GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội phát biểu tại tổ thảo luận (Ảnh nguồn Giaoducthoidai.vn)
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại tổ sáng 09/11, GS.TS Nguyễn Thị Lan – Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội đoàn TP. Hà Nội đánh giá rất cao những nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã công phu, nghiêm túc và dành nhiều thời gian để tổ chức các hội nghị, hội thảo, cầu thị lắng nghe và tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.
Dự thảo đã đề cập đến nhiều điểm mới về chính sách đối với nhà giáo như: vị trí pháp lý của nhà giáo công lập và ngoài công lập; chuẩn hóa chức danh của nhà giáo; chính sách tuyển dụng, điều động, biệt phái của nhà giáo; chính sách về bảo vệ, thu hút nhà giáo; nhà giáo được bảo vệ thông qua quyền và những điều không được làm đối với nhà giáo; thu hút, trọng dụng người có trình độ cao; chính sách đãi ngộ tiền lương với nhà giáo. GS.TS Nguyễn Thị Lan ghi nhận, các điểm mới trên phù hợp với tình hình thực tiễn và có thể tháo gỡ được nhiều khó khăn, điểm nghẽn trong lĩnh vực giáo dục.
Với mong muốn dự thảo Luật Nhà giáo được hoàn thiện hơn nữa trước khi được Quốc hội thông qua, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát để đảm bảo sự đồng bộ về các quy định pháp luật, bảo đảm tính khả thi của dự án luật được thông qua. Trong đó, GS.TS Nguyễn Thị Lan đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc làm rõ thêm một số vấn đề sau:
Thứ nhất, quy định về quyền của nhà giáo. Tại điểm d khoản 1 Điều 11 dự thảo này quy định về quyền của nhà giáo như sau: “Được nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật về nghiên cứu khoa học và sở hữu trí tuệ; được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ”. Đây là quy phạm cho phép, được hiểu là: nhà giáo được trao quyền nghiên cứu khoa học và chuyển giao sản phẩm nghiên cứu khoa học; đồng thời, được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất – kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ. Tuy nhiên, theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020, cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Thị Lan đặt vấn đề, cần làm rõ nhà giáo được tham gia hoạt động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ là được tham gia những hoạt động nào, khâu nào trong hoạt động sản xuất kinh doanh? Nhà giáo có được thành lập hoặc tham gia thành lập và quản lý doanh nghiệp không? “Nếu không làm rõ, sẽ dẫn đến việc hiểu luật không giống nhau, khó thực hiện trong thực tế, có thể vô tình vi phạm quy định của pháp luật” – GS.TS Nguyễn Thị Lan băn khoăn và đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát làm rõ và thống nhất quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 của dự thảo Luật Nhà giáo và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Thứ hai, tại điều 34, Mục 2 quy định việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên là việc làm thường xuyên, liên tục và học tập suốt đời. Đại biểu GS.TS Nguyễn Thị Lan đề nghị, cần làm rõ hơn việc đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với cán bộ giáo viên là nhà quản lý. Ban lãnh đạo, người đứng đầu cơ sở giáo dục, đặc biệt là tại các cơ sở giáo dục đại học, Hiệu trưởng, Giám đốc cần được bồi dưỡng đào tạo và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Thông qua hợp tác quốc tế để cập nhật, nâng cao kiến thức và thúc đẩy quốc tế hoá. Tuy nhiên, việc đi công tác nước ngoài của Hiệu trưởng/Giám đốc đại học công lập bị quy định hạn chế số lượng và thời gian một lần đi. Điều này hạn chế việc đào tạo, bồi dưỡng và thúc đẩy hợp tác quốc tế đối với giáo viên là nhà quản lý, cũng như đối với cơ sở đào tạo.
GS.TS Nguyễn Thị Lan kiến nghị các cấp có thẩm quyền xem xét: Một là, quy định nên mở thời gian đi công tác nước ngoài tùy thuộc vào nội dung, chương trình của chuyến đi (có kèm theo chương trình, thời gian làm việc tại nước ngoài). Vì đoàn đi công tác nước ngoài thường kết hợp làm việc với các trường, các đối tác nước ngoài để trao đổi về hợp tác nghiên cứu, đào tạo, trao đổi giảng viên. Vì vậy, quy định thời gian đi công tác mỗi nước 3 ngày có lúc chưa phù hợp. Hai là, quy định nên mở thêm số lần đi công tác nước ngoài với lãnh đạo chủ chốt, cán bộ quản lý, người đứng đầu cơ sở giáo dục để mở rộng hợp tác quốc tế và thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế, quốc tế hóa các cơ sở giáo dục, đặc biệt các trường đại học/Học viện.
