Là một quốc gia nhỏ với nguồn lực hạn chế, Singapore xác định giáo dục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Từ nền tảng ban đầu chú trọng phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hệ thống giáo dục quốc gia này không ngừng mở rộng trọng tâm, tập trung vào trang bị kỹ năng thế kỷ 21, tư duy sáng tạo và phúc lợi cảm xúc cho học sinh.
Hành trình cải cách giáo dục Singapore được chia thành năm giai đoạn quan trọng. Giai đoạn đầu tiên (1965 –1978) tập trung vào giáo dục kỹ năng cơ bản và xây dựng bản sắc dân tộc. Sau đó, từ 1979 đến 1997, giáo dục được tối ưu hóa thông qua phân luồng năng lực và nâng cao kỹ năng lao động. Đến năm 1997, chương trình "Trường học tư duy, Quốc gia học tập" được triển khai, mở ra kỷ nguyên học tập suốt đời. Từ 2011 đến 2019, trọng tâm chuyển sang phát triển nhân cách học sinh và giảm áp lực thi cử. Hiện tại, trong giai đoạn "Học tập vì cuộc sống", Singapore đặt mục tiêu chuẩn bị cho học sinh thích nghi với thế kỷ 21, ưu tiên các giá trị toàn diện và phát triển kỹ năng sống.
Một trong những đặc điểm nổi bật của cải cách giáo dục Singapore là đa dạng hóa chương trình học. Hệ thống “Phân ban theo môn học” (FSBB), dự kiến triển khai vào năm 2024, sẽ xóa bỏ hệ thống phân luồng truyền thống, cho phép học sinh chọn môn học phù hợp với năng lực và sở thích. Đồng thời, chương trình “Giáo dục nhân cách và công dân” (CCE) kết hợp học tập cảm xúc-xã hội và giáo dục giá trị, giúp học sinh phát triển tự nhận thức, quản lý mối quan hệ và xây dựng trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, Singapore cũng giảm áp lực thi cử thông qua việc điều chỉnh hệ thống chấm điểm và mở rộng các con đường tuyển sinh thể hiện tài năng ngoài học thuật.
Đáng chú ý, hệ thống giáo dục Singapore được hỗ trợ bởi hạ tầng đổi mới mạnh mẽ. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục, Viện Giáo dục Quốc gia và các trường học tạo điều kiện phản hồi liên tục và cải tiến giảng dạy. Cộng đồng học tập chuyên môn (PLCs) và các tổ chức như Học viện Giáo viên Singapore không ngừng nâng cao năng lực giảng dạy và khuyến khích đổi mới. Ngoài ra, mô hình cụm trường học thúc đẩy chia sẻ tài nguyên, tạo điều kiện cho các sáng kiến địa phương.
Nguồn: nlconcepts
Tuy nhiên, hệ thống giáo dục Singapore cũng đối mặt với nhiều thách thức. Áp lực từ phụ huynh, cùng sự phát triển của "giáo dục bóng tối" (shadow education). Đây thường là những chương trình dạy thêm, gia sư hoặc các lớp học phụ trợ nhằm bổ sung hoặc nâng cao kiến thức cho học sinh ngoài giờ học chính thức, làm “xói mòn” mục tiêu toàn diện của chính sách. Đồng thời, mâu thuẫn giữa việc đạt thành tích học tập xuất sắc và phát triển cá nhân vẫn là bài toán khó. Dù giáo dục trung học cơ sở đã giảm tải học thuật, áp lực thi cử tại bậc trung học phổ thông vẫn còn hiện hữu.
Đối với giáo dục Việt Nam, hành trình cải cách của Singapore mang lại nhiều bài học quý. Một trong những bài học quan trọng là cần tích hợp các mục tiêu toàn diện vào hệ thống giáo dục, đặt giá trị nhân cách và kỹ năng mềm ngang hàng với thành tích học tập. Bên cạnh đó, việc phát triển đội ngũ giáo viên chuyên môn cao, giảm áp lực thi cử và xây dựng cơ chế hợp tác toàn diện giữa nhà trường, gia đình và xã hội là những yếu tố then chốt để cải thiện chất lượng giáo dục.
Cải cách giáo dục Singapore là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng trong việc tạo dựng một thế hệ công dân toàn cầu. Bằng cách cân bằng giữa tri thức và nhân cách, quốc gia này không chỉ định hình một hệ thống giáo dục vượt trội mà còn đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm này để xây dựng một hệ thống giáo dục mang bản sắc riêng, đáp ứng yêu cầu của thời đại mới.
Vân An lược dịch
Nguồn:
Singapore Ministry of Education (2024). Singapore’s educational reforms: Toward holistic outcomes. Retrieved from https://www.brookings.edu/wp-content/uploads/2023/03/Brief_Singapores-educational-reforms-toward-holistic-outcomes_FINAL.pdf