Điểm mới trong quy định về chỉ tiêu tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non từ năm 2025

Dự thảo Thông tư quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non sẽ áp dụng cho việc thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2025 trở đi đang được Bộ Giáo dục và đào tạo lấy ý kiến.

Nhiều điểm mới trong dự thảo Thông tư quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và  cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non (Ảnh minh họa, nguồn Internet) 

Theo dự thảo Thông tư, chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện cho từng năm, theo từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo tại trụ sở chính và từng phân hiệu, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ sở đào tạo, nhu cầu thị trường lao động, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và từng vùng, địa phương.

Các trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành bao gồm: Các ngành thuộc nhóm ngành: Đào tạo giáo viên; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam; Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài và các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ.

Cơ sở đào tạo tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ các tiêu chí và quy trình quy định tại Thông tư này và công bố công khai theo các quy chế tuyển sinh hiện hành, trừ những trường hợp chỉ tiêu tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quyết định thì chỉ được công bố chỉ tiêu tuyển sinh theo thông báo của Bộ GDĐT.

Cơ sở đào tạo tự thực hiện tuyển sinh phù hợp với chỉ tiêu đã công bố, bảo đảm số lượng thực tuyển của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo không được vượt quá 20% chỉ tiêu đã công bố, đồng thời không được vi phạm các quy định tại Điều 4 Thông tư.

Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định và thực hiện bảo đảm quy mô đào tạo cuối năm tuyển sinh (dự kiến và thực tế) đáp ứng các tiêu chí về tỉ lệ diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên tổng số người học chính quy quy đổi tại trụ sở chính và từng phân hiệu không nhỏ hơn 2,8m2; Tỉ lệ người học quy đổi trên giảng viên toàn thời gian đối với từng nhóm ngành và từng ngành (trong trường hợp phải xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành) của cơ sở đào tạo không lớn hơn 40;  cùng với đó, cần đảm bảo các tiêu chí về đội ngũ giảng viên và nhân lực hỗ trợ, cơ sở vật chất, công nghệ và học liệu đáp ứng quy định của chuẩn chương trình đào tạo áp dụng cho ngành, nhóm ngành và trình độ đào tạo tương ứng; Phù hợp với chỉ tiêu tuyển sinh, quy mô đào tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt đối với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài và các chương trình, nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trình độ, hình thức đào tạo tại trụ sở chính và từng phân hiệu không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề trong các trường hợp sau: Cơ sở đào tạo được phép đào tạo trình độ đại học đủ điều kiện thực hiện kiểm định nhưng chưa kiểm định hoặc không đạt kiểm định cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; Cơ sở đào tạo thuộc đối tượng áp dụng nhưng không đạt các tiêu chí về Tổ chức và quản trị (Tiêu chuẩn 1) theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Chỉ tiêu tuyển sinh của một ngành, nhóm ngành trình độ đại học, ngành chuyên sâu đặc thù trình độ bậc 7 tại trụ sở chính và phân hiệu không được tăng so với chỉ tiêu và số thực tuyển của năm trước liền kề trong các trường hợp sau: Tỉ lệ thôi học năm đầu cao hơn 15%; Tỉ lệ người tốt nghiệp có việc làm thấp hơn 70%.

Các tiêu chí liên quan tại khoản 1, điểm b khoản 2 và tại khoản 3 Điều 4 dự thảo Thông tư được đánh giá theo hướng dẫn trong Thông tư ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong đó sinh viên cao đẳng được áp dụng các hệ số quy đổi như sinh viên đại học, căn cứ số liệu tại các thời điểm sau: Đối với xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Ngày 31/12 của năm trước liền kề năm tuyển sinh;  Đối với thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh: Ngày 31/12 của năm tuyển sinh.

Dự thảo Thông tư quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các chương trình liên kết đào tạo quốc tế, chỉ tiêu tuyển sinh để đào tạo liên thông ở các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non nằm trong chỉ tiêu đào tạo của từng ngành, nhóm ngành, trình độ và hình thức đào tạo tương ứng. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức riêng để đào tạo liên thông ở trình độ đại học đối với mỗi ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo không vượt quá 20% tổng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành, nhóm ngành và hình thức đào tạo tương ứng.

Bộ trưởng Bộ GDĐT xem xét, quyết định tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo các ngành, chương trình đào tạo được đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dự thảo Thông tư còn quy định về quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh và điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh, đồng thời quy định thời hạn báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh chậm nhất ngày 31/12 hằng năm, cơ sở đào tạo phải hoàn thành báo cáo thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh trong năm trên hệ thống phần mềm quản lý chỉ tiêu tuyển sinh của Bộ GDĐT.

Theo Bộ GDĐT, dự thảo thông tư được xây dựng để áp dụng cho việc xác định và thực hiện chỉ tiêu tuyển sinh từ năm 2025 trở đi.

Dự thảo Thông tư dự kiến sẽ thay thế Thông tư 03/2022/TT-BGDĐT, ngày 18/01/2022 của Bộ trưởng Bộ GDĐT ban hành về quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, thạc sĩ, tiến sĩ và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 10/2023/TTBGDĐT, ngày 28/4/2023.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ GDĐT (2024): Dự thảo Thông tư Quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh giáo dục đại học và chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng các ngành Giáo dục mầm non.

Trịnh Thu

Bạn đang đọc bài viết Điểm mới trong quy định về chỉ tiêu tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non từ năm 2025 tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn