Đổi mới sách giáo khoa: Lộ trình thực hiện và các giải pháp quản lí

Đổi mới sách giáo khoa (SGK) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc thực hiện đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của ngành giáo dục. Theo Bộ Giáo dục và đào tạo (GDĐT), đến năm 2025 sẽ kết thúc chu kỳ thực hiện SGK mới, Bộ sẽ tổ chức tổng kết đánh giá quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa.

Sách giáo khoa Chương trình đổi mới (Ảnh minh họa - nguồn: Giaoducthoidai)

Với mục đích khắc phục những hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa cũ cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa với những đổi mới căn bản, toàn diện về mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học, thi cử theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.

Bộ GDĐT cho biết, từ năm 2000, Chương trình giáo dục phổ thông thực hiện theo Nghị quyết 40/2000/QH10 và Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Theo đó, SGK được biên soạn để triển khai chương trình giáo dục phổ thông nhằm cụ thể hóa yêu cầu của chương trình.

Trong Nghị quyết 88/2014/QH13 ban hành ngày 08/11/2014 nêu rõ, mục tiêu đổi mới Chương trình, SGK giáo dục phổ thông nhằm tạo chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng và hiệu quả giáo dục phổ thông; kết hợp dạy chữ, dạy người và định hướng nghề nghiệp; góp phần chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ và phát huy tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Yêu cầu đổi mới SGK phải kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, SGK giáo dục phổ thông hiện hành, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa Việt Nam và phù hợp với xu thế quốc tế, đồng thời đổi mới toàn diện mục tiêu, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục theo yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh; khắc phục tình trạng quá tải; tăng cường thực hành và gắn với thực tiễn cuộc sống. Việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được tiến hành đồng bộ, công khai, minh bạch, tiếp thu rộng rãi ý kiến của nhân dân, các nhà khoa học, nhà giáo và người học.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông. Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GDĐT tổ chức việc biên soạn một bộ SGK. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các SGK do tổ chức, cá nhân biên soạn. Các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.

Về yêu cầu triển khai biên soạn sách giáo khoa mới, trong Nghị quyết số 40/2000/QH10 ban hành ngày 09/12/2000, Quốc hội cũng đã nêu rõ: Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm huy động, tập hợp các nhà khoa học, các nhà sư phạm, các cán bộ quản lý giáo dục am hiểu, có kinh nghiệm về giáo dục phổ thông và các giáo viên giỏi tham gia biên soạn, thí điểm, thẩm định chương trình, sách giáo khoa mới và hướng dẫn áp dụng đối với các địa bàn khác nhau; xây dựng đề án giảng dạy, học tập ngoại ngữ, tin học ở nhà trường phổ thông; đổi mới chương trình đào tạo ở các trường, các khoa sư phạm; tổ chức bồi dưỡng để giáo viên có đủ khả năng giảng dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới; chỉ đạo địa phương xây dựng, phát triển các trường trung học phổ thông kỹ thuật bảo đảm để học sinh vừa có trình độ trung học phổ thông, vừa có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, thực hiện phân luồng sau trung học cơ sở.

Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải quán triệt mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các bậc học, cấp học quy định trong Luật giáo dục; khắc phục những mặt còn hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học; coi trọng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn; bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.

Đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học phải được thực hiện đồng bộ với việc nâng cấp và đổi mới trang thiết bị dạy học, tổ chức đánh giá, thi cử, chuẩn hoá trường sở, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công tác quản lý giáo dục.

Lộ trình thực hiện và phương hướng giải pháp

Chương trình sách giáo khoa mới nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông mới và đang dần hoàn thiện chu kỳ đúng theo quy định trong Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ GD&ĐT. Theo đó, việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, chương trình sách giáo khoa mới thực hiện theo lộ trình năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12. Như vậy, đến năm 2025 sẽ kết thúc chu kỳ thực hiện sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Về việc này “Bộ sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành, in ấn và hiệu quả sử dụng sách giáo khoa” – Bộ Trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 04/11/2024.

Về giải pháp chất lượng đối với SGK, Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết, quan trọng nhất lúc này là phải tăng cường chất lượng của các bộ SGK trong thời gian sắp tới. Để có được một bộ SGK thực sự chất lượng cần rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố về con người soạn là một yếu tố rất quan trọng. Tiếp đó là quy trình biên soạn, việc tổ chức thẩm định, dạy thực nghiệm, lấy ý kiến của các đối tượng liên quan khác nhau.

Vừa qua, Bộ GDĐT đang sửa đổi Thông tư 33/2020/TT-BGDĐT, thông tư quan trọng quy định về biên soạn và thẩm định xuất bản sách giáo khoa. Văn bản này đang gửi lấy ý kiến trên mạng, trong đó chủ trương là không đợi các tác giả, các nhóm, các nhà xuất bản mang bản mẫu đến thì Bộ tổ chức thẩm định mà Bộ chủ trương có giám sát, đồng hành cùng các nhóm tác giả ngay từ đầu. Mặc dù xã hội hóa nhưng cần có sự giám sát toàn bộ quá trình và sự đồng hành của lực lượng quản lý chứ không chỉ phó thác cho các nhà xuất bản và các nhóm tác giả.

Bên cạnh đó, Bộ GDĐT nâng cao các yêu cầu, các tiêu chuẩn của các thầy cô, các nhà khoa học tham gia soạn sách; các tổ chức và cá nhân cần phải đăng ký trước cũng giống như đăng ký kinh doanh, để biết trước được kế hoạch, tiêu chuẩn của các thành viên trong các hội đồng. Hội đồng thẩm định sẽ có thêm yêu cầu, có thể sẽ tăng thêm áp lực cho các thầy tham gia Hội đồng thẩm định, đó là toàn bộ Hội đồng thẩm định sẽ được ghi tên vào các cuốn sách giáo khoa được xuất bản và phải cùng chịu trách nhiệm. Lực lượng quản lý cũng cần phải theo sát, giám sát và hỗ trợ toàn bộ chứ không phó thác cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình biên soạn, nhằm tăng cường chất lượng của sách giáo khoa.

Về vấn đề phòng chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với SGK, Bộ GDĐT cho biết hàng năm, Bộ phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trong việc tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống, xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả đối với sách giáo khoa. Bộ GDĐT đã có văn bản đề nghị các nhà xuất bản chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và cơ sở giáo dục để triển khai quyết liệt, hiệu quả công tác phòng, chống in lậu, nhằm đảm bảo quyền lợi của học sinh; uy tín, chất lượng xuất bản của nhà xuất bản cũng như ổn định thị trường cung ứng sách giáo khoa.

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội (2000): Nghị quyết số 40/2000/QH10 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

2. Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.

3. Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ban hành ngày 26/12/2018 về Chương trình giáo dục phổ thông mới

Trịnh Thu

Bạn đang đọc bài viết Đổi mới sách giáo khoa: Lộ trình thực hiện và các giải pháp quản lí tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19