Trong thời gian gần đây, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ngày một tăng. Nhà nước hỗ trợ việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học thông qua các Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian qua, hiện tại là Đề án 894. Tỉ lệ giảng viên có chức danh giáo sư và phó giáo sư cũng tăng dần đều hằng năm. Tỉ lệ trợ giảng có trình độ đại học giảm, điều này cho thấy các trường đã ý thức được việc nâng cao chất lượng giảng viên và thực hiện chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên theo quy định của Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học.
Theo số liệu từ Hệ thống Hemis do các cơ sở đào tạo kê khai, số lượng đội ngũ giảng viên toàn thời gian trong năm 2024 là 91.297, trong đó giảng viên là GS.TS là 743 người, PGS.TS là 5.629 người, Tiến sĩ là 23.776, Thạc sĩ là 53.412 người.
Học hàm, học vị |
Năm 2022 |
Năm 2023 |
Năm 2024 |
GS.TS |
760 |
711 |
743 |
PGS.TS |
5.331 |
5.292 |
5.629 |
TS |
21.170 |
22.230 |
23.776 |
ThS |
51.302 |
52.392 |
53.412 |
ĐH |
6.175 |
6.551 |
6.105 |
Khác |
1.310 |
1.201 |
1.632 |
Tổng |
86.048 |
88.377 |
91.297 |
(Nguồn: Số liệu từ Hệ thống HEMIS do các cơ sở đào tạo kê khai)
Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT năm 2024 của Bộ GDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có quy định: tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30% đối với cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5% và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ. Như vậy, nếu các trường đại học muốn đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học thì phải đạt tỉ lệ tiến sĩ như quy định. Một số trường đại học muốn đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn tiêu chuẩn nêu trên là hoàn toàn có thể được, pháp luật không cấm.
Do tỉ lệ tiến sĩ của một số trường đại học còn thấp nên trường phải “áp chỉ tiêu”, yêu cầu giảng viên đi học tiến sĩ. Việc đào tạo tiến sĩ mất khá nhiều thời gian nên mỗi trường cần có lộ trình để giảng viên bố trí thời gian đi học, không ảnh hưởng đến khối lượng giờ giảng dạy của khoa cũng như phù hợp với điều kiện cá nhân gia đình. Trong một vài năm trở lại đây, khi các trường đại học Việt Nam phấn đấu hội nhập khu vực, tăng chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, nhiều trường đại học đã yêu cầu giảng viên phải đi học tiến sĩ và cũng có lộ trình theo thời gian (sau bao nhiêu năm giảng dạy phải có bằng tiến sĩ) hoặc theo tuổi (đến bao nhiêu tuổi phải có bằng tiến sĩ).
Tại một số trường đại học ở nước ngoài, Nhà trường có thể đặt tiêu chuẩn 100% giảng viên phải có trình độ tiến sĩ. Khi đặt tiêu chuẩn như vậy, các trường sẽ chỉ tuyển tiến sĩ làm giảng viên, đồng thời có lộ trình khoảng 5-10 năm để các giảng viên có bằng thạc sĩ lần lượt đăng ký hoặc được phân công đi học tiến sĩ. Sau thời gian này, nếu giảng viên không có trình độ tiến sĩ sẽ chuyển sang làm vị trí công việc khác hoặc chuyển trường, đổi nghề.
Đối với các trường đại học của Việt Nam, tuỳ theo chiến lược phát triển, mục tiêu phấn đấu và lộ trình phát triển mà Nhà trường có thể yêu cầu giảng viên đi học tiến sĩ. Nếu bắt buộc 100% giảng viên đi học tiến sĩ mà chưa có mục tiêu và lộ trình được phê duyệt và thông báo công khai, không tạo điều kiện cho giảng viên giảm giờ dạy, không có chính sách hỗ trợ kinh phí, thu nhập trong thời gian đi học… thì quyết định này sẽ khó thuyết phục. Về phía giảng viên, cũng nên coi việc học tiến sĩ là một hành trình tất yếu, là yêu cầu của nghề nghiệp để cố gắng phấn đấu.
Mới đây, Trường Đại học Công thương TP.HCM thông báo giảng viên bắt buộc phải đi học tiến sĩ. Hết năm thứ 3 chưa thực hiện, giảng viên bị đánh giá lại việc sử dụng viên chức. Cụ thể, trường yêu cầu giảng viên nữ dưới 45 tuổi, nam dưới 50 tuổi đã có bằng thạc sĩ bắt buộc phải đi học tiến sĩ. Giảng viên thực hiện đăng ký tham gia dự tuyển trình độ tiến sĩ trong thời hạn 3 năm kể từ ngày ra thông báo.
Với trường hợp năm thứ nhất không đăng ký học tiến sĩ theo yêu cầu, giảng viên bị đánh giá kết quả công việc năm học đó chỉ hoàn thành nhiệm vụ. Hết năm thứ 2 chưa đăng ký, giảng viên bị đánh giá kết quả công việc năm học đó không hoàn thành nhiệm vụ. Hết năm thứ 3 chưa đăng ký, giảng viên tiếp tục đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đánh giá lại việc sử dụng viên chức vì 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ.
Giảng viên Trường Đại học Công thương TP.HCM. Ảnh: Nhà trường cung cấp
Nhà trường lý giải, mục đích của việc rà soát này nhằm nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác quản lý, giảng dạy của đội ngũ giảng viên; đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn của cơ sở giáo dục đại học theo thông tư quy định. Hiện nay tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên của trường đạt khoảng 38% trên tổng số 806 giảng viên toàn trường.
Trước đó, vào cuối tháng 6, Trường Đại học Hà Tĩnh ra quyết định về việc xếp loại viên chức và lao động hợp đồng năm học qua. Có 11 người bị đánh giá "không hoàn thành nhiệm vụ", phần lớn thuộc diện phải đi học tiến sĩ theo kế hoạch của trường. Ông Đoàn Hoài Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Từ năm 2015, trường đã yêu cầu giảng viên phải học nâng cao trình độ. Cụ thể, giảng viên có bằng đại học, kỹ sư, được tuyển dụng từ năm 2008 phải có bằng thạc sĩ sau 5 năm, bằng tiến sĩ sau 15 năm. Nếu thời điểm vào trường, giảng viên đã có bằng thạc sĩ thì sau 10 năm phải có bằng tiến sĩ. Nếu không, giảng viên sẽ bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ. Sở dĩ có quyết định này, theo ông Sơn, đề án sáp nhập trường làm thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội nêu rõ đến năm 2026, trường phải nâng tỷ lệ giảng viên có bằng tiến sĩ lên thành 50-60%, phấn đấu đến năm 2030 là trên 70%.
Thanh Nga