Công tác chăm sóc sức khỏe học sinh trong nhà trường (Ảnh minh họa, nguồn Internet)
Theo đó ngành GDĐT và ngành Y tế Hà Nội yêu cầu kiện toàn Ban Chỉ đạo Y tế trường học các cấp. Các trường học, cơ sở giáo dục kiện toàn Ban chăm sóc sức khỏe học sinh, xây dựng và triển khai kế hoạch, tổ chức thực hiện theo quy định.
Bố trí phòng Y tế riêng, thuận tiện công tác sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe học sinh, bảo đảm cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế thiết yếu dùng trong phòng Y tế học đường của các trường theo quy định.
Bố trí cán bộ thực hiện nhiệm vụ Y tế trường học hoặc hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế, cơ sở khám bệnh để triển khai công tác Y tế trường học. Tổ chức đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Y tế trường học. Quan tâm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí cho nhân viên y tế hoặc nhân viên kiêm nhiệm phụ trách công tác Y tế học đường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ Y tế trường học.
Tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng các trường học theo chuẩn: Phòng học, các phòng chức năng, bàn ghế, bảng, đồ dùng trang thiết bị dạy và học; các công trình vệ sinh trong trường học theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt chú ý đảm bảo các điều kiện tạo môi trường an toàn trong trường học.
Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường, hóa chất làm vệ sinh, dung dịch khử khuẩn, cung cấp đủ nước ăn uống, sinh hoạt cho học sinh, giáo viên; nhà vệ sinh đảm bảo vệ sinh, an toàn, thân thiện và sử dụng tốt; đảm bảo điều kiện vệ sinh học đường (phòng học, bàn ghế, bảng, chiếu sáng, đồ chơi, đồ dùng học tập, luyện tập thể dục, thể thao...) và đảm bảo các điều kiện cần thiết khác để triển khai hoạt động chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của học sinh, phòng chống tai nạn thương tích theo quy định.
Tăng cường hoạt động truyền thông, tư vấn giáo dục sức khỏe cho học sinh thông qua các hoạt động giảng dạy chính khoá, ngoại khoá; tập trung tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, phát triển thể chất, tầm vóc học sinh, phòng chống thừa cân béo phì, phòng chống các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích thường gặp như ngã, đuối nước, cháy nổ, điện giật, giao thông, hóc dị vật đường thở..., kỹ năng kiểm soát cảm xúc và phòng chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.
Triển khai Khám sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần cho giáo viên, nhân viên nhà trường; khám sức khỏe theo chuyên khoa, đánh giá tình trạng dinh dưỡng cho học sinh, sơ cấp cứu ban đầu, mắt học đường, nha học đường cho học sinh, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thông báo kết quả khám sức khỏe; thông báo các trường hợp mắc bệnh cho gia đình để phối hợp chuyển tuyến điều trị. Đối với giáo viên, nhân viên nhà trường, các trường hợp mắc bệnh được thông báo trực tiếp cho người mắc.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe học sinh, phát hiện sớm, điều trị kịp thời và dự phòng các bệnh thường gặp, tình trạng thừa cân, béo phì, bệnh tật học đường như tật cận thị, giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần, tai nạn thương tích, ngộ độc thực phẩm và các bệnh tật khác để xử trí, chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định và áp dụng chế độ học tập, rèn luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Tổng vệ sinh môi trường đầu năm học và duy trì thực hiện vệ sinh khử khuẩn thường xuyên để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt lưu ý các dịch bệnh theo mùa, dịch bệnh mới nổi, tái nổi, dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh dễ mắc ở học sinh, nơi tập trung đông người và đảm bảo công tác phòng chống dịch trong các kỳ thi.
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học: bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh, nước uống cho học sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các trường có tổ chức bếp ăn bán trú, căng tin, cơ sở cung cấp suất ăn cho học sinh; tăng cường kiểmtra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các hàng, quán bán thực phẩm khu vực xung quanh các trường học. Phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đảm bảo dinh dưỡng hợp lý; nâng cao chất lượng bữa ăn học đường trong trường học đặc biệt là cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học; phòng chống suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng; đảm bảo an toàn thực phẩm; triển khai áp dụng phần mềm xây dựng thực đơn cân bằng dinh dưỡng tại các trường tiểu học có tổ chức bán trú theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Phấn đấu 70% các trường học có tổ chức bữa ăn học đường xây dựng thực đơn đáp ứng nhu cầu theo khuyến nghị của Bộ Y tế về bảo đảm dinh dưỡng hợp lý theo lứa tuổi và đa dạng thực phẩm. góp phần nâng cao tầm vóc, trí tuệ, thể lực của học sinh.
Cùng với đó, Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu thường xuyên tổ chức các hoạt động điều tra, kiểm tra, đánh giá về công tác Y tế học đường, chăm sóc sức khỏe học sinh, giáo viên trong các trường học. Đưa công tác Y tế trường học vào chỉ tiêu đánh giá thi đua hàng năm của các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý giáo dục.
Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác Y tế trường học theo Thông tư số liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư số 33/2021/TT-BYT ngày 31/12/2021 của Bộ Y tế quy định về công tác Y tế trường học trong cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Quyết định số 2616/QĐ-BYT ngày 04/9/2024 của Bộ Y tế về ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình sức khỏe học đường và Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với Y tế cơ sở giai đoạn đến năm 2026.
Tài liệu tham khảo:
Hà Nội Sở GDĐT – Sở Y tế Hà Nội (2024): Kế hoạch liên ngành, số 5383/KHLN-YT-GDĐT, ngày 30/10/2024 về Thực hiện công tác Y tế trường học năm 2024-2025
Trịnh Thu