Quản lí lớp học số và hỗ trợ kĩ năng cảm xúc - xã hội cho học sinh ở Việt Nam

Trong kỉ nguyên số và nhu cầu giảng dạy từ xa, quản lí lớp học và hỗ trợ kĩ năng cảm xúc - xã hội cho học sinh là thách thức lớn với giáo viên. Việc xem xét chiến lược, quy trình quản lí lớp học cùng với quan điểm và niềm tin của giáo viên về việc hỗ trợ học sinh trong môi trường số cho thấy, hầu hết giáo viên áp dụng các chiến lược quản lí lớp học tương tự với môi trường học trực tiếp nhưng tính hiệu quả giảm khi phải đáp ứng nhu cầu phát triển cá nhân của từng học sinh.

Trong thời đại mà công nghệ số trở thành một phần không thể thiếu của giáo dục, đặc biệt với nhu cầu giảng dạy từ xa, việc quản lí lớp học và hỗ trợ phát triển kĩ năng cảm xúc - xã hội (SEL) cho học sinh là một trong những thách thức lớn đối với giáo viên. Quản lí lớp học không chỉ đơn thuần là duy trì trật tự mà còn bao gồm việc tạo ra một môi trường học tập tích cực, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của học sinh. Trong giai đoạn giảng dạy từ xa, các giáo viên tiểu học phải đối diện với nhiệm vụ duy trì một lớp học có trật tự, đồng thời khuyến khích sự phát triển cá nhân của học sinh. Mặc dù các giáo viên đã áp dụng các chiến lược quản lí lớp học số dựa trên những kinh nghiệm từ giảng dạy trực tiếp, song nhiều giáo viên vẫn gặp khó khăn trong việc tạo ra môi trường học tập tích cực và hỗ trợ từng học sinh phát triển kĩ năng cảm xúc - xã hội trong bối cảnh giảng dạy trực tuyến.

Khi giảng dạy từ xa, các chiến lược quản lí lớp học số mà giáo viên áp dụng mang nhiều nét tương đồng với phương pháp quản lí lớp học truyền thống. Phần lớn các giáo viên chia sẻ rằng họ vẫn sử dụng các phương pháp quen thuộc trong lớp học trực tiếp để duy trì mối quan hệ tích cực, thiết lập quy tắc và quy trình lớp học từ đầu để học sinh tuân thủ. Họ cũng tận dụng các phần thưởng và vai trò làm gương để khuyến khích học sinh có hành vi tích cực. Ngoài ra, các giáo viên thường tổ chức các hoạt động ngoài giờ học, trao đổi và trò chuyện thường xuyên để tạo sự thân thiện, giúp học sinh cảm thấy thoải mái và tự tin hơn. Tuy nhiên, khi áp dụng vào lớp học số, hiệu quả của các chiến lược này có phần giảm sút bởi thiếu đi sự tương tác trực tiếp khiến các giáo viên khó theo dõi và điều chỉnh hành vi của học sinh một cách kịp thời.

Đồng thời, việc xây dựng và củng cố kĩ năng SEL trong lớp học số được các giáo viên triển khai thông qua nhiều phương pháp. Để thúc đẩy khả năng tự đánh giá và nhận thức bản thân của học sinh, giáo viên thường sử dụng bảng tự kiểm và câu hỏi cuối buổi học nhằm giúp học sinh tự nhìn nhận về hành vi và sự tiến bộ của bản thân. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cung cấp các hoạt động phản hồi và tổng kết nhằm giúp học sinh hiểu rõ về kiến thức đã tiếp thu và có cơ hội điều chỉnh kịp thời. Tuy nhiên, các giáo viên cho biết họ gặp không ít khó khăn trong việc duy trì giao tiếp và quản lí hành vi học sinh khi giảng dạy trực tuyến. Để vượt qua những trở ngại này, giáo viên phải sử dụng nhiều phương pháp linh hoạt và tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho từng học sinh khi có vấn đề phát sinh, đảm bảo rằng tất cả học sinh đều nhận được sự quan tâm cần thiết ngay cả khi học từ xa.

