Nghị quyết số 29 đã nêu rõ: “Khuyến khích xã hội hóa để đầu tư xây dựng và phát triển các trường chất lượng cao ở tất cả các cấp học và trình độ đào tạo. Tăng tỷ lệ trường ngoài công lập đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Hướng tới có loại hình cơ sở giáo dục do cộng đồng đầu tư”.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Nhà nước ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, phát triển các cơ sở giáo dục công lập và có cơ chế hỗ trợ để bảo đảm từng bước hoàn thành mục tiêu phổ cập theo luật định. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở khu vực đô thị”.
Phụ huynh Trường THCS Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội trong ngày tựu trường.
Ảnh: T.N
Thêm cơ hội và đáp ứng nguyện vọng học tập cho học sinh
Từ Nghị quyết 29 về xã hội hóa giáo dục, các tỉnh thành đã tích cực triển khai và bức tranh giáo dục ở các địa phương đã thay đổi rõ nét.
Theo Sở GDĐT Hà Nội, ở các cấp học, bên cạnh hệ thống trường công lập, hệ thống trường ngoài công lập cũng rất phát triển, tạo thêm cơ hội học tập và đáp ứng nguyện vọng học tập đa dạng của học sinh ở các độ tuổi. Việc triển khai thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố đã mang lại kết quả tích cực, giải quyết được nhu cầu học tập của học sinh. Đồng thời, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần giảm áp lực và sự quá tải trong các cơ sở giáo dục công lập.
Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo thành phố đã góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 43.000 giáo viên, nhân viên và giúp giảm được khoảng 18.000 tỷ đồng/năm từ ngân sách Nhà nước. Năm học 2023-2024, tổng số trường tư thục trên địa bàn Hà Nội tăng 18 trường. Tổng số học sinh đang theo học tại các trường tư thục trên địa bàn hiện là hơn 330.000 em, tăng khoảng 20.000 em so với năm học trước. Việc gia tăng các trường ngoài công lập được kỳ vọng giải bài toán về quá tải trường lớp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Trong kế hoạch của UBND TP. Hà Nội, giai đoạn từ 2023 đến 2025, Hà Nội phấn đấu xây dựng mới 135 trường học với kinh phí khoảng 10.800 tỷ đồng. Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng mới các trường ngoài công lập, giảm gánh nặng ngân sách, đồng thời, triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường học.
Tại Thanh Hóa, số học sinh hàng năm tăng rất nhanh nên việc đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các nhà trường được quan tâm trong những năm qua. Địa phương này đã xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư, kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống trường, lớp tư thục, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Trong báo cáo 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 4/11/2013 của BCH Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế của thành phố Thanh Hóa cho biết, đã huy động được 173 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân hỗ trợ, đóng góp để cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị dạy học. Năm học 2022-2023 địa phương huy động được 18 tỷ đồng cùng nhiều hiện vật, đồ dùng dạy học. Để phát huy được sức mạnh của toàn xã hội chăm lo cho sự nghiệp giáo dục, thành phố và các phường, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của xã hội hóa giáo dục. Cùng với chủ trương, chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư xây dựng trường tư thục chất lượng cao, thành phố đã xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư cho từng giai đoạn.
Bà Trương Thị Kim Huệ, Giám đốc Sở GDĐT Đồng Nai chia sẻ, năm học 2023-2024 vừa qua, mạng lưới trường ngoài công lập ở địa phương có 188 trường từ mầm non đến trung học phổ thông. Trong đó, mầm non có 150 trường, tiểu học 6 trường, trung học cơ sở 5 trường và trung học phổ thông có 27 trường.
Việc xã hội hóa giáo dục trên địa bàn tỉnh đã hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập thực hiện đào tạo theo các mô hình trường quốc tế, cấp bằng tú tài quốc tế; trường chất lượng cao tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng mềm, học 2 buổi/ngày ở tất cả các khối lớp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, đưa vào hoạt động trường mầm non để phục vụ con em công nhân của doanh nghiệp đã bước đầu được thực hiện có hiệu quả với nhiều trường mầm non ra đời. Cùng với các nhà đầu tư trên địa bàn, tỉnh Đồng Nai cũng đã nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoài tỉnh, các nhà đầu tư vốn nước ngoài thực hiện đầu tư các dự án giáo dục trên địa bàn.
