Cô Nguyễn Bích Thu, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du dạy tiếng Anh cho học sinh Trường Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: PV
Vượt lên thách thức
Theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2006, tiếng Anh chỉ là môn học tự chọn trong các nhà trường. Vì vậy, ở hầu hết các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa trên cả nước, tiếng Anh không được chọn dạy ở các trường tiểu học do thiếu giáo viên, thiếu cơ sở vật chất. Đây cũng là lý do khiến việc dạy tiếng Anh bắt buộc từ lớp 3 ở các trường tiểu học khu vực này gặp rất nhiều khó khăn do không có sẵn đội ngũ.
Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) huyện Mù Cang Chải cho hay năm học 2022-2023 là lần đầu tiên học sinh tiểu học ở Mù Cang Chải được biết đến tiếng Anh nên các em rất háo hức. “Tuy nhiên, do trước đây chưa từng triển khai dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học nên cả huyện chỉ có duy nhất một giáo viên môn này. Ban đầu, tôi cũng không biết phải làm như thế nào, muốn tìm giáo viên hợp đồng cũng không có”, ông Thủy chia sẻ. Mặc dù tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều đợt thi tuyển viên chức giáo viên, thậm chí treo thưởng ngay 100 triệu đồng cho giáo viên Tiếng Anh về nhận công tác ở vùng khó, nhưng vẫn không tuyển được một giáo viên nào.
Sở GDĐT Yên Bái đã phải triển khai chương trình biệt phái giáo viên từ khu vực thành phố lên tăng cường cho Mù Cang Chải. Tỉnh huy động khoảng 10 giáo viên từ các vùng thuận lợi như huyện Yên Bình hay thành phố Yên Bái tình nguyện lên tăng cường cho các trường tiểu học Mù Căng Chải, thời hạn biệt phái là một năm, có các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đi kèm. Các trường học ở Mù Cang Chải sẽ có trách nhiệm tìm lo chỗ ăn, ở cho các giáo viên, tạo điều kiện để các thầy cô nhanh chóng làm quen với môi trường mới và triển khai dạy học hiệu quả.
Là một trong những giáo viên biệt phái, cô Nguyễn Bích Thu, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du, thành phố Yên Bái bảo cô chưa bao giờ đặt chân đến Mù Cang Chải dù đây là điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh vì thấy quá xa xôi trong khi cô bị say xe nên sợ sức mình không kham nổi. Nhưng với tinh thần “tất cả vì học sinh thân yêu”, cô đã tình nguyện đến với Trường Tiểu học Khao Mang của huyện miền núi biên viễn này. Ngày đầu đến Mù Cang Chải, cô Thu bảo mình đã bị sốc vì điều kiện ở đây quá khó khăn, đã khóc vì nhớ nhà nhưng cũng khóc vì thương những học trò nhỏ Khao Mang quá nhiều thiệt thòi, và tình thương đó đã níu bước chân cô ở lại. Là giáo viên tiếng Anh duy nhất nên cô Thu phải phụ trách dạy môn học này cho học sinh khối lớp 3, 4, 5 của cả trường với tổng số 10 lớp. Theo quy định, mỗi lớp sẽ học 4 tiết/tuần. Nếu dạy 10 lớp, mỗi tuần cô sẽ phải dạy đến 40 tiết, gấp đôi so với thời lượng quy định cho giáo viên. Vì vậy, trường đã phải ghép các lớp trong cùng khối để giảm số tiết dạy xuống còn 24 tiết. Việc ghép lớp khiến sỹ số học sinh tăng lên, phòng học bình thường không đáp ứng đủ chỗ ngồi nên trường phải tổ chức dạy môn Tiếng Anh ở nhà ăn của học sinh.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước còn thiếu hàng chục nghìn giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học. Vì thế, không chỉ riêng Mù Cang Chải, không riêng Yên Bái, trong ba năm qua, nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt là các vùng khó khăn, đã phải “gồng mình” tìm nhiều giải pháp khắc phục, từ trước mắt đến lâu dài, để có thể triển khai dạy môn Tiếng Anh cho học sinh.
