Các tỉnh thành trong nỗ lực kiên cố hóa trường học
Thông tin từ Hà Tĩnh, năm 2023, địa phương này có gần 11.812 phòng học các cấp: mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; trong đó số phòng học kiên cố khoảng 11.002 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố 93,14% (các cấp học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở, trung học phổ thông có tỷ lệ kiên cố hoá lần lượt là 94,07%, 96,81%, 98,52% và 97,93%); toàn tỉnh có 364 nhà công vụ cho giáo viên. Trong giai đoạn 2013 – 2023, Hà Tĩnh đã huy động gần 935 tỷ đồng xã hội hoá, góp phần xây dựng kiên cố hoá 104 trường học, 776 phòng học và 146 nhà công vụ cho giáo viên.
Tại Lào Cai, bên cạnh nguồn lực được Trung ương hỗ trợ, tỉnh đã ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực của địa phương và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của Nhân dân, duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học giai đoạn 2021 - 2025 với tổng số 255 danh mục công trình để đầu tư xây dựng 1.918 phòng học, phòng học bộ môn; 52 nhà hiệu bộ; 26 nhà văn hóa dân tộc; 27 nhà kho; 1.186 phòng ở cho học sinh bán trú và công vụ giáo viên; 78 nhà bếp, nhà ăn; 65 công trình vệ sinh; 21 nhà đa năng. Kinh phí thực hiện trên 3.452 tỷ đồng (trong đó: vốn Chương trình mục tiêu quốc gia hơn 794 tỷ đồng; ngân sách tỉnh gần 2.248 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 383 tỷ đồng; huy động khác gần 27 tỷ đồng). Tỉnh đã kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển các trường ngoài công lập, hiện, toàn tỉnh có 15 trường ngoài công lập; 26 trung tâm, tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố của Lào Cai đạt 82%, trong đó, phòng học ở trường chính tỷ lệ kiên cố đạt 98%, tăng 25% so với năm 2013; đảm bảo tỷ lệ 1 phòng/lớp; có 1.909 phòng công vụ giáo viên, tăng 804 phòng so với năm 2013.
Một lớp học bậc Trung học phổ thông ở Hà Nội. Ảnh: T.N
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 8.533 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 7.816 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố 92%.
Ông Lữ Quang Ngời, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long thông tin, đến năm 2023, tỉnh có hơn 7.300 phòng học các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trong đó số phòng học kiên cố hơn 7.100 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 97%; số phòng công vụ cho giáo viên là 31 phòng với tỷ lệ KCH là 100%. Để tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả của công tác XHH trong những năm tiếp theo, hội nghị đề ra các giải pháp là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác XHH giáo dục; đẩy mạnh tuyên truyền và thúc đẩy phong trào XHH, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng tiếp tục quan tâm đóng góp cho giáo dục. Địa phương cần rà soát và điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học sao cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Khuyến khích mô hình hợp tác công tư để tận dụng tối đa nguồn lực từ khu vực tư nhân, đồng thời giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.
Ở Phú Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ cho biết: công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh được duy trì và phát huy kết quả. Mạng lưới trường học ngoài công lập phát triển tốt, theo hướng bền vững. Đến năm 2023, cả tỉnh có khoảng 5.485 phòng học từ mầm non đến THPT, số phòng học kiên cố khoảng 4.592 phòng, đạt tỉ lệ kiên cố là 83,72%. Ngoài ra, trong giai đoạn 2013-2023 trong tỉnh có 45 trường với 187 phòng học được đầu tư từ nguồn xã hội hóa với tổng kinh phí hơn 73,4 tỉ đồng.
Năm 2023, tỉnh Nghệ An có 26.578 phòng học các cấp học, trong đó số phòng học kiên cố 23.406 phòng, đạt tỷ lệ 88%. Tổng số phòng công vụ giáo viên là 1.773 phòng, trong đó phòng kiên cố là 1.208 phòng, chiếm tỷ lệ 68,1%. Tỉnh đã thực hiện rà soát nhu cầu đầu tư về phòng học, từ đó đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng 3.868 phòng học; 996 phòng công vụ giáo viên. Tổng nhu cầu kinh phí cần để đầu tư là khoảng 3.255,4 tỷ đồng; trong đó đề xuất ngân sách nhà nước là 1.266,7 tỷ đồng; nhu cầu xã hội hoá là 1.988,7 tỷ đồng.
Theo Bộ GDĐT: Công tác kiên cố hoá trường, lớp và nhà công vụ cho giáo viên đã đạt được những kết quả rõ rệt, trong đó xã hội hoá là một trong những yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững hệ thống giáo dục Việt Nam.
Đến hết năm 2023, cả nước có gần 628.571 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập (tăng 73.290 phòng học so với năm 2013), trong đó, số phòng học kiên cố 545.375 phòng (đạt tỷ lệ kiên cố hoá là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013).
Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn Trung ương hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hoá các phòng, lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Theo số liệu thống kê, hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.
Trong 10 năm, hơn 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã hỗ trợ khoảng 33.000 tỷ đồng để kiên cố hóa 36.000 phòng học và 1.300 phòng công vụ cho giáo viên trong cả nước. Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hoá phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9ha.
Việc xã hội hoá xây dựng cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non đạt 56.9%, cấp tiểu học đạt 62,8%; cấp THCS đạt 72,3% trường; cấp THPT đạt 49,6% trường; trường phổ thông nhiều cấp học đạt 44,2%.
“Đây là kết quả rất đáng tự hào, góp phần hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất trường lớp, đội ngũ giáo viên, học sinh có thêm điều kiện công tác, học tập tốt hơn. Đó cũng chính là các điều kiện cần thiết để ngành Giáo dục tập trung nâng chất lượng giáo dục”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói trong Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và lan tỏa phong trào xã hội hóa rộng khắp hơn nữa, Bộ GDĐT đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức việc kiên cố hoá trường, lớp học là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực, cách làm hiệu quả để đến năm 2030 đạt 100% kiên cố hoá trường lớp học. Kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu; nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong công tác xã hội hoá trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên.
Tăng cường quy hoạch mạng lưới trường học. Các địa phương tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp học để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo có quỹ đất để xây dựng và mở rộng các cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn.
Khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước và thu hút tối đa nguồn lực từ xã hội.
Thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả và tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, các nhà hảo tâm.
Thanh Nga
Tài liệu tham khảo:
https://tintuc.vinhlong.gov.vn/xem-chi-tiet-tin-tuc/id/265876
https://baophuyen.vn/79/322183/phan-dau-den-nam-2030-100-phong-hoc-ca-nuoc-duoc-kien-co-hoa.html