Xã hội hóa giáo dục góp phần tích cực vào giảm số lượng biên chế được giao của ngành giáo dục trong các năm qua. Với tổng số lớp học ngoài công lập các cấp học là 3.426 lớp, hệ thống các trường tư thục đã gánh thay cho biên chế khoảng 7.052 chỉ tiêu, góp phần vào mục tiêu giảm số lượng biên chế viên chức của ngành giáo dục.
Xã hội hóa giáo dục là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước
TS. Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, công tác xã hội hóa giáo dục là giải pháp rất quan trọng và cần thiết để bổ sung và góp phần làm tăng tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
“Giáo dục là quốc sách hàng đầu, Đảng và nhà nước ta luôn nhất quán chủ trương ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để phát triển giáo dục, đào tạo, tuy nhiên, do nhu cầu về kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị giáo dục… hiện nay là rất lớn và ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng được toàn bộ nhu cầu của người dân nên việc thu hút các nguồn lực của xã hội, cộng đồng đầu tư vào các hoạt động giáo dục là rất quan trọng và cần thiết.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, làm gia tăng nhu cầu của người Việt Nam và người nước ngoài tại Việt Nam được tham gia học tập ở các cơ sở giáo dục có chuẩn chất lượng quốc tế, dẫn tới yêu cầu về việc mở rộng thị trường dịch vụ giáo dục chất lượng cao. Do đó, đòi hỏi nhà nước phải có các chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo.
Tôi cho rằng, xã hội hóa giáo dục là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, đã được triển khai nhiều năm qua. Hiện nay, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại nhiều văn bản pháp luật quan trọng như Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng năm 2013, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật giáo dục nghề nghiệp và được cụ thể hóa trong các nghị định, nghị quyết của Chính phủ”, TS. Nguyễn Thị Mai Thoa chia sẻ.
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, trong 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, công tác xã hội hóa giáo dục đã được thể hiện rõ qua sự phát triển mạnh mẽ của mạng lưới trường ngoài công lập tại các bậc học, từ đó góp phần giảm tải cho hệ thống trường công lập và chi phí từ ngân sách nhà nước.
Thực tế cho thấy, các trường ngoài công lập đang ngày càng khẳng định được chất lượng đào tạo khi ngày càng thu hút được nhiều học sinh và phụ huynh lựa chọn. Điều này thể hiện rõ sự phát triển mạnh mẽ của công tác xã hội hóa giáo dục. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện tinh giản biên chế nhưng số lượng trường học vẫn phải đáp ứng đủ cho nhu cầu của người dân nên sự phát triển của các trường ngoài công lập cũng để nhằm san sẻ gánh nặng này.
Một điều đáng mừng là hiện đã có nhiều tập đoàn kinh tế lớn với nguồn lực kinh tế mạnh, tiềm năng đã mở ra hệ thống trường phổ thông liên cấp, trường đại học để đóng góp cho sự phát triển của nền giáo dục nước nhà. Đây chính là sự phát triển của xã hội hóa giáo dục khi đã tăng được thêm nhiều trường ngoài công lập tức là thu hút nguồn lực xã hội, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, kéo theo sự giảm đi đáng kể chi tiêu công của Nhà nước”.
Trong giai đoạn tới, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm mong rằng, ngành Giáo dục cần có một cách nhìn mới, một cách đầu tư mới, một cách chỉ đạo mới về xã hội hóa để phát huy hiệu quả tối đa có thể mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục; cần tiếp tục phát huy từ thực tế của các trường ngoài công lập đang phát triển hiện nay và làm lành mạnh hóa hơn nữa đối với các trường công lập.
Đặc biệt, Nhà nước cần phải coi trọng xã hội hóa giáo dục, coi trọng vai trò của các trường ngoài công lập và tạo những điều kiện cho nó phát triển và phải giám sát chặt chẽ, một cách công khai, công bằng, khách quan bằng cách kiểm định chất lượng giáo dục.
Thanh Nga
Tài liệu tham khảo: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/Pages/home.aspx?ItemID=83250
https://baodongnai.com.vn/tin-moi/202408/dong-nai-tiep-tuc-day-manh-xa-hoi-hoa-giao-duc-ae9469a/