Xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học

Nhằm hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên, những năm qua, công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học được chú trọng, đẩy mạnh. Trong đó, các mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý được tổ chức linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng cơ sở giáo dục.

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, chuyên gia giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: Trong thời gian gần đây, những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm lý học đường như các vấn đề về hành vi, cảm xúc, khó khăn tâm lý liên quan đến học sinh, định hướng nghề nghiệp, bạo lực, bắt nạt ngày càng trở nên phức tạp, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và đặc biệt ảnh hưởng đến học tập, chất lượng cuộc sống của học sinh. Tại Việt Nam, nhiều nghiên cứu dịch tễ học về sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên cho thấy có một tỷ lệ đáng kể cần được quan tâm, hỗ trợ, can thiệp. Nhận định vai trò quan trọng của công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học, PGS.TS Phạm Mạnh Hà cho rằng, tư vấn tâm lý, công tác xã hội hỗ trợ học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh giải quyết các vấn đề tâm lý, xã hội đang gặp phải thông qua các dịch vụ trợ giúp mang tính chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, hoạt động tư vấn tâm lý, công tác xã hội trường học cũng góp phần hỗ trợ giáo viên, thành viên nhà trường tối ưu hóa được năng lực giảng dạy, quản lý.

Ảnh minh họa. Ảnh: Trung tâm TTSK (Bộ GDĐT)

Dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học được hiểu là một hoạt động chuyên nghiệp của nhân viên tư vấn tâm lý trong trường học thực hiện các công việc hỗ trợ tâm lý cho học sinh và các đối tượng liên quan thông qua các hình thức phòng ngừa, tư vấn tâm lý hoặc kết nối, chuyển gửi can thiệp, trị liệu. Mô hình cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý trong trường học là hình thức tổ chức, triển khai các dịch vụ tư vấn tâm lý trong nhà trường. Mô hình này mô tả cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, cơ chế quản lý, phương thức hoạt động, tài chính của tổ tư vấn tâm lý trong việc tổ chức, triển khai cung cấp các dịch vụ tư vấn tâm lý cho học sinh và các đối tượng liên quan.

Giám đốc điều hành, tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam Đào Thiên Lý chia sẻ: Lần đầu tiên trong lịch sử, báo cáo “Tình trạng trẻ em thế giới 2021” của Unicef liên quan đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em và thanh thiếu niên cho thấy ước tính có nhiều hơn 1 trong 7 thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-19 trên toàn cầu được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần. Mỗi năm, gần 46.000 thanh thiếu niên chết vì tự tử, khiến nó trở thành 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Unicef năm 2018, có tới 29% người dân từ 11 đến 24 tuổi đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần và chưa đến 20% trong số họ đang nhận được sự hỗ trợ và điều trị phù hợp. Từ đó nhận thấy, việc thành lập mô hình công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong nhà trường có vai trò rất quan trọng trong việc phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp các trường hợp học sinh gặp phải các vấn đề ảnh hưởng đến học tập và cuộc sống, từ đó nâng cao chất lượng dạy và học. Năm 2022, GNI đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ GDĐT Việt Nam về việc triển khai, thực hiện dự án “Phát triển Công tác xã hội và Tư vấn tâm lý trong trường học giai đoạn 2022 - 2024” với mong muốn nâng cao nhận thức và hành động thiết thực hỗ trợ, phát triển công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong các nhà trường.

Về vấn đề này, theo TS. Đặng Thị Huyền Oanh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết: Ở một số trường học, mặc dù đã có phòng tư vấn tâm lý hoặc phòng công tác xã hội nhưng chưa thực sự phát huy được hiệu quả chức năng, nhiệm vụ và quan trọng nhất là học sinh vẫn còn e ngại khi tìm kiếm sự giúp đỡ. Bên cạnh đó, các trang thiết bị của nhà trường thực hiện phục vụ cho việc can thiệp này cũng chưa thật sự đầy đủ, chưa đạt kết quả tối ưu. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và triển khai mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội trường học nhằm hỗ trợ cho những học sinh, phụ huynh có tính ứng dụng cao, được nhân rộng là điều cần thiết và cấp bách.

Mặc dù là một tỉnh miền núi, còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế, xã hội nhưng xác định được vai trò quan trọng của công tác xã hội, tâm lý học đường trong các trường học, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Sơn La Nguyễn Huy Hoàng cho biết: Phát triển công tác xã hội trường học một trong những giải pháp phát huy năng lực bản thân, chuẩn bị hành trang cho sự phát triển toàn diện của học sinh và góp phần đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận giáo dục. Công tác xã hội trường học cần được chú trọng nhằm cải thiện môi trường học tập cho học sinh thông qua việc đánh giá vấn đề và nhu cầu của học sinh, cung cấp các hoạt động trợ giúp như tham vấn, hỗ trợ tâm lý - xã hội, giáo dục kỹ năng sống và xây dựng năng lực để giúp học sinh tự giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ với bạn bè, gia đình và thầy cô giáo. 

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Trần Văn Đạt cho biết: Hướng đến mục tiêu phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất người học gắn với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo thì công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội tại các cơ sở giáo dục có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ học sinh. Hiện nay, ngoài việc thực hiện chương trình giáo dục tại các nhà trường, học sinh còn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác như bạo lực học đường, xâm hại tình dục, phòng chống tệ nạn xã hội… Vì vậy, công tác tư vấn tâm lý và công tác xã hội trong các nhà trường cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn nữa.

Hằng năm, Bộ GDĐT luôn quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn các Sở GDĐT thực hiện các nhiệm vụ về công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường. Cùng với đó là phối hợp với các bộ, ban, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện hội thảo, tập huấn, khảo sát, biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng các ấn phẩm truyền thông cho công tác này.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của đội ngũ, Vụ trưởng Trần Văn Đạt cho rằng, trình độ chuyên môn và kỹ năng của giáo viên, cán bộ cốt cán thực hiện công tác xã hội và tư vấn tâm lý học đường có vai trò quyết định và cần phải được nâng cao. Do đó, xuất phát từ nhu cầu thực tế, Vụ trưởng Trần Văn Đạt mong muốn các cán bộ, giáo viên thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, áp dụng thực hiện phù hợp, hiệu quả những nội dung do Bộ GDĐT tổ chức tập huấn, triển khai trong thời gian qua tại cơ sở giáo dục của mình.

Minh Phong

Bạn đang đọc bài viết Xây dựng mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội và tư vấn tâm lý trong trường học tại chuyên mục Thực tiễn giáo dục của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn