Dự thảo Luật Nhà trao quyền chủ động tuyển dụng giáo viên cho ngành giáo dục. Ảnh: PV
Chuẩn hóa đội ngũ
Luật Nhà giáo kiến tạo một số chính sách mới, chính sách đột phá để thu hút, phát triển đội ngũ nhà giáo, giúp nhà giáo yên tâm công tác, cống hiến với nghề; đảm bảo sự thống nhất trong quản lý nhà giáo công lập và nhà giáo ngoài công lập; chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nhà giáo, lấy đó làm yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng thời, một trong những quan điểm, định hướng quan trọng của Luật Nhà giáo là chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh, chuẩn nghề nghiệp nhà giáo với các tiêu chuẩn bám sát yêu cầu về năng lực nghề nghiệp gắn với từng cấp học và trình độ đào tạo. Theo đó, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập được bình đẳng với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập về định danh, chuẩn nghề nghiệp, các quyền, nghĩa vụ cơ bản và một số chính sách như đào tạo, bồi dưỡng, tôn vinh, khen thưởng, xử lý vi phạm.
Với hệ thống chức danh, nhà giáo trong công lập và ngoài công lập sẽ thực hiện thống nhất với các tiêu chuẩn, tiêu chí chung đảm bảo đồng bộ, đáp ứng chất lượng chung để thực hiện nhiệm vụ. Điều này đồng nghĩa với việc đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận hệ thống giáo dục có chất lượng được thực hiện bởi những nhà giáo có chất lượng như nhau không phân biệt công/tư. Những nội dung quy định cụ thể về xếp hạng, bổ nhiệm hạng sẽ được hướng dẫn bởi văn bản dưới luật.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định những việc tổ chức, cá nhân không được làm đối với nhà giáo, bao gồm: không thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách của nhà giáo theo quy định; công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo; các việc khác không được làm theo quy định của pháp luật.
Theo ban soạn thảo Dự thảo Luật Nhà giáo, có ý kiến băn khoăn về quy định không được “công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo” vì cho rằng quy định này sẽ vướng các quy định về thông tin, phát ngôn và “bênh vực” nhà giáo. Tuy nhiên, quy định này là cần thiết để bảo vệ nhà giáo, nhất là trong bối cảnh mạng xã hội, các phương tiện thông tin truyền thông trực tuyến phát triển mạnh như hiện nay. Nhà giáo nếu có sai phạm đã có các chế tài xử lý theo quy định. Bên cạnh đó, đặc điểm hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo có tính chất đặc biệt, nếu không có phương án bảo vệ nhà giáo thì đối tượng chịu ảnh hưởng không chỉ là nhà giáo mà còn là người học.
Khẳng định vai trò chủ trì của ngành giáo dục trong tuyển dụng nhà giáo
Một trong những nội dung quan trọng của Dự thảo Luật Nhà giáo là giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Bộ GDĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định; ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn tuyển dụng, nội dung thực hành sư phạm trong thi/xét tuyển nhà giáo; điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao.
Dự thảo Luật quy định các cơ quan quản lý giáo dục dục chủ trì (hoặc phân cấp cho cơ sở giáo dục) thực hiện tuyển dụng, điều động, bố trí, đánh giá, bổ nhiệm nhà giáo. Việc bổ nhiệm do cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tham mưu hoặc quyết định hoặc công nhận theo thẩm quyền được giao.
Quy định về tuyển dụng nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo cũng đặt ra một số yêu cầu nhằm đáp ứng đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, trong đó có yêu cầu bắt buộc về thực hành sư phạm nhằm gia tăng chất lượng chuyên môn của người được tuyển dụng, lựa chọn được đúng người vào nghề. Dự thảo cũng quy định chính sách thu hút nhà giáo trong tuyển dụng và quy định rõ những người không được đăng ký tuyển dụng. Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện, quy trình, thủ tục, đối tượng ưu tiên, hình thức, nội dung thi tuyển và xét tuyển nhà giáo; tuyển dụng đặc cách nhà giáo; tuyển dụng nhà giáo là người nước ngoài.
Dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định tường minh hơn về các tình huống sử dụng nhà giáo gắn với đặc trưng cấp học và trình độ đào tạo bao gồm: điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp. Các chính sách này, nhất là điều động nhà giáo được kỳ vọng là giải pháp để tháo gỡ vấn đề thừa, thiếu giáo viên cục bộ trong thời gian vừa qua ở các cấp học mầm non, phổ thông.
