản và con đường tới hạnh phúc vì vậy cũng thênh thang hơn. Chí ngắn thì dễ thỏa mãn, chí không đủ thì dễ giữa đường bỏ cuộc, không thể đi tới niềm vui hoàn thành cuối cùng. Chí ngắn cũng có niềm vui dễ đạt, nhưng cái dễ đạt bao giờ cũng không có chiều sâu và bền vững và cuộc sống nếu là tập hợp của những cái dễ đạt và niềm vui dễ thì khó có những sự nghiệp lớn”, Bộ trưởng nói.

Thứ hai, học sinh biết tu dưỡng rèn luyện bản thân là gốc của việc học tập phát triển toàn diện và là gốc của việc đạt tới hạnh phúc. Người biết tu dưỡng theo các chuẩn mực sẽ có cảm nhận đúng đắn về hạnh phúc, về giá trị của hạnh phúc, về hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc luôn gắn liền với giá trị văn hóa. Trường học hạnh phúc chỉ đúng nghĩa chân chính khi hạnh phúc ở trường học đó phù hợp với các giá trị tích cực, các giá trị chuẩn.

Thứ ba, cần biết cách định hướng, tạo dựng cho học sinh cách tự giải quyết vấn đề trong học tập, tự tìm hiểu, tự xử lý, tự giải đáp, chính là bắt đầu dắt tay học sinh bước đầu tiên vào con đường truy tìm hạnh phúc trong việc học. Chỉ khi học sinh tự mày mò, tự tìm hiểu, tự giải quyết được, học sinh sẽ thấy hứng thú và tiếp tục tìm kiếm ở chiều rộng và sâu hơn, suy luận ở cấp độ cao hơn, từ cấp độ biết, hiểu, tới hiểu sâu, suy luận, vận dụng, khái quát… Khi người học vượt qua bất cứ cấp độ nào, sự hứng thú và hạnh phúc cũng gia tăng. Và khi học sinh không thể giải quyết được, rơi vào bức xúc, bức bối, muốn giải tỏa … thì khi đó những công cụ hỗ trợ dạy và học, hoặc là người thầy giải đáp sẽ giúp học sinh tháo gỡ bỏ vướng mắc. Khi vứt bỏ điềm nghẽn và vướng mắc đó người học sẽ cảm thấy được giải tỏa, được thăng hoa và họ sẽ tự cảm nhận thấy cảm giác hạnh phúc.

Trích dẫn câu nói của Khổng tử trong Luận Ngữ từng nói về việc dạy học: “Bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát…”, nghĩa là chưa bức bối vì chưa sáng rõ thì thầy không gợi mở cho, không đến cùng việc tự tìm đường thì thầy chưa chỉ lối cho, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng: Thầy biết dạy học nêu vấn đề, biết gợi dẫn, khuyến khích người học tự giải quyết vấn đề là yếu tố chuyên môn sâu xa hướng người học tìm thấy hạnh phúc và hứng thú trong việc học.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH - người sáng lập Viện EDI chia sẻ tại hội thảo

Thứ tư, kiến giải cá nhân và sự suy nghĩ sâu sắc/khuyến khích văn hóa đọc, sự tranh luận, tôn trọng sự khác biệt trong lớp học, trong quá trình dạy học là quá trình khuyến khích người học bày tỏ quan điểm và cách đánh giá riêng, tinh thần tự do… Đó là quá trình dạy học hướng người học tới sự sung sướng của chính quá trình học tập.

Thứ năm, phương pháp dạy học cá thể hóa là phương pháp rất tốt phát huy người học và có thể đem lại cho người học tìm thấy niềm vui và hứng thú riêng trong sự học. Phương pháp này nhằm phát huy điểm mạnh, hạn chế điểm yếu của riêng từng cá nhân người học, để có phương pháp riêng, khích lệ riêng, đánh giá riêng, hỗ trợ riêng… Sự phù hợp và hiệu quả đối với các cá nhân là một điều kiện quan trọng và con đường đưa cá nhân đó tới trạng thái hạnh phúc…

Thứ sáu, học sinh cần lấy chính bản thân mình làm chuẩn để đánh giá sự tiến bộ, để làm việc so sánh. Học sinh tự cảm nhận và đánh giá về sự tiến bộ của mình. Khi họ thấy mình tốt hơn ngày hôm qua, họ sẽ hạnh phúc.

Thứ bảy, có thái độ đúng và sống trong sáng, biết quan tâm tới người khác là tiền đề của hạnh phúc đích thực…

Thứ tám, học đi đôi với hành, học cần thực hành. Lý thuyết luôn màu xám và khó gợi được sự hứng thú, cần gắn chặt học đi đôi với hành, học từ hành và trong hành, hành và học không tách rời nhau. Quá trình này khiến người học nhận được các kết quả từ thực tế và họ sẽ cảm thấy hiệu quả của việc học một cách sinh động cụ thể, sự sinh động cụ thể này sẽ đem lại hạnh phúc thường trực và luôn luôn trong quá trình học.

Thứ chín, hoạt động giáo dục cần chú ý tới giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc… Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Thứ mười, trong hoạt động giáo dục, thầy luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn chia sẻ là điều rất quan trọng khiến việc học của học trò trở nên hứng thú. Có nhà tu hành đã từng nói, thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới. Chỉ có những con người hạnh phúc mới có thể kiến tạo cho một thế giới hạnh phúc.

Diễn giả trao đổi tại hội thảo

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 của Viện EDI diễn ra trong hai ngày 23,24/11, với chuỗi hoạt động gồm 4 phiên; quy tụ các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và trên thế giới thảo luận, chia sẻ các kỹ năng, phương pháp về các cấu trúc, mô hình để có môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh; trong đó nhấn mạnh đào tạo thế hệ giáo viên có năng lực kiến tạo những tiết học hạnh phúc, góp phần đổi mới giáo dục, thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Được sáng lập bởi Anh hùng Lao động Thái Hương, trong 10 năm qua, EDI kết hợp mô hình giáo dục đổi mới với văn hóa Việt và tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới mục tiêu xây dựng thế hệ tri thức xuất sắc. Hội thảo lần này là minh chứng cho cam kết phát triển hệ sinh thái giáo dục nhân văn, kết nối chặt chẽ giáo dục với gia đình và xã hội.

Thông qua Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024, Viện EDI mong muốn lan tỏa các giá trị tích cực, hỗ trợ đào tạo giáo viên để góp phần xây dựng một hệ sinh thái giáo dục lành mạnh và tạo động lực phát triển không chỉ về mặt học thuật mà còn về thể chất, tinh thần và mối quan hệ xã hội cho học sinh, xây dựng môi trường học tập hạnh phúc.

Nguồn tin: Trung tâm Truyền thông và Sự kiện

Bạn đang đọc bài viết “Người thấy được hạnh phúc của việc học sẽ làm được nhiều việc lớn lao” tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn