Tăng cường hiểu biết và thực hiện pháp luật cho học sinh với “8 chữ không”

Cùng với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo tri thức cho học sinh, sinh viên thì công tác giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật là nhiệm vụ quan trọng góp phần đào tạo những công dân toàn diện cho đất nước. Trong việc phát triển con người toàn diện, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), “giáo dục đặc biệt chú ý đến phát triển đạo đức và nhân cách”, mà “căn cứ của đạo đức, bắt đầu của đạo đức lại từ việc tuân thủ pháp luật”.

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học được các cấp, các ngành đặc biệt chú trọng. Nội dung, hình thức tuyên truyền từng bước đổi mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của các em học sinh.

Ảnh 1. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học (Ảnh minh họa – Nguồn Internet)

Sát sao chỉ đạo công tác phổ biến giáo dục pháp luật

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, GDĐT đã ban hành Công văn số 4857/BGDĐT-GDCTHSSV, ngày 29/8/2024 về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên năm học 2024-2025.

Theo đó, đối với công tác giáo dục an toàn giao thông, Bộ GDĐT đề nghị các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về an toàn giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho học sinh, sinh viên; tăng cường hướng dẫn học sinh, sinh viên chấp hành các quy định tham gia giao thông an toàn khi điều khiển phương tiện; phối hợp với các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường và cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực trường học. Thực hiện hiệu quả các Chương trình phối hợp về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục. Tuyên truyền, vận động các cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động và học sinh sinh viên thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông.

Cùng với nhiệm vụ đó, Bộ GDĐT cũng đã giao các Sở GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường về việc nghiêm chỉnh chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm cho học sinh khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không giao xe mô tô, xe gắn máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe vào đầu năm học 2024-2025.

Đồng thời, Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn phải có hợp đồng xe ô tô đưa, đón trẻ mầm non, học sinh đi học, phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe bảo đảm chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn, lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Đối với các trường đại học, học viện; các trường đại học, cao đẳng sư phạm lồng ghép phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho sinh viên qua Tuần sinh hoạt công dân - Học sinh, sinh viên đầu năm học 2024-2025.

Đối với công tác phòng, chống ma túy, Bộ GDĐT yêu cầu các đơn vị tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại các văn bản chỉ đạo của Bộ GDĐT trong năm 2024. Tổ chức phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về phòng chống ma túy đầu năm học 2024-2025, với chủ đề “Trường học không có ma túy”. Tổ chức cho học sinh, sinh viên ký cam kết với nhà trường “Không sử dụng, tàng trữ, mua bán, vận chuyển, sản xuất trái phép chất ma túy hoặc xúi giục người khác tham gia dưới bất kỳ hình thức nào. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng, chống ma túy cho cán bộ quản lý, nhà giáo, người lao động, học sinh, sinh viên và các bậc cha mẹ.

Đối với công tác phòng, chống bạo lực học đường, Bộ yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định của Chính phủ về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và các văn bản khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong toàn ngành Giáo dục nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống bạo lực học đường. Thực hiện lồng ghép tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương trong việc tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học.

Bộ GDĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục xây dựng trường học dân chủ, an toàn, lành mạnh, thân thiện; xây dựng và triển khai hiệu quả bộ Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục, bảo đảm các giá trị cốt lõi: Nhân ái - Tôn trọng - Trách nhiệm - Hợp tác - Trung thực. Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường và gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh. Nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp giáo viên và yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Cùng với đó, Bộ chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo về xây dựng và bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; phối hợp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm đạo đức nhà giáo.

Ảnh 2. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024

Nhấn mạnh tầm quan trọng về hiểu biết và thực hiện pháp luật đối với học sinh, ngày 31/10/2024, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có bài phát biểu tại Lễ hưởng ứng “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” năm 2024, với nội dung đề cập tới nhiều chữ “không” trong việc dạy, học và thực thi pháp luật trong và ngoài nhà trường. Đó là, học tập và làm theo pháp luật “không phải là việc một ngày”, dạy về pháp luật, rèn về pháp luật, thực thi pháp luật phải là hoạt động được thực hiện thường xuyên, liên tục; Việc học tập, tuân thủ và làm theo pháp luật “không phải việc của một người”; Mỗi học sinh “không đợi lớn” mới tìm hiểu và thực hiện pháp luật; “Không chỉ có nhận thức, mà phải có hành động”; “Không chỉ học tập về pháp luật trong các nội dung chính khoá” mà ngay cả khi ở nhà hay ở bên ngoài nhà và nhà trường, chỗ nào cũng cần tuân thủ và ý thức pháp luật; “Không phải đợi người khác nhắc mới học tập và thực hiện pháp luật” mà mỗi chúng ta cần một sự tự giác trong tìm hiểu và thực hiện pháp luật; “Không chỉ làm theo pháp luật đối với những việc lớn” mà đối với học sinh việc thực hiện pháp luật cần bắt đầu từ những việc nhỏ nhất; Việc tuân thủ pháp luật “không chỉ là việc của các em học sinh”. Thầy cô, cha mẹ phải là những người gương mẫu trong thực hiện pháp luật, tuân thủ pháp luật.

Công tác phổ biến pháp luật cho học sinh tại địa phương

Công tác giáo dục phổ biến kiến thức pháp luật trong trường học có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Với tầm quan trọng đó, tại mỗi địa phương, việc bám sát đặc điểm, điều kiện từng vùng miền kết hợp đổi mới, nội dung, hình thức tuyên truyền theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức đang góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho học sinh, sinh viên.

Tại Hà Nội, với vị trí là đơn vị giáo dục trung tâm của Thủ đô, trong những năm qua, ngành giáo dục TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả để phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho học sinh, đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Hoàn thành công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho 100% thanh, thiếu niên trong các trường học.

Thực hiện Kế hoạch số 256/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa giai đoạn 2022-2030.

Cùng với Kế hoạch nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030”. Qua đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, kỹ năng ứng xử pháp luật trong đời sống thanh, thiếu niên nhằm xây dựng lối sống, văn hóa pháp lý trong thanh, thiếu niên trên địa bàn Thủ đô.

Xây dựng đội ngũ thanh, thiếu niên Thủ đô thành lực lượng tiêu biểu trong cả nước về tuân thủ, xây dựng và bảo vệ pháp luật; nâng cao hành động, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội, các ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho thanh, thiếu niên; gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh, thiếu niên…

Thành phố Hà Nội phấn đấu hằng năm: 100% thanh, thiếu niên trong các trường học trên địa bàn được phổ biến chính sách pháp luật trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc học tập phù hợp với lứa tuổi của các em; phấn đấu 50% sinh viên đầu khóa các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố được tuyên truyền quy định pháp luật liên quan đến an ninh, trật tự, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, đạt tỷ lệ 80%. Có ít nhất 20% thanh, thiếu niên làm báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số và tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật; phấn đấu đến năm 2030, đạt tỷ lệ 100%.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học không chỉ được đẩy mạnh ở thủ đổ và các thành phố lớn, mà giờ đây đã trở thành phong trào rộng khắp các địa phương trên toàn quốc, đặc biệt là với các trường học ở vùng sâu vùng xa nơi học sinh ít có điều kiện tiếp xúc với những thông tin và hiểu biết về pháp luật.

 Tài liệu tham khảo:

1. Bộ GD&ĐT (2024): Công văn số 4857/BGDĐT-GDCTHSSV, ngày 29/8/2024, về việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho học sinh, sinh viên năm học 2024-2025.

2. UBND TP Hà Nội: Kế hoạch số 256/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về đẩy mạnh phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên

Trịnh Thu

Bạn đang đọc bài viết Tăng cường hiểu biết và thực hiện pháp luật cho học sinh với “8 chữ không” tại chuyên mục Tin tức, sự kiện của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19