Bên cạnh các chiến lược quản lí, các yếu tố gây căng thẳng và biện pháp khắc phục mà giáo viên áp dụng trong quá trình quản lí lớp học số cũng được đề cập. Một trong những yếu tố gây căng thẳng lớn nhất đối với giáo viên là cảm giác đơn điệu và thiếu tương tác thực tế với học sinh. Việc không thể tiếp xúc trực tiếp với học sinh khiến giáo viên cảm thấy khó khăn trong việc duy trì hứng thú giảng dạy và xử lí hành vi học sinh. Sự thiếu hiệu quả trong việc xử lí hành vi tiêu cực khi giảng dạy trực tuyến cũng là một thách thức không nhỏ. Để giảm thiểu căng thẳng này, các giáo viên duy trì giao tiếp tích cực, thường xuyên động viên và khuyến khích học sinh tham gia, thiết lập các quy tắc rõ ràng ngay từ đầu để học sinh tuân thủ. Giáo viên cũng dành thời gian riêng cho từng học sinh để xây dựng lòng tin và giúp các em cảm thấy được quan tâm, tạo ra môi trường học tập thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra, họ duy trì thái độ tích cực, lạc quan để giảm thiểu áp lực trong môi trường học trực tuyến và tăng động lực học tập cho học sinh.

Mặc dù có nhiều thách thức trong quản lí lớp học số, đặc biệt khi phải tích hợp SEL, giáo viên đã cố gắng áp dụng các biện pháp phù hợp để tạo ra một môi trường học tập tích cực và ổn định. Các chiến lược quản lí lớp học số, mặc dù dựa trên những kinh nghiệm từ lớp học trực tiếp, đã được điều chỉnh để phù hợp hơn với môi trường học tập trực tuyến. Giáo viên đã áp dụng các biện pháp bảo vệ bản thân khỏi căng thẳng và tìm cách để duy trì sự hỗ trợ tinh thần cho học sinh, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc tích hợp SEL trong quản lí lớp học số, giúp xây dựng môi trường học tập tích cực, đảm bảo sự phát triển toàn diện cho học sinh và mang lại hiệu quả lâu dài trong giáo dục trực tuyến.

Trong bối cảnh giáo dục Việt Nam, nhất là sau đại dịch Covid-19, việc ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy từ xa trở nên phổ biến, đặt ra những thách thức tương tự trong quản lí lớp học số và hỗ trợ học sinh phát triển SEL. Giống như ở nhiều quốc gia khác, giáo viên Việt Nam gặp khó khăn trong việc duy trì sự tương tác cá nhân và quản lí hành vi học sinh trong môi trường trực tuyến, đặc biệt khi phương pháp dạy học từ xa vẫn còn là một hình thức mới với phần lớn giáo viên và học sinh. Ngoài ra, giáo dục Việt Nam có những nét đặc thù với lớp học đông và nhu cầu phát triển kĩ năng toàn diện cho học sinh ngày càng cao, đòi hỏi giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn chú trọng xây dựng kĩ năng mềm và phát triển SEL cho các em. Các chiến lược như thiết lập quy tắc rõ ràng, xây dựng môi trường thân thiện và tăng cường hỗ trợ cá nhân cho từng học sinh trong lớp học số là những biện pháp thiết thực mà giáo viên Việt Nam có thể áp dụng. Việc xây dựng các chương trình đào đào, phát triển kĩ năng quản lí lớp học số và tích hợp SEL trong giảng dạy sẽ giúp giáo viên chuẩn bị tốt hơn cho công tác giảng dạy từ xa, đồng thời nâng cao hiệu quả giáo dục trong thời đại công nghệ số.

Huyền Đức lược dịch

Nguồn: Karaferye, F. (2024). Investigating teachers’experiences with digital classroom management and incorporating social and emotional learning. Turkish Online Journal of Distance Education25(1), 179-199.

Bạn đang đọc bài viết Quản lí lớp học số và hỗ trợ kĩ năng cảm xúc - xã hội cho học sinh ở Việt Nam tại chuyên mục Nghiên cứu và Công bố quốc tế của Tạp chí Giáo dục. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng liên hệ SĐT: (+84)2462598109 hoặc gửi về hòm thư tapchigiaoduc@moet.gov.vn