Thổi luồng gió mới
Cô Phạm Thị Minh Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bảo trước khi ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 với quy định tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, Trường Tiểu học Khao Mang nói riêng và gần như tất cả hàng nghìn học sinh tiểu học của huyện nghèo Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, chưa từng được học ngôn ngữ mới mẻ này. Thương học sinh sẽ phải học môn học này từ lớp 6, cứ cuối năm, cô Hằng lại mời giáo viên đến dạy một số tiết cho học sinh lớp 5, để các em được làm quen với Tiếng Anh, có chút “vốn liếng” ít ỏi để bước vào bậc trung học cơ sở. Nhưng từ năm học 2024-2025 này, các học trò lớp 5 của cô Hằng đã được học tiếng Anh từ lớp 3 theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. “Các em rất háo hức với môn học mới”, cô Hằng chia sẻ. Theo cô Hằng, dù phải học lớp ghép, phải nhờ đến các giáo viên biệt phái nhưng việc được học tiếng Anh đã giúp cho các học sinh được trang bị kiến thức môn ngoại ngữ một cách bài bản hơn, tạo nền tảng để các em có thể tiếp thu kiến thức tốt hơn khi học tiếp môn học này ở bậc trung học cơ sở. “Học tiếng Anh rất vui nên em rất thích”, Lý A Mạnh, học sinh Trường Tiểu học Khao Mang nói.
Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng GDĐT huyện Mù Cang Chải, cho hay với các em học sinh tiểu học trên địa bàn, môn tiếng Anh thực sự là một luồng gió mới và là tiền đề để nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ của học sinh nơi đây. Cũng theo ông Thuỷ, Mù Cang Chải gần như không phát triển công nghiệp nhưng đang phát triển mạnh về du lịch. Vì vậy, việc học sinh được học tiếng Anh từ lớp 3 về lâu dài rất có ý nghĩa trong việc góp phần phát triển chất lượng nhân lực cho địa phương theo định hướng phát triển du lịch, từ đó góp phần phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Bộ GDĐT, gần 100% học sinh lớp 3, 4, 5 trên cả nước đã được học tiếng Anh (số còn lại là các lớp học sinh khuyết tật không tổ chức học tiếng Anh). Năm học 2023-2024, tỷ lệ lớp 3, lớp 4 được học đủ 4 tiết/tuần theo quy định đạt 99,85% (chỉ còn 0,15% lớp 3, lớp 4 tại các cơ sở giáo dục vùng sâu, vùng xa chưa được học đủ 4 tiết/tuần). Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh, tăng hiệu quả giáo dục môn học này, đặc biệt trong bối cảnh Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luật số 91-KT/TW với nội dung “tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học”.
Dù còn nhiều khó khăn nhưng trong ba năm qua, với việc dạy ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3 đã thúc đẩy sự tăng cường về nhân lực và cơ sở vật chất phục vụ môn học này ở các địa phương như chú trọng tuyển dụng và đào tạo bồi dưỡng giáo viên, thực hiện phương án bố trí giáo viên linh hoạt, điều động giáo viên dạy liên trường trong cùng cấp học, biệt phái giáo viên cấp trung học cơ sở theo thẩm quyền quản lý tham gia giảng dạy tại các trường tiểu học. Nhiều địa phương đã triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên Tiếng Anh để tạo nguồn nhân lực chất lượng và gắn bó lâu dài.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục đã vận dụng linh hoạt các hình thức học tập khác nhau trên cơ sở nguồn giáo viên thực hiện chương trình còn thiếu. Một số giải pháp bao gồm: vận dụng kho bài giảng, học liệu điện tử môn Tiếng Anh để tổ chức học tập trực tuyến cho học sinh với sự hỗ trợ của giáo viên nhà trường; thực hiện dạy học trực tuyến, học tập trực tiếp qua lớp học ảo, trang bị các điều kiện về công nghệ để một giáo viên tại một thời điểm có thể giảng dạy cho hơn một lớp học tại những vị trí địa lý khác nhau; tăng cường tổ chức dạy học qua truyền hình đan xen với các hình thức học tập khác.
Cơ sở vật chất (phòng học có thiết bị nghe, nhìn, thiết bị kết nối Internet) đã được chú trọng đầu tư phục vụ việc dạy và học theo hình thức cuốn chiếu từ lớp dưới lên. Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục có tổ chức dạy tiếng Anh đều có thiết bị dạy học tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để phục vụ công tác dạy học. Nhiều cơ sở giáo dục đã được trang bị các thiết bị dạy học hiện đại, có kết nối mạng Internet, bảng tương tác với nguồn học liệu phong phú đã tác động tích cực đến chất lượng học tiếng Anh của học sinh tiểu học. Các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc việc lựa chọn và triển khai sách giáo khoa và tài liệu tham khảo trong dạy học tiếng Anh, tận dụng nguồn tài liệu tham khảo phong phú và đa dạng theo đặc thù môn học để hỗ trợ quá trình dạy học.
Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn khi số lượng giáo viên còn thiếu nhiều và năm học 2024-2025 là năm thứ 3 triển khai học bắt buộc ở cả 3 khối lớp 3,4,5, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực hơn nữa và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để có thể triển khai thành công cả về số lượng và chất lượng.
Thái Bình
Tài liệu tham khảo:
Báo cáo tổng kết năm học 2023-2024, nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024-2025 đối với giáo dục tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.