Học bạ số đã giúp giảm các thủ tục hành chính trong quản lý giáo dục. Ảnh: PV
Đã có 2,7 triệu học bạ số, chiếm tỷ lệ trên 39%
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã ban hành Kế hoạch số 213/KH-BGDĐT ngày 01/3/2024 về việc triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học.
Theo kết quả kiểm tra, giám sát của Bộ GDĐT, về cơ bản các sở giáo dục và đào tạo đã triển khai xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm Học bạ số, tổ chức hội nghị triển khai, phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ Học bạ số xây dựng kế hoạch tập huấn, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở giáo dục.
Nhiều địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số, Ban chỉ đạo thí điểm Học bạ số; ban hành kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và tích cực phối hợp với các cơ quan, tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ hạ tầng để sẵn sàng thực hiện Học bạ số đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định của Bộ GDĐT. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số địa phương đã triển khai hội nghị tập huấn học bạ số trên diện rộng đến tất cả cán bộ quản lý và giáo viên. Đến nay, có 62/63 đã phối hợp với các nhà cung cấp cổng Học bạ số, có các địa chỉ IP tĩnh, phân công cán bộ làm đầu mối liên hệ, thường trực xử lý về các vấn đề liên quan đến Học bạ số tại địa phương. Một số nhà cung cấp dịch vụ đã sẵn sàng trong việc triển khai quản lý Học bạ số cho các địa phương.
Các đơn vị thuộc Bộ GDĐT đã xây dựng xong chuẩn đặc tả kỹ thuật về file Học bạ số, chuẩn kết nối dữ liệu và cơ sở dữ liệu lưu trữ Học bạ số; chuẩn bị xong về hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai thí điểm Học bạ số, sẵn sàng tiếp nhận dữ liệu Học bạ từ các địa phương.
Tính tới hết ngày 19/7, có 62/63 sở giáo dục và đào tạo (tỉnh chưa gửi là Hà Tĩnh) đã gửi thông tin kết nối (gồm địa chỉ IP tĩnh, đầu mối tiếp nhận tài khoản HBS) về Bộ. Có tổng số 41 sở giáo dục và đào tạo đã đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ. Có tổng số 33 sở giáo dục và đào tạo đã thực hiện gửi báo cáo Học bạ số về Kho học bạ số Bộ, cụ thể có 2.783.463 học bạ số đã gửi trên tổng số 7.100.316 học sinh tiểu học toàn quốc (lớp 1, 2, 3, 4) chiếm tỷ lệ 39.20%.
Vẫn còn nhiều rào cản
Theo Ban chỉ đạo thí điểm Học bạ số cấp tiểu học, qua quá trình khảo sát thực tiễn, trao đổi trực tiếp với cán bộ quản lý cấp sở, phòng, cơ sở giáo dục và một số giáo viên cho thấy việc tổ chức thực hiện thí điểm Học bạ số vẫn còn một số thách thức.
Cụ thể, có địa phương còn lúng túng trong việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai Học bạ số; trong ban hành Quy chế quản lý, sử dụng học bạ tại địa phương trong giai đoạn thí điểm; trong đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu Học bạ số cấp sở và thực hiện giải pháp kĩ thuật kết nối cơ sở dữ liệu Học bạ số cấp Sở với cơ sở dữ liệu Học bạ số cấp Bộ.
Công tác truyền thông chưa đồng bộ, chưa kịp thời và chưa đạt được hiệu quả nên còn nhiều ý kiến muốn có bản Học bạ giấy bên cạnh việc sử dụng Học bạ số. Nhiều cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có tâm lý e ngại mỗi khi đề cập đến việc sử dụng các phần mềm, nhập dữ liệu, liên kết dữ liệu, tính chính xác của dữ liệu, bảo mật thông tin, chi phí cho việc sử dụng chữ ký số, các chế độ cho người thực hiện nhiệm vụ liên quan đến Học bạ số…
Các yêu cầu kỹ thuật về hạ tầng công nghệ thông tin cho việc triển khai Học bạ số và cách vận hành, ứng dụng là một trong những trở ngại cho các cấp quản lý khi phải đầu tư, thuê/khoán các doanh nghiệp xây dựng hệ thống phần mềm, bảo trì/nâng cấp, liên thông giữa các phần mềm, tập huấn sử dụng phần mềm; và các các cá nhân thực thi khi chưa đủ kỹ năng sử dụng.