Theo dự thảo Luật, trường hợp điều động nhà giáo từ cơ sở giáo dục công lập sang cơ quan quản lý giáo dục thì được bảo lưu chế độ phụ cấp thâm niên và phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo trong thời hạn tối đa 12 tháng. Sau thời gian bảo lưu thì thực hiện theo các chế độ, chính sách của vị trí công việc mới. Dự thảo Luật quy định không thực hiện điều động nhà giáo đối với nhà giáo nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, nhà giáo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà giáo có vợ hoặc chồng đang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, hải đảo trừ trường hợp nhà giáo có nguyện vọng; Nhà giáo thuộc các trường hợp quy định chưa thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng và pháp luật có liên quan.
Quy định đầy đủ chính sách thu hút, tiền lương, phụ cấp,
Tại Dự thảo, các quy định về chính sách tiền lương, phụ cấp, hỗ trợ nhà giáo được quy định đầy đủ, theo hướng gia tăng các chính sách đãi ngộ để nhà giáo yên tâm công tác. Cụ thể, tiền lương nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập như sau: Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp; phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng theo quy định của pháp luật. Nhà giáo cấp học mầm non; nhà giáo công tác ở nơi đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; nhà giáo trường chuyên biệt, trường chuyên biệt khác; nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập; nhà giáo là người dân tộc thiểu số và nhà giáo ở một số ngành nghề đặc thù được ưu tiên trong chế độ tiền lương và phụ cấp cao hơn so với các nhà giáo khác. Nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 1 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập bảo đảm không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập có cùng trình độ đào tạo, cùng chức danh trừ khi có thỏa thuận khác. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù theo quy định và chỉ được hưởng ở một mức cao nhất nếu chính sách đó trùng với chính sách dành cho nhà giáo. Bên cạnh đó, một số chính sách hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo đang được thực hiện ổn định theo hướng dẫn tại văn bản dưới luật được đưa vào dự thảo luật nhằm tăng hiệu lực pháp lý và đảm bảo tính ổn định trong chính sách đối với nhà giáo.
Dự thảo Luật cũng làm rõ một số chính sách thu hút đối với nhà giáo. Theo đó, nhà giáo được hưởng phụ cấp và trợ cấp thu hút; bảo đảm chỗ ở tập thể có đủ điều kiện thiết yếu hoặc được thuê nhà ở công vụ khi đến công tác tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ trong đào tạo, bồi dưỡng.
Theo Bộ GDĐT, các chính sách thu hút được kỳ vọng sẽ giúp nhà giáo yên tâm với nghề, nhất là nhà giáo tại vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà các chính sách hiện hành của nhà nước chưa đáp ứng được.
Linh hoạt tuổi nghỉ hưu và hoạt động nghề nghiệp
Tuổi nghỉ hưu và tuổi hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo cũng là một điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Nhà giáo. Theo dự thảo, nhà giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi. Trước đó, được nghỉ hưu sớm hơn so với quy định chung cũng là đề nghị được nhiều giáo viên mầm non cũng như lãnh đạo ngành giáo dục các địa phương đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo do đây là công việc có tính đặc thù, vừa vất vả, vừa đòi hỏi khả năng quan sát, phản ứng nhanh nhạy và thời gian làm việc nhiều. Trong khi đó, với nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc có trình độ tiến sĩ và nhà giáo làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu đặc thù, dự thảo Luật Nhà giáo quy định được hưởng chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn được thực hiện khi cơ sở giáo dục có nhu cầu, nhà giáo có đủ sức khỏe, tự nguyện. Khi thực hiện chế độ nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Thời gian làm việc khi nghỉ hưu ở tuổi cao hơn không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư. Theo ban soạn thảo, chính sách nghỉ hưu được thiết kế riêng nhằm đáp ứng đặc điểm hoạt động nghề nghiệp, đồng thời phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm của nhà giáo.
Bên cạnh đó, dự thảo Luật Nhà giáo cũng luật hóa chính sách ưu tiên với đào tạo giáo viên. Cụ thể, người trúng tuyển, theo học các chương trình đào tạo giáo viên được hưởng chính sách thu hút, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Người được đào tạo trở thành giảng viên được hưởng các chính sách thu hút, hỗ trợ theo quy định của Chính phủ và các chính sách theo quy chế của cơ sở giáo dục.
Thái Bình