Thứ ba, không trực tiếp nhưng liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của nhà giáo trong công tác hợp tác quốc tế. Theo Quyết định số 06/2020/QĐ-TTg ngày 21/2/2020 về việc tổ chức, quản lý hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam, cơ sở giáo dục đại học phải làm thủ tục xin phép Bộ chủ quản; trong khi đó quy định không rõ quy mô thế nào, kinh phí tài trợ bao nhiêu được coi là hợp tác quốc tế quốc tế nên các cơ quan quản lý hiểu là: chỉ có 1 chuyên gia nước ngoài, chỉ có 1 đồng tài trợ, hay họp online cũng phải xin phép như đối với các hội nghị hội thảo lớn, nhiều chuyên gia nước ngoài đến, gây khó khăn cho các trường đại học, viện nghiên cứu nói riêng và hệ thống nghiên cứu, giáo dục nói chung triển khai hội nghị, hội thảo hợp tác quốc tế.
Trong khi đó, các nước tiên tiến cho phép các trường tự chủ về chuyên môn học thuật, tổ chức hội nghị hội thảo. Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, ở các nước, trong các trường đại học, việc tổ chức hội nghị, hội thảo, trao đổi học thuật là thông thường, hàng ngày.
Đa số không phân biệt hội nghị hội thảo quốc tế hay thông thường vì có rất nhiều khách quốc tế. Nếu quy định như chúng ta thì các hội thảo nhỏ thường kỳ của các bộ môn ở nước ngoài cũng phải xin phép, vì họ thường xuyên mời chuyên gia quốc tế đến báo cáo/chia sẻ/trao đổi.
Thứ tư, việc cử chuyên gia nước ngoài đến địa phương làm việc cần có hướng dẫn cụ thể hơn. Tại đa số các nước, nhà giáo, nhà khoa học của Việt Nam khi được cấp visa vào nước/khu vực đó có thể tự do đi lại làm việc ở các tỉnh/vùng/lãnh thổ thuộc khu vực.Ví dụ nếu đã có visa vào làm việc với 1 trường đại học ở Châu Âu trong khối Schengen thì chỉ cần gửi kế hoạch đi lại trong hồ sơ xin visa 1 lần, sau đó tự do đi lại. Trong khi chuyên gia sang làm việc và hợp tác tại Việt Nam (đã được cấp phép visa) vào làm việc tại một cơ quan ở 1 địa phương, khi đi đến làm việc tại các địa phương khác, thì cơ quan mời vào phải làm công văn báo cáo với các địa phương khác, mà mỗi địa phương có quy trình xử lý khác nhau. Đại biểu đề nghị khi khách đã vào làm việc tại một cơ quan/tổ chức thì chỉ cần liên hệ đến cơ quan tổ chức khác trực tiếp không cần phải báo cáo, xin phép tại sở ngoại vụ các tỉnh.
Đại biểu Quốc hội Hoà Thượng Thích Bảo Nghiêm đánh giá dự thảo Luật Nhà giáo đã bao quát được khá đầy đủ các khía cạnh có liên quan đến Nhà giáo, đại biểu nêu rõ: "Nếu Luật được thông qua, không chỉ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với một nghề đặc biệt - nghề giáo, mà còn là cơ sở và tạo điều kiện để nhà giáo có thể phát triển, nghề giáo có cơ hội thu hút những người giỏi, người tài, giúp nền giáo dục nước nhà có cơ hội phát triển và hội nhập quốc tế".
Hoà Thượng Thích Bảo Nghiêm, đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phát biểu ý kiến (ảnh nguồn TTXVN)
Phát biểu tại thảo luận tổ, ĐBQH Hoàng Văn Cường góp ý, ngoài 8 điểm quy định về nghĩa vụ của nhà giáo tại Điều 9, cần bổ sung và nhấn mạnh việc nhà giáo không chỉ mẫu mực, nêu gương trong hoạt động nghề nghiệp mà cần phải mẫu mực trong sinh hoạt cộng đồng, chuẩn mực trong các hành vi ứng xử xã hội. Đặc biệt, nhà giáo không chỉ tôn trọng, đối xử công bằng, bảo vệ các quyền lợi của người học mà phải có trách nhiệm động viên, khuyến khích, khích lệ để người học phát triển tư duy sáng tạo của cá nhân. Cần phải tôn trọng các ý kiến khác biệt của học sinh, miễn là không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật của người học.
Với nhiều ý kiến thảo luận thực tế, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh về quyền của giáo viên phải gắn với trách nhiệm tham gia đào tạo, bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ. Kiến thức phải luôn mới, luôn cập nhật để theo kịp sự phát triển của các thành tựu khoa học công nghệ mới, chứ không phải cứ dạy theo sách, thi theo sách. Đây là cơ sở để đào thải, thanh lọc. "Tôi đề nghị trách nhiệm của các cơ quan tổ chức đối với vấn đề đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Bắt buộc phải có quỹ đào tạo bồi dưỡng giáo viên. Mỗi giáo viên sau tối thiểu 3 - 5 năm phải được đi bồi dưỡng", ĐBQH Hoàng Văn Cường đề xuất.
Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo tại tổ 1, đoàn đại biểu TP. Hà Nội khẳng định, dự thảo luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhà giáo; đặc biệt đề xuất một số chính sách đặc thù, đột phá để phát triển và nâng tầm, tôn vinh nghề giáo, khắc phục các bất cập trong quản lý Nhà nước về nhà giáo hiện nay.
Trịnh Thu (Tổng hợp)