Cơ chế quản lý chưa đảm bảo do thiếu hệ thống văn bản quy định đồng bộ hoặc chưa bao quát toàn diện các vấn đề liên quan. Một số vấn đề có thể vượt thẩm quyền của Bộ GDĐT, dẫn tới việc xin ý kiến nhiều bên và làm chậm nhịp độ triển khai Học bạ số.
Công tác dự báo, đánh giá tác động về các nguồn lực gồm tài lực, vật lực, nhân lực để thực hiện Học bạ số chưa được thực hiện bài bản, chính xác nên có thể phát sinh nhiều yếu tố, nội dung.
Trong khi đó, thời gian triển khai từ thí điểm đến thời điểm triển khai chính thức khá gấp rút có thể làm hạn chế việc đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm và tác động đến hiệu quả, chất lượng khi thực hiện Học bạ số do nhiều đối tượng tham gia trên phạm vi rộng với kỳ vọng lớn khi ứng dụng Học bạ số.
Giải pháp tháo gỡ các nút thắt
Trước những hạn chế trên, Bộ GDĐT dự kiến tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học năm học 2023-2024 và tiếp tục triển khai chính thức Học bạ số vào các năm học tiếp theo.
Bộ cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đánh giá và thực hiện các biện pháp điều chỉnh (nếu có) để hoàn thiện mô hình triển khai thí điểm Học bạ số cấp tiểu học, làm cơ sở để sớm triển khai chính thức Học bạ số đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc ở cấp học tiểu học nói riêng và bậc phổ thông nói chung.
Để tháo gỡ các nút thắt về pháp lý, tài chính, Ban chỉ đạo thí điểm Học bạ số cấp tiểu học kiến nghị Bộ GDĐT ban hành văn bản quy định tính pháp lý của Học bạ số; hướng dẫn xác định nguồn, định mức kinh phí cho các hoạt động triển khai, vận hành hệ thống Học bạ số; đề nghị Ban cơ yếu Chính phủ cấp miễn phí chữ ký số cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định hiện hành; đề nghị Bộ Công an rà soát và sớm cấp mã định danh các em học sinh chưa được cấp/chưa có/sai thông tin nhằm đảm bảo quyền lợi của các em học sinh để được cấp Học bạ số (mã định danh là trường thông tin quan trọng để kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu dân cư, ứng dụng VNeID sau này).
Bên cạnh đó, hoàn thiện Cổng tra cứu học bạ thống nhất cả nước. Trong giai đoạn trước mắt, cần tiếp tục chỉ đạo sử dụng Học bạ theo phương án hiện hành song song với phương án thí điểm cho đến khi chính thức triển khai Học bạ số để bảo đảm tính an toàn lưu trữ trong khi chưa đánh giá được đầy đủ, toàn vẹn mức độ an toàn của cơ sở dữ liệu Học bạ số.
Bộ GDĐT cũng đề nghị các địa phương quán triệt tinh thần, nâng cao nhận thức và tầm quan trọng về thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục theo Quyết định số 131/QĐ-TTg là thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 06/QĐ-TTg), trong đó có việc triển khai thực hiện Học bạ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg. Bố trí nguồn kinh phí, để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành giáo dục theo Quyết định số 131/QĐ-TTg gắn với thực hiện các nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về Học bạ số theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 04/CT-TTg về triển khai thí điểm Học bạ số trong năm 2024, triển khai toàn quốc từ năm học 2024-2025.
Thực hiện triển khai Học bạ số từ năm học 2024-2025, Bộ GDĐT cũng đặt nhiệm vụ cho các sở giáo dục và đào tạo tham mưu ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành kế hoạch, bố trí nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, kinh phí để đầu tư, vận hành, bảo trì bảo đảm hoạt động của hệ thống Học bạ số tại địa phương; xây dựng và ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Học bạ số áp dụng tại địa phương; chỉ đạo các cơ sở giáo dục ban hành Quy chế sử dụng và quản lý Học bạ số tại đơn vị; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện và tổ chức triển khai, quản lý sử dụng Học bạ số theo thẩm quyền quy định.
Thái Bình