Phát triển học tập kết hợp (Hybrid Learning) nhằm cải thiện hoạt động quản lí học tập của giáo viên

Trong bối cảnh Giáo dục 4.0, khi công nghệ số ngày càng phát triển, giáo viên cần những phương pháp dạy học tối ưu hóa công nghệ. Hybrid Learning, kết hợp học trực tuyến và trực tiếp đã được nghiên cứu và áp dụng tại một trung tâm học tập cộng đồng tại Indonesia nhằm hỗ trợ hoạt động quản lí học tập của giáo viên. Kết quả cho thấy phương pháp này cải thiện môi trường tương tác, khả năng tự học của học sinh và nhận được sự đánh giá cao từ giáo viên về tính hiệu quả.

Trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ và Giáo dục 4.0, việc tối ưu hóa công nghệ trong giảng dạy trở nên cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu học tập hiện đại. Công nghệ số không chỉ đơn thuần hỗ trợ mà còn đóng vai trò trọng yếu trong việc thúc đẩy hiệu quả học tập của giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, các giáo viên vẫn gặp khó khăn trong việc thích nghi với công nghệ mới và khai thác hết tiềm năng của các thiết bị hỗ trợ học tập. Để đáp ứng nhu cầu này, phương pháp học tập kết hợp, hay Hybrid Learning, đã được nghiên cứu và triển khai như một giải pháp trung hòa, kết hợp học tập trực tuyến và trực tiếp nhằm tối ưu hóa quá trình dạy học và quản lí học tập của giáo viên.

Với mục tiêu ứng dụng phương pháp học tập kết hợp (Hybrid Learning) để cải thiện khả năng quản lí học tập của giáo viên và nâng cao chất lượng giảng dạy, khảo sát được thực hiện thực hiện tại một trung tâm học tập cộng đồng ở huyện Ciamis, Indonesia với mục đích đánh giá tính khả thi và hiệu quả của phương pháp học tập kết hợp trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và quản lí lớp học. Mẫu khảo sát bao gồm 9 giáo viên và 32 học sinh tham gia chương trình thử nghiệm Hybrid Learning, kết hợp giữa 70% thời lượng học trực tuyến và 30% học trực tiếp. Các giáo viên và học sinh đều được hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng trang web học tập và các tài liệu hỗ trợ đi kèm, nhằm tối ưu hóa trải nghiệm học tập. Để đảm bảo tính chính xác của đánh giá, khảo sát đã thu thập ý kiến từ các chuyên gia về nội dung và phương tiện giảng dạy, cũng như phản hồi từ giáo viên trực tiếp sử dụng phương pháp.

Khảo sát tiến hành trên nhiều phương diện khác nhau. Phương diện nội dung, điểm trung bình đạt 105,5, xếp loại “rất tốt.” Điều này cho thấy rằng học tập kết hợp đã cải thiện rõ rệt cách thức giáo viên quản lí nội dung học tập, không chỉ giúp truyền tải kiến thức dễ dàng hơn mà còn hỗ trợ giáo viên trong công tác tổ chức và điều phối lớp học. Hệ thống học tập cung cấp các tài liệu được sắp xếp khoa học, rõ ràng và dễ tiếp cận, cho phép giáo viên giảm thiểu gánh nặng công việc trong việc chuẩn bị tài liệu giảng dạy. Với nội dung học tập đã được định dạng và chuẩn hóa, giáo viên có thể tập trung hơn vào việc tương tác với học sinh, theo dõi tiến độ và điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp với từng học sinh. Phương tiện giảng dạy (thiết kế và giao diện) đạt điểm trung bình 78,5, xếp loại “tốt,” đặc biệt ở khả năng hiển thị và dễ đọc. Giao diện của nền tảng trực tuyến trong Hybrid Learning được thiết kế trực quan, dễ sử dụng, giúp giáo viên dễ dàng truy cập và quản lí tài liệu, từ đó giảm bớt thời gian dành cho việc điều hướng hệ thống. Khả năng điều hướng nhanh và dễ dàng cũng cho phép giáo viên kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách nhanh chóng. Các chuyên gia đề xuất cải thiện thêm tính nhất quán của hệ thống và chất lượng hình ảnh để nâng cao trải nghiệm người dùng, giúp giáo viên dễ dàng thao tác và tiết kiệm thời gian trong công tác quản lí học tập. Các giáo viên tham gia khảo sát đánh giá rằng học tập kết hợp giúp tạo ra một môi trường học tập tương tác, nơi học sinh có thể tự học, tự quản lí thời gian, và nâng cao kĩ năng thông qua việc tương tác trực tiếp với giáo viên và các bạn học. Đặc biệt, giáo viên cho biết phương pháp này giúp họ dễ dàng hơn trong việc tổ chức và điều phối lớp học, đồng thời tạo điều kiện quản lí lớp học linh hoạt, hỗ trợ tốt hơn cho các hoạt động học nhóm và học cá nhân. Ngoài ra, kết quả khảo sát từ học sinh cho thấy mức độ hài lòng cao, vì học tập kết hợp cho phép học sinh linh hoạt và chủ động trong việc học tập, phù hợp với nhu cầu học của từng cá nhân. Sự kết hợp giữa học trực tuyến và học trực tiếp giúp học sinh tiếp thu kiến thức từ xa mà vẫn có thể tương tác trực tiếp với giáo viên khi cần, đảm bảo không bị gián đoạn trong quá trình học. Hệ thống hỗ trợ trực tuyến của học tập kết hợp còn cung cấp các bài giảng, bài kiểm tra và tài liệu phong phú, tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm môi trường học toàn diện và đa dạng.

Tóm lại, học tập kết hợp là một giải pháp hiệu quả để cải thiện quản lí học tập của giáo viên và tạo ra môi trường học tích cực, nhiều tương tác. Không chỉ giúp tổ chức nội dung học tập một cách khoa học và dễ truy cập, phương pháp này còn giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa quy trình quản lí, và tăng cường sự tương tác với học sinh, từ đó nâng cao hiệu quả giảng dạy và quản lí lớp học. Phương pháp này không chỉ đáp ứng được yêu cầu của giáo dục 4.0 mà còn thúc đẩy kĩ năng tự học và tính linh hoạt trong học tập của học sinh, mở ra hướng đi mới cho chiến lược giảng dạy hiện đại trong môi trường giáo dục số.

Tại Việt Nam, khi công nghệ số ngày càng phổ biến trong trường học, Hybrid Learning có tiềm năng mang lại sự linh hoạt trong học tập và nâng cao chất lượng quản lí lớp học của giáo viên. Tương tự như Indonesia, học sinh và giáo viên tại Việt Nam cũng cần một nền tảng học tập vừa dễ tiếp cận vừa hỗ trợ tốt quá trình tương tác, đảm bảo học sinh có thể tiếp thu kiến thức mọi lúc, mọi nơi. Ngoài ra, ứng dụng Hybrid Learning cũng phù hợp với nhu cầu nâng cao năng lực tự học và quản lí thời gian của học sinh Việt Nam, giúp phát triển kĩ năng học tập độc lập - một yêu cầu quan trọng trong giáo dục thời đại số.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Hediansah, D., & Surjono, H. (2020). Hybrid learning development to improve teacher learning management. JKTP: Jurnal Kajian Teknologi Pendidikan3(1), 1-9.

Bạn đang đọc bài viết Phát triển học tập kết hợp (Hybrid Learning) nhằm cải thiện hoạt động quản lí học tập của giáo viên tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn

Hội thảo quốc tế

Hội thảo quốc gia

Phòng, chống COVID-19