Đề xuất quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên Giáo dục thường xuyên tạo công bằng trong giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) mới đây dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục. Trong đó, đề cập quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên các trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) phù hợp với thực tế, tạo sự công bằng trong giáo dục.

Tiết học Giáo dục thường xuyên ( Ảnh minh họa, nguồn internet)

Theo đó, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 3 Nghị định 84/2020/NĐ-CP: Bổ sung đối tượng giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân có thời gian nghỉ hè hằng năm tương tự như giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.

Lý do, các chính sách đối với giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện tương tự như giáo viên phổ thông, tuy nhiên Nghị định 84/2020/NĐ-CP hiện hành chưa quy định việc nghỉ hè đối với đối tượng này.

Trên thực tế, giáo viên giảng dạy trong các trung tâm GDTX cũng thực hiện các nhiệm vụ tương đương giáo viên phổ thông với các nhiệm vụ như chuẩn bị bài giảng, kiểm tra, đánh giá, tổ chức hoạt động học tập và hỗ trợ học sinh trong suốt quá trình học... nên họ cũng cần được hưởng các chế độ quyền lợi công bằng.

Hơn nữa, nhiều ý kiến nhà chuyên môn cho rằng, việc bổ sung thời gian nghỉ hè hằng năm cho giáo viên GDTX là cần thiết và phù hợp với thực tế. Điều này cũng góp phần tạo sự công bằng trong giáo dục và giúp các thầy, cô cảm thấy được quan tâm, yên tâm công tác, từ đó tích cực nghiên cứu, phát triển kiến thức chuyên môn để đóng góp nhiều hơn cho nền giáo dục.

Các trung tâm GDTX có vai trò quan trọng trong việc giúp học sinh, sinh viên và người lao động có cơ hội học tập, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng mới nhằm nâng cao trình độ văn hóa, nghề nghiệp qua các khóa học được tổ chức để bổ túc văn hóa, lớp học nghề, chương trình đào tạo kỹ năng sống, ngoại ngữ, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và nâng cao năng lực người học ở nhiều độ tuổi khác nhau.

Nghị định số 84/2020/NĐ-CP (ngày 17/7/2020) ra đời đã tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện Luật Giáo dục 2019 hiệu quả, góp phần đưa các chính sách của Luật Giáo dục đi vào thực tiễn đời sống đội ngũ nhà giáo, người học và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện Nghị định 84/2020/NĐ-CP cho thấy, mặc dù đạt được những kết quả nhất định nhưng hiện nay thực tiễn đã phát sinh một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Nghị định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực áp dụng của Luật Giáo dục như: Giáo viên cơ sở giáo dục thường xuyên dạy chương trình giáo dục để cấp văn bằng của hệ thống giáo dục quốc dân chưa được quy định là đối tượng được nghỉ hè hằng năm như giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông…

Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 84/2020/NĐ-CP của Bộ GDĐT nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đồng thời rà soát đảm bảo tính hợp hiến hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi của hệ thống pháp luật; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục trong tổ chức thực hiện và kế thừa các quy định hiện hành, bảo đảm sự đồng bộ với các quy định có liên quan.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ GD&ĐT (2024): Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục.

Trịnh Thu

Bạn đang đọc bài viết Đề xuất quyền lợi nghỉ hè cho giáo viên Giáo dục thường xuyên tạo công bằng trong giáo